Kẹt xe trở thành cảnh thường thấy ở TP.HCM - Ảnh nguồn: Internet
“Sốt” vì chữ… “kiện”
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã lên tiếng khẳng định không có chuyện người dân được kiện nếu bị ùn tắc quá 30 phút.
Trước đó, sáng 6/2, thông tin được cho là của ông Nguyễn Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội với nội dung người dân có quyền khởi kiện khi bị ùn tắc quá 30 phút ở Hà Nội xuất hiện trong cuộc “vi hành” của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) và lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội đến các bến xe trên địa bàn để nắm tình hình phục vụ Tết của ngành vận tải.
Sau khi xuất hiện, thông tin này đã “gây sốt” với dư luận. Hàng loạt băn khoăn đã được nêu ra: Ai kiện? Kiện ai? Điều kiện để khởi kiện? Kiện xong, nếu dân thắng kiện thì đơn vị bị kiện sẽ phải đền bù như thế nào? Tiền để đền bù hành chính với người dân thắng kiện sẽ lấy từ đâu?...
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của PV Báo GĐ&XH về tính xác thực của thông tin, ông Nguyễn Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Không có chuyện đó. Không ai cam kết như thế cả. Nếu kiện thì kiện ai? Ai kiện? Thực chất đó chỉ là sự chỉ đạo và nhận chỉ đạo của ngành GTVT thành phố là không để ùn tắc quá 30 phút trong đợt cao điểm Tết”.
Với câu trả lời của ông Nguyễn Văn Viện, nhiều người tỏ ra không mấy bất ngờ và cho rằng, khi nghe thông tin nêu trên đã ngờ ngợ bất tin. Theo họ, Sở GTVT chưa đủ cơ sở để “tự tin” nhận kiện từ người dân.
Sau cuộc đại phân luồng bằng cách ngăn ngã tư (giai đoạn 2008-2009) tới việc đầu tư xây nhiều cầu vượt lắp ghép bằng thép thì hiện trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều điểm ùn tắc vào giờ cao điểm. Đặc biệt, khi các dự án đường sắt trên cao đi vào thi công, nhiều tuyến phố bị rào chắn, thu hẹp diện tích đường lưu thông đã khiến cho giao thông Hà Nội tăng thêm áp lực.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện toàn thành phố đang còn 44 điểm ngăn đường để thi công dễ gây ùn tắc. Trong dịp Tết này, các điểm này sẽ được tổ chức phân luồng, điều tiết. Từ nay đến hết ngày 15/2 sẽ hoàn tất và dừng đào đường, hoàn trả lại mặt bằng để phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết.
Như vậy, không khó để lý giải tại sao Sở GTVT sớm phủ nhận thông tin nêu trên trước các áp lực về hạ tầng, ý thức tham gia giao thông của người dân và năng lực tổ chức, điều tiết giao thông của đơn vị này trong giai đoạn hiện nay.
Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vẫn không thể… kiện
Ở góc độ khác, người dân cho rằng, cơ quan chức năng từng có các thống kê việc ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng/năm. Cụ thể, năm 2011, chính lãnh đạo Sở GTVT thành phố này đã công bố thiệt hại do ùn tắc là khoảng 26,9 tỉ đồng/ngày, tương đương hơn 5.900 tỉ đồng/năm. Con số được Sở GTVT đưa ra trong buổi làm việc giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội ngày 17/10/2011.
Về vấn đề kiện tụng khi ùn tắc giao thông, Luật sư Vũ Thái Hà, Công ty TNHH Luật YouMe Việt Nam (33 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng khó có tính khả thi.
“Ùn tắc giao thông xuất phát từ nhiều lý do, có thể do tai nạn, do hạ tầng hoặc do ý thức của người dân kém… Muốn kiện thì phải xác định được cơ quan gây thiệt hại, phải có cơ sở để chứng minh thiệt hại như thế nào, bao nhiêu. Về việc đơn vị thi công làm ùn tắc thì cũng khó kiện bởi làm gì có biện pháp nào để vừa thi công vừa lưu thông mà không ùn tắc”, Luật sư Vũ Thái Hà nói.
Cùng quan điểm nêu trên, khi tham khảo ý kiến các luật sư đều có chung câu trả lời là: “Kiện ai? Ai kiện?”.
Theo các luật sư, khi kiện thì phải có cơ sở, phải phân tích liệu thiệt hại đến từ nguyên nhân gián tiếp hay trực tiếp bởi sau đó còn có biện pháp bồi thường trực tiếp, gián tiếp.
Cùng đó, mức thiệt hại sẽ được tính như thế nào? Nếu tính từ lương tháng chia ra cho số giờ làm việc để ra mức thu nhập/giờ sau đó từ số giờ bị ùn tắc nhân với số tiền tương ứng thì cũng không khả thi bởi căn cứ tính giờ ùn tắc cũng khó cân đong, đo đếm một cách chính xác. Mặc dù ai cũng thấy rõ hệ lụy của việc ùn tắc nhưng trước khi nghĩ tới chuyện khởi kiện hoặc cho khởi kiện thì trước hết, mỗi người tham gia giao thông hãy nhìn nhận lại ý thức của mình khi lưu thông.
Các luật sư cũng đồng quan điểm khi khẳng định, ý thức giao thông của người dân đang dần được nâng cao nhưng vẫn ở mức thấp. Việc chen lấn, bất tuân Luật giao thông là nguyên nhân của hàng vạn vụ ùn tắc, tai nạn xảy ra hàng năm.
Theo Gia đình