Vì sao Mỹ không giải cứu nữ con tin nằm trong tay IS?

Thứ bảy, 07/02/2015, 11:39
Do không thể đàm phán, hy vọng duy nhất để cứu sống nữ con tin Mỹ bị IS giam giữ là đột kích vào hang ổ của chúng, nhưng khó khăn trong việc xác định vị trí và giữ bí mật nhiệm vụ là những trở ngại lớn khiến Mỹ không thể ra tay.
saigon, IS, Nhà nước Hồi giáo, hành quyết, bắt cóc, con tin, Mỹ

Kayla Jean Mueller, nữ con tin người Mỹ mà IS tuyên bố đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Jordan. Ảnh: CTV

Nhà nước Hồi giáo (IS) giam giữ nữ con tin người Mỹ, Kayla Jean Mueller, 26 tuổi, kể từ tháng 8/2013. Theo The Jerusalem Post, cô được cho là con tin người Mỹ cuối cùng bị IS giam giữ, sau khi nhóm này chặt đầu nhân viên cứu trợ Peter Kassig hồi tháng 11.

IS hôm qua tuyên bố những vụ đánh bom của Jordan vào miền Bắc Syria nhằm trả thù cho phi công bị thiêu sống đã khiến Mueller thiệt mạng nhưng không đưa ra bằng chứng. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết "chưa thấy bất cứ bằng chứng nào xác thực" tuyên bố của IS.

Trước khi tin tức này xuất hiện, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã phân vân không biết có nên và làm thế nào để đàm phán với IS nhằm giải cứu nữ con tin. Washington có chính sách không nhượng bộ khủng bố, tuy nhiên, một số nước châu Âu như Pháp và Đức được cho là đã cứu sống con tin thành công bằng cách trả tiền chuộc hàng triệu USD. Trong khi đó, Jordan tuần trước đồng ý đáp ứng yêu sách trao đổi tù nhân của IS nhưng thỏa thuận này cuối cùng không thành công. Phi công người Jordan, Muath al-Kasasbeh bị IS thiêu sống, trong khi Jordan cũng xử tử nữ tù nhân Sajida al-Rishawi để trả thù.

Theo Foreign Policy, cái kết buồn này có thể là một bài học cho Mỹ. Các động thái của IS cho thấy chúng không thật sự nghiêm túc về việc đàm phán thả con tin. Chúng vẫn hành quyết phi công Jordan mặc dù Amman công khai đồng ý thực hiện thỏa thuận với nhóm. IS còn từng đòi một cái giá trên trời là 132,5 triệu USD để đổi mạng nhà báo James Foley. Trước khi tin tức về cái chết của Mueller được tung ra, truyền thông chưa ghi nhận nỗ lực đàm phán nào để giải cứu nữ con tin.

Sứ mệnh giải cứu gặp khó

Do không thể đàm phán, số phận của Mueller phụ thuộc vào những đặc nhiệm ưu tú của Mỹ, lực lượng có nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu cô, tuy nhiên, hoạt động gặp rất nhiều trở ngại.

Một cựu quan chức của Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt Liên hợp (JSOC) nói rằng ngay cả khi có thông tin tình báo hoàn toàn chính xác về Mueller, thì cơ hội thành công của chiến dịch giải cứu vẫn "ít hơn 50 %".

"Trở ngại của JSOC là tiến hành hoạt động xuyên biên giới", ông nói, nhấn mạnh rằng gửi quân tới Syria khó khăn hơn nhiều so với Iraq, nơi Mỹ có quyền sử dụng nhiều căn cứ quân sự.

Mỹ từng không thực hiện thành công nhiệm vụ giải cứu con tin. Lực lượng JSOC, với sự tham gia của hàng chục đặc nhiệm Delta, hồi tháng 7/2014 thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm gần Raqqa ở Syria để giải cứu con tin Mỹ James Foley và Steven Sotloff. Đội đặc nhiệm đã tập luyện trong nhiều tuần và cuộc đột kích diễn ra rất suôn sẻ. Tuy nhiên, đến khi lực lượng tiếp cận được mục tiêu, các con tin đã biến mất. Một số quan chức Mỹ tin rằng hai con tin có thể đã được di chuyển đến địa điểm khác trước cuộc đột kích khoảng 72 giờ đồng hồ. Cả hai nhà báo Foley và Sotloff sau đó đều bị chặt đầu.

JSOC cũng từng thất bại trong nhiệm vụ hồi tháng 12 tại Yemen. Al-Qaeda ở bán đảo Arab giết phóng viên ảnh người Mỹ Luke Somers và giáo viên Nam Phi Pierre Korkie khi đặc nhiệm đang tiếp cận hang ổ của chúng.

Những thất bại này chỉ ra rằng thành công của bất kỳ nhiệm vụ giải cứu nào cũng đòi hỏi thông tin tình báo chính xác về vị trí của con tin và đây là điều Mỹ không có được. Sau khi IS tung video cho thấy nhóm khủng bố thiêu sống Kasasbeh, thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng, chuẩn đô đốc John Kirby, nói với các phóng viên hôm 3/2 rằng Mỹ đã phối hợp với Jordan để xác định vị trí của Kasasbeh nhưng không thành công.

"Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với các quan chức Jordan kể từ khi phi công bị bắt giữ. Chúng tôi đã làm hết sức có thể để giúp Jordan xác định vị trí anh ta", Kirby nói. "Tuy nhiên, chúng tôi không đạt được thành công nên không thể tiến hành hoạt động giải cứu con tin".

Một quan chức tình báo cấp cao Mỹ cho biết khoảng hai tuần trước có bằng chứng cụ thể cho thấy nữ con tin Mueller vẫn còn sống. Quan chức này từ chối giải thích thêm, nhưng cho biết chính quyền Obama đã tranh luận rất nhiều về việc giải cứu cô trong thời gian gần đây.

Theo quan chức này, một trong số các phương án được đưa ra là tiến hành cuộc đột kích tương tự như hoạt động giải cứu hai nhà báo Mỹ hồi tháng 7 năm ngoái. Nhưng những thất bại trước đó khiến các quan chức Mỹ do dự, nhất là khi địa điểm lại nhiều khả năng là ở Syria.

Trong chiến tranh Iraq, nếu JSOC nhận được tin tình báo về vị trí một mục tiêu thì "chúng tôi có thể đã từng đến và hiểu địa bàn ở đó, chúng tôi có binh lính và hậu cần để tiến hành hoạt động giải cứu ngay lập tức", cựu quan chức JSOC nói. "Nó giống như một cuộc tập trận".

Tuy nhiên, Syria là một tình huống hoàn toàn khác, ông nói. "Nếu bạn đến Syria, thứ nhất, bạn phải lo lắng về người dân nước này. Sau đó, bạn phải đối phó với IS. Chúng tôi không có lực lượng trên mặt đất, vì vậy, tất cả hoạt động chỉ có thể tiến hành từ trên không".

Cựu quan chức JSOC cho rằng một nhiệm vụ như vậy có thể thành công nếu đặc nhiệm Mỹ nhảy dù trong đêm và âm thầm đột kích vào tòa nhà mục tiêu. Trong khi đó, máy bay trực thăng vẫn phải trong tư thế sẵn sàng để đưa đặc nhiệm ra khỏi Syria và quay trở lại căn cứ, cách càng xa mục tiêu càng tốt cho đến phút cuối cùng. "Thế nhưng khi máy bay vừa vượt qua biên giới, mọi người sẽ đều tweet "bọn họ đến đây", ông nói. "Chính vì vậy, thời đại thông tin đã 'giết chết' các nhiệm vụ điều động trực thăng xuyên biên giới", ông nói.

Ngay cả những chiếc trực thăng tàng hình từng tiến hành cuộc đột kích vào Pakistan để tiêu diệt Osama bin Laden cũng khó có thể đảm bảo thành công. "Máy bay chỉ tàng hình với radar mà thôi", ông nói. "Bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng trực thăng".

Tuy IS tuyên bố nữ con tin Mueller đã thiệt mạng, quân đội Jordan tin chắc rằng "nữ con tin không bị giết chết do cuộc không kích của Jordan", một quan chức chính phủ nói với USA Today nhưng cũng không nói rõ họ đưa ra kết luận đó dựa trên cơ sở nào.

Quan chức này cho biết thêm các chiến binh từng lừa dối khi họ tuyên bố phi công Jordan, Muath al-Kaseasbeh, vẫn còn sống mặc dù anh bị giết chết gần một tháng trước đó.

"Chúng cố gắng gây ra vấn đề trong nội bộ Jordan và đã không thành công", Bộ trưởng Nội vụ Jordan Hussein Majali nói. Amman là đồng minh lớn của Washington trong cuộc chiến chống IS. "Nhóm cực đoan đang cố gắng chia rẽ liên minh với chiêu trò hèn hạ này".

Theo VNE

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích