Sài Khao, Tây Tiến (thuộc huyện Mường Lát, Thanh Hóa) là những địa danh đã đi vào vần thơ “Tây Tiến” và là minh chứng cho một thời “hoa lửa” kháng chiến. Sau gần 70 năm, núi rừng ở Sài Khao không còn thác gầm, cọp dữ, không còn bom đạn nhưng vẫn hùng vĩ, nên thơ và không kém phần hiểm trở. Sài Khao vẫn còn đó những khó khăn, vất vả.
Đặc biệt, “cơn lốc” ma túy từng quét qua, bỏ lại lại phía sau những bản “không chồng” thê lương, suốt thời gian dài thiếu bóng trai tráng.
Thương lắm… Sài Khao
Cơn mưa ngày hôm trước khiến con đường đất từ thị trấn Mường Lát xuống Tam Chung, vào bản Poọng nhầy nhụa, trơn trượt. Đoạn đường chỉ dài chừng 5km, nhưng chúng tôi mất hơn một giờ mới vượt qua được để vào trung tâm bản nằm khép mình dưới chân núi Sài Khao.
Đường vào Sài Khao. |
Vẫn còn đó vẻ đẹp lãng mạn của sương rừng, sự oai hùm của những thác núi cheo leo đến hút mắt người. Mảnh đất “Sài Khao sương lấp”, “Mường lát hoa về trong đêm hơi” vẫn làm ngây ngất bao kẻ dù chưa từng một lần đặt chân tới đây.
Những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất đã đi qua, nhưng với mảnh đất và con người Sài Khao, sự khó khăn, thiếu thốn vẫn hiện hình. Sài Khao vẫn là vùng đất 5 không: Không điện lưới, không đường, không trạm xá, không nước sạch, không chợ. Chưa có điện lưới quốc gia, người dân trong vùng phải tự tìm nguồn điện bằng cách đặt tuabin dưới suối để lấy điện thắp sáng.
“Sống trong bóng tối quen rồi, nên khi thấy ánh sáng điện thì mừng lắm, như được sang một thế giới khác. Nhưng chỉ được dùng “thèm thuồng” thôi”, anh Thân Văn Tuấn - một người dân trong bản Poọng cho biết.
Cũng giống các xã vùng biên của huyện Mường Lát, xã Tam Chung có phần lớn cư dân là đồng bào dân tộc H’Mông, đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn nghèo, thiếu thốn đủ bề.
Nằm kế xã Tam Chung là xã Mường Lý, địa phương với trên 52% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chưa đầy 3,5 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của bản làng dưới chân núi Sài Khao còn nguyên những nét sơ khai.
Không có nước sạch, họ phải dùng dây dẫn nước từ suối về. Rồi những ngày mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt, họ chia sẻ áo ấm với học trò; kiếm củi, nhóm bếp lửa sưởi ấm cho học sinh; nấu cơm cho các em ăn, cho các em ngủ lại khi mưa, lũ không về nhà được…
Cũng do địa hình bị chia cắt, nhiều mạch suối nên vào mùa nước lũ, việc di chuyển từ bản này sang bản khác càng trở nên khó khăn. Bởi thế, nơi đây từng có chuyện người trong bản đi lấy củi mất... cả tuần trời mới về đến nhà. “Nước dữ lắm, những ngày lũ mà qua suối thì không khác đánh vật với thiên nhiên, khó vượt qua nổi”, anh Hà Văn Cẩn - người dân bản Xì Lồ (xã Mường Lý) cho biết.
Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng điều đáng mừng là cả xã Mường Lý có hơn 1.500 học sinh mầm non và tiểu học thì có tới 98% học sinh đến trường.
Điểm trường Sài Khao còn nhiều khó khăn. |
Để có được tỉ lệ học sinh đến trường cao như vậy, anh Bùi Văn Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý - cho biết, đầu năm học, chính quyền địa phương cùng với nhà trường thường rà soát số lượng học sinh đến lớp; các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là những người có uy tín trong bản cùng với các thầy, cô giáo đến từng gia đình vận động phụ huynh và động viên các cháu đến trường.
Tương tự, tại xã Tam Chung, tỉ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường được đi học ngày càng cao. Đặc biệt, bản Poọng - từ một điểm không có trẻ đến trường - nay cũng góp mặt đông đủ trong danh sách học sinh các cấp.
Ký ức buồn dưới chân núi Sài Khao
Nhắc đến địa danh Sài Khao, nhiều người vẫn còn nhớ như in cái tên bản Poọng (xã Tam Chung) nằm dưới chân núi Sài Khao, nơi từng bị “cơn bão trắng” tràn qua cách đây hơn một thập kỷ khiến cho bản làng thơ mộng trở nên tiêu điều, xơ xác.
Khoảng chục năm về trước, bản Poọng từng được coi là nghĩa địa hoang tàn với những nấm mồ hoang, người sống cũng vật vờ vì đói, bệnh tật. Ấn tượng lần đầu tiên tại bản, sau “đại dịch” ma túy đi qua, là những ngôi nhà trống hoác, xiêu vẹo, những đứa trẻ bụi bặm, những cụ già trầm tư, những cô gái đi gùi củi, ai cũng chung nét buồn rười rượi, vô hồn khi gặp người lạ.
Mảnh đất Poọng ám ảnh ngày nào đang dần thay da đổi thịt, song ký ức về những tháng ngày gắn với cái chết trắng vẫn đọng lại, in sâu trong tâm trí những người ở lại.
Vào những năm 2000, Mường Lát được xem là điểm “nóng” về ma túy của xứ Thanh, trong đó, các xã giáp biên giới tiếp giáp với Lào trở thành những “căn cứ địa” và “rốn” của tệ nạn ma túy hoành hành.
Địa hình núi cao, bị chia cắt, khó tiếp cận là những điều kiện thuận lợi để những kẻ buôn bán ma túy tập trung gom hàng và vận chuyển về xuôi, gieo rắc cái chết trắng.
Từ một bản làng bình yên với chừng gần 100 hộ gia đình, hơn 400 nhân khẩu, bản Poọng đã bị khuấy động bởi “cơn lốc” kim tiền và ma túy tràn về. Những thanh niên bản khỏe mạnh và thật thà vô tình bị những kẻ gieo tội ác lôi cuốn vào vòng xoáy không lối thoát.
Cho tới tận bây giờ, ông Lê Xuân Tùng vẫn còn nhớ như in những ngày “cơn bão trắng” tràn qua bản một cách tàn khốc. “1, 2 rồi 4 thanh niên ra đi vì thiếu thuốc, sốc thuốc chỉ trong 1 ngày đêm. Xót mà cũng giận chúng lắm. Nhưng căm hơn cả là bọn giặc ma túy”, ông Tùng cho biết.
Theo ông Tùng, bản Poọng cũng từng đạt nhiều danh hiệu “nhất” không ai mong muốn: Bản nhiều người nghiện nhất, người nghiện chết nhiều nhất trong xã, đông thanh niên nghiện ngập nhất... Trong toàn xã Tam Chung thời bấy giờ có khoảng 80 người chết vì ma túy thì riêng Poọng đã chiếm đến 40 người.
Năm 2007 - 2009 là thời điểm mà bản Poọng phải chứng kiến nhiều cái chết đau thương nhất, toàn những thanh niên đang độ tuổi lao động, đang hừng hực sức xuân. Bản vắng bóng đàn ông.
“Cơn bão” ma túy đã biến những trai tráng của bản thành con nghiệp, thành tội phạm và dần dần từ giã cuộc đời để lại cho người thân những nỗi đau đớn đến tột cùng. Có gia đình có tới 5 người chết vì ma túy, trong đó, không ít đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn thơ dại.
Cậu bé Hà Văn Tuấn (15 tuổi) sẽ có một gia đình hạnh phúc, nếu như “cơn lốc” ma túy quái ác không đổ bộ về bản. Cũng giống như bao cặp vợ chồng trẻ khi ấy, bố mẹ Tuấn luôn khát khao được thay đổi cuộc sống, thoát kiếp nghèo.
Nhưng rồi, trong một lần sa ngã, bố Tuấn dính phải cái chết trắng rồi lây sang cả mẹ Tuấn. Không đành lòng chôn vùi tương lai của cậu con trai, hai vợ chồng trẻ đã gửi Tuấn, khi ấy còn chưa đầy 2 tuổi cho ông bà nội chăm sóc, rồi bỏ đi biệt xứ.
Tới giờ, Tuấn vẫn luôn hy vọng có một phép màu nhiệm đưa bố mẹ trở về. Nhưng, ai cũng biết, đó chỉ là mong ước quá đỗi xa vời và không thể trở thành hiện thực.
Gia đình nguyên trưởng bản Vi Văn Thuận cũng tiêu điều giống như bao gia đình khác trong bản. Ông có 5 anh em trai, nhưng tất cả lần lượt lao vào vòng xoáy nghiện ngập.
Giờ, chỉ còn ông là trụ cột và cũng là thành viên duy nhất trong gia đình còn lành lặn sau cuộc đổ bộ của ma túy. “Bản thân khi còn làm trưởng bản cũng có chút hiểu biết, nhưng không thể làm gì để ngăn cái chết trắng đến với gia đình. Đau đớn lắm!”, ông Thuận nghẹn ngào.
Theo lãnh đạo xã Tam Chung, hiện nay, bản Poọng chỉ còn 10 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 4 cặp vợ chồng cùng nhiễm, không có trường hợp nhiễm mới phát sinh. Đó cũng là một tin vui chung của toàn xã Tam Chung cũng như các địa phương từng là điểm “nóng” về ma túy thuộc huyện Mường Lát.
Mảnh đất nghèo cực tây của xứ Thanh đang dần thay da đổi thịt. Những khó khăn không dễ để vượt qua, nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng lòng quyết tâm của người dân, những tệ nạn, cái đói, cái nghèo đeo bám nơi đây sẽ sớm bị đoạn tuyệt.
Theo Laodong