"Những con hẻm ân tình" giữa Sài Gòn

Thứ sáu, 06/02/2015, 17:25
Sài Gòn phồn hoa đô hội, nơi dường như chỉ có tiếng ồn của xe cộ, sự huyên náo của nhà hàng và quán xá. Thế nhưng, ẩn trong các con phố lớn, những con đường rộng thênh thang huyên náo ấy, còn có một Sài Gòn với chằng chịt ngõ hẻm, mà mỗi lần tới đó, ai cũng thấy ấm lòng. Ấy là những con hẻm miễn phí, những con hẻm nghĩa tình, người ta như gặp lại tình thân.
saigon, hẻm Sài Gòn, con hiểm, từ thiện, lòng tốt, người tốt, heo đất

Má Cúc đang chuẩn bị các phần quà Tết để tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bài 1: Hẻm “heo đất”, “cháo miễn phí”

Hẻm gom tiền nuôi heo đất

Con hẻm 60, đường Lý Chính Thắng, quận 3 còn được người dân Sài Gòn gọi là hẻm “heo đất”. Vì khi bước vào hẻm, người ta sẽ nhìn thấy một bà cụ bán bánh mì, bên cạnh bà lúc nào cũng có một con heo đất dán dòng chữ: “Nuôi heo đất giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn”. Người bán bánh mì và cũng là người khởi xướng phong trào nuôi heo đất đó là bà Nguyễn Thị Bạch Cúc, 72 tuổi mà mọi người vẫn thường gọi là má Cúc.

Phong trào nuôi heo đất giúp người nghèo của má Cúc có từ hơn 40 năm trước. Mỗi ngày, má đều thức dậy vào lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị đồ bán hàng. Bên cạnh chiếc xe đẩy luôn có con heo đất để nhận những tấm lòng hảo tâm của mọi người, có khi chỉ là vài ngàn bạc lẻ cũng khiến má ấm lòng. Không chỉ bán bánh mì, má Cúc còn thu lượm ve chai để có thêm tiền nuôi heo “mau lớn”.

Nhớ về những buổi đầu có heo đất, má Cúc kể: “Khi mới “nuôi heo” khó khăn lắm. Người dân trong hẻm chưa tin tưởng nên còn dị nghị, bàn ra tán vào. Có người còn bảo má lo chuyện bao đồng”. Theo má Cúc, mấy đứa con thấy mẹ lo chuyện bao đồng nên cũng khuyên ngăn.

“Có hôm má đang nhặt ve chai ở mấy bịch rác để bán lấy tiền “nuôi heo”, thấy cô con dâu phía trước, liền tránh để nó không nhận ra” - má Cúc kể lại.

“Nhưng bây giờ thì khác rồi con ạ, từ khi có phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc làm của má được nhiều người biết đến và ủng hộ. Bà con lối xóm cũng thay đổi suy nghĩ, cùng “nuôi heo” với má. Thỉnh thoảng con cái cũng cho tiền để má nhét heo nữa” - má Cúc tự hào.

Buổi sáng, nhiều người tới xe bánh mì của má Cúc. Ngoài mua bánh mì ăn sáng, họ cũng gom góp nuôi heo đất, có khi dôi dư mấy đồng tiền lẻ mua bánh mì cũng nhét vào heo. Có cả những em nhỏ mỗi lần ba mẹ chở đi học qua xe bánh mì cũng xuống nhét tiền. Ở xóm, ai có ve chai cũng gom lại xách ra chỗ má Cúc.

Tiếng lành đồn xa, có cả những người ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An thi thoảng lên TP.HCM thăm bà con hay mua sắm cũng lần tìm đến xe bánh mì của má Cúc rồi nhét vào heo mấy trăm ngàn ủng hộ má giúp đỡ người nghèo.“Có hôm má còn nhận được giấy gọi đi lãnh tiền từ nước ngoài gửi về nữa” - má Cúc kể.

saigon, hẻm Sài Gòn, con hiểm, từ thiện, lòng tốt, người tốt, heo đất

Một người dân đang nhét tiền ủng hộ vào heo đất.

Má Cúc cho biết, mỗi năm số tiền nuôi heo của má đều tăng lên nhờ những tấm lòng thơm thảo gần xa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều mảnh đời bất hạnh được sẻ chia, giúp đỡ. Năm 2007, số tiền nuôi heo của má là 3 triệu đồng, năm 2010 nhích lên 26 triệu đồng, năm 2011 là 30 triệu đồng. Năm 2014, số tiền nuôi heo của má đã lên tới hơn 40 triệu đồng. “Vậy là năm nay hẻm sẽ đi phát quà và cho chị em nghèo vay được nhiều rồi”- má Cúc khoe.

Cháo cho người nghèo miễn phí

Đều đặn vào sáng các ngày mồng 1, 14, 15 và 30 âm lịch hằng tháng, con hẻm 178 đường Đoàn Văn Bơ, phường 9, quận 4 lại trở nên nhộn nhịp, bởi người dân nơi đây đang chuẩn bị nấu cháo từ thiện phát cho người nghèo, người tàn tật và các bệnh nhân khó khăn…

Công việc quen thuộc ấy dường như đã trở thành một phần không thể thiếu, là niềm vui của tất cả người dân trong con hẻm. Chị Quách Thị Tố Nga, người phát động phong trào nấu ăn từ thiện này, cho biết: “Hằng ngày nhìn thấy người nghèo phải bươn chải kiếm sống, nhịn ăn từng bữa tiết kiệm tiền tôi thương lắm”.

Từ tình thương, chị Nga chuyển sang hành động. Một lần ngồi tâm sự với mấy chị em trong con hẻm về cách giúp người nghèo, tưởng là ý tưởng tầm phào ai ngờ được mọi người ủng hộ hết sức.

“Từ đó đến nay, cứ mỗi tháng chúng tôi lại dành ra 4 ngày để nấu cháo miễn phí cho người nghèo, người tàn tật”- chị Nga tâm sự. Vậy là “hẻm cháo miễn phí” ra đời và hoạt động được 4 năm nay.

Trong những ngày đầu hoạt động, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp vì chủ yếu là người dân trong hẻm tự hùn tiền lại nên mỗi lần nấu chỉ được 200 suất. Sau này, chị Nga có đi vận động người thân, bạn bè rồi có cả những mạnh thường quân là các doanh nhân và kiều bào nước ngoài ủng hộ nên con số đã lên tới 500 suất cho một lần nấu. 

Đang cầm tô cháo nghi ngút khói trên tay, cô Dung - người bán vé số xúc động: “Tôi vốn ốm yếu nên mỗi ngày đi bán vé số cũng chẳng được bao nhiêu. May mà được mọi người trong xóm này đùm bọc, họ cho tôi đồ ăn, thuốc thang khi bệnh tật rồi cả quần áo nữa nên cũng đỡ đần phần nào”.

Nấu cháo tưởng đơn giản nhưng với mấy mươi chị em trong hẻm này, đó là công việc không dễ dàng. “Chúng tôi phải chọn gạo thơm ngon, các loại thịt, cá, rau củ cũng phải thay đổi từng bữa. Nếu ngày này cháo thịt bò thì đợt tới sẽ là cá”- chị Hòa, một người trong hẻm 178 chia sẻ.

saigon, hẻm Sài Gòn, con hiểm, từ thiện, lòng tốt, người tốt, heo đất

Một người đi đường dừng lại uống trà đá miễn phí của hẻm này.

Sáng 15 âm lịch rồi, 5 chị dậy sớm cùng đi chợ. Mười mấy người ở nhà lo nấu cháo, nhặt rau, hoa quả. Đến trưa, khi cháo vừa chín cũng là lúc họ chia nhau đưa cháo đi phát cho người nghèo.

Bên vệ đường, một cụ ông bán vé số bơ phờ dưới trời đổ nắng, chị Nga xuống xe gửi bịch cháo nóng cho cụ rồi căn dặn: “Lần sau ông nhớ đến hẻm 178 vào các ngày mồng 1,14,15 và 30 âm lịch”.

Không chỉ nấu cháo phát miễn phí, chị Nga cùng hàng chục người trong hẻm còn tổ chức đi thăm hỏi các cụ già trong trung tâm dưỡng lão, trại trẻ mồ côi ở các quận trong thành phố. Thi thoảng gom góp được tiền, mọi người trong hẻm đi về các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Thuận…để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Hẻm “năm trong một”

Hẻm 96 nằm trên đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận lâu nay người dân đã quên đi con số. Họ gọi là hẻm “5 trong 1” khi có ai nhắc đến “hẻm 96”. Con hẻm tuy không rộng nhưng khiến nhiều người ngạc nhiên khi lần đầu đặt chân đến. Nơi ấy luôn đong đầy tình yêu thương cho những người gặp khó khăn, bởi mọi thứ ở đây đều được miễn phí với người nghèo. Từ bình trà đá, bơm vá xe, tủ thuốc, phát cơm… cho đến xe ôm đều được miễn phí.

Nằm đối diện với chợ Phú Nhuận, vì thế hằng ngày có rất nhiều phương tiện giao thông qua lại và cũng thường xảy ra các vụ va quệt khiến nhiều người bị tai nạn gây chấn thương. Thấy nhiều người bị thương, dân trong hẻm cùng nhau chung tay xây dựng tủ thuốc miễn phí. Mỗi người góp một ít, người thì bông băng, người thì chai dầu, người có điều kiện hơn thì ủng hộ các loại thuốc.

“Nhìn tủ thuốc đơn giản vậy chứ cũng giúp đỡ được rất nhiều người rồi đấy. Thỉnh thoảng có mấy người lượm ve chai, bán vé số bị cảm hay đau đầu là chúng tôi đưa vào cho thuốc”, chú Nguyễn Văn Phúc - người có sáng kiến lập tủ thuốc miễn phí, giới thiệu.

Trong cái nắng gay gắt của Sài Gòn, một người đàn ông dừng xe lại xin ly trà đá mát lành được vợ chồng chú Đỗ Văn Út chuẩn bị từ sáng sớm. Cô Trang, vợ chú Út cho biết bình trà đá ấy đã có từ rất lâu, và cũng là nơi uống nước của rất nhiều người đi đường, nhất là những người bán vé số, đạp xích lô… Tuy chỉ là những người lao động bình thường, chồng chạy xe ôm kiêm bơm vá xe, vợ làm tạp vụ theo giờ, nhưng vợ chồng chú Út, cô Trang là những người có nhiều đóng góp ý nghĩa và thiết thực nhất cho con hẻm. Từ bình trà đá tới việc bơm vá xe, chạy xe ôm miễn phí cho người khuyết tật.

(Còn nữa)

Tết gần kề, má Cúc và dân trong hẻm đã chuẩn bị quà tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những thùng mỳ tôm, những chai dầu ăn, nước mắm, bột ngọt...Năm nay, má đã chuẩn bị được gần 500 suất quà Tết, cùng với đó là các suất học bổng và tiền trợ cấp định kỳ cho học sinh nghèo.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn