Còn đúng 10 ngày nữa đến Tết Ất Mùi 2015, trên đường phố Sài Gòn, khắp nơi đều rực rỡ sắc xuân kèm theo tiếng nhạc xuân rộn ràng. Những ngày qua, “phố ông đồ” khai trương tại trước nhà văn hóa Thanh Niên (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1), trở thành nơi thu hút người dân, du khách nhất là giới trẻ đến tham quan, thưởng lãm và “xin” chữ.
Trên đường phố Sài Gòn, khắp nơi đều rực rỡ sắc xuân.
Những ông đồ trẻ xen kẽ bên ông đồ già, ngồi nhẫn nại cho chữ bên nghiên bút với những chữ mẹ, chữ cha, chữ tâm, chữ hiếu… Những bà đồ cũng cho chữ không kém gì các ông đồ với những nét chữ đẹp hút hồn người thưởng lãm.
Ngồi cho chữ, bà đồ Thùy Lan cho biết: “Tết đến xuân sang, hình ảnh cụ đồ ngồi cho chữ trên giấy đỏ làm nhiều người hoài niệm về những Tết xưa, đã gắn bó trong ký ức của họ”.
Vừa lấy bút quẹt vào nghiên bút viết chữ Nhân bà đồ Lan nói tiếp: “Nét chữ là nét người, chữ nho thường xem trọng đạo lý, trong đó, quan trong nhất là tam cương ngũ thường, đề cao mối quan hệ của mỗi con người và năm đức tính cần có thông qua việc học chữ, đó là: Nhân, Nghĩa, Lễ Trí, Tín. Học chữ thời xưa, được xem như học đạo lý làm người, qua đó hướng nghiệp con người đi theo một con đường tốt đẹp nhất”.
“Phố ông Đồ” thu hút rất nhiều người dân, du khách nhất là giới trẻ đến tham quan, thưởng lãm và “xin” chữ.
Tại “phố ông đồ”, có nhiều ông đồ còn rất trẻ, tuổi chỉ ngoài 20. Nhưng cách cho chữ của các “tiểu ông đồ” này rất chuyên nghiệp. Bàn tay nhẹ nhàng múa lượn những đường bút điêu luyện như “rồng bay, phượng múa”. Những nét thanh, nét đậm cho đến nét xổ đều rất uyển chuyển, dứt khoát.
Người đến xin chữ vui khi được sở hữu những bức thư pháp đẹp, thỏa mãn được niềm đam mê thư pháp của mình. Đối với các “tiểu ông đồ”, việc cho chữ vừa có thêm thu nhập, vừa thể hiện được cái tài, cái tâm của mình qua những nét bút tinh tế, chất chứa tâm hồn của tuổi trẻ, cũng là một cách tiếp nối bản sắc, hồn Dân tộc.
Theo các ông, bà đồ tại đây, người đến xin chữ thường đề nghị viết chữ “Hiếu”, một trong những câu được yêu cầu nhiều nhất là “Đi suốt cuộc đời không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”.
Anh Nguyễn Tấn Trung dẫn vợ cùng con gái đi xin chữ, nói: “Việc xin chữ đã gắn với tôi từ lúc còn nhỏ. Lúc đó, gia đình ở Hà Nội tôi hay theo bố mẹ đi xin chữ đầu năm. Giờ xin chữ ở phố ông đồ này giúp tôi hoài niệm về những ký ức Tết xưa. Đây là truyền thống rất hay cần được giữ gìn. Hôm nay, tôi đi xin chữ Nhân, Đức, Trí, Lễ kèm theo những câu đối về các chữ này để mang về nhà treo trong những ngày Tết cổ truyền. Đây cũng là cách tôi giáo dục con cái về đạo đức làm người”.
Trong ngày cuối tuần, tại phố ông đồ này rất nhộn nhịp. Nhiều gia đình đến xin chữ, nhiều đôi lứa nam nữ cùng tay trong tay xin chữ. Trong khi đó một số người trẻ thì tạo dáng, làm duyên bên những sắc vàng hoa mai, sắc hồng hoa đào. Sài Gòn ngày cuối năm tất bật chuẩn bị đón Tết, “phố ông đồ” cũng tất bật không kém nhằm tô điểm thêm cho cho thành phố như một nét văn hóa đẹp ngày xuân.
Một số hình ảnh trên phố ông đồ giữa Sài Gòn:
Hình ảnh ông đồ “bày mực tàu giấy đỏ, trên phố đông người qua” giữa Sài Gòn khiến không khí thêm ấm áp, khách đến đây thưởng lãm dường như hoài niệm về hình ảnh đã quá vãng.
Những ông đồ trẻ xen kẽ bên ông đồ già ngồi nhẫn nại cho chữ bên nghiên bút.
Hình ảnh này nó gắn liền với ký ức của nhiều người về Tết xưa.
Chụp ảnh cùng ông đồ.
Những bà đồ cũng cho chữ không kém gì các ông đồ, với những nét chữ đẹp hút hồn người thưởng lãm.
Ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên phố ông đồ giữa Sài Gòn.
Nhiều du khách nước ngoài cũng thích thú xin ông đồ cho chữ.
Phố ông đồ như một nét văn hóa đẹp ngày xuân của Sài Gòn.
Và chụp hình bên thư pháp vừa được ông đồ cho chữ.
Theo Dân Việt