Nấm “ngọc cẩu” (tỏa dương) hiện đang được chào bán với giá 300.000- 500.000 đồng/kilogram.
Lên núi săn nấm kiếm tiền tiêu Tết
Những ngày cuối năm Âm lịch, thị trường nấm “ngọc cẩu” lại lên cơn “sốt”. Tại Hà Nội, loại nấm này đã có mặt tại các cửa hàng thuốc, chúng được giới thiệu có xuất xứ từ các bản làng của các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Để kiếm tiền tiêu Tết, nhiều người đã đổ xô lên rừng tìm nấm.
“Đó là những nơi có độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, là điều kiện lý tưởng của loại “thần dược” này. Chị không lấy buôn đại trà mà mua từ những người họ hàng ở trên đấy. Họ là những người trực tiếp lên núi hái nấm nên chất lượng bảo đảm tuyệt đối, chỉ có hàng hảo hạng”, chị Lan (ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) quảng cáo. Theo chị Lan, những ngày này, họ hàng của chị lại bỏ nương lên rừng tìm nấm.
Tại Hà Nội, mấy năm về trước, nấm “ngọc cẩu” vốn chỉ có giá vài chục ngàn đồng/kg nay được “thổi” lên với giá nửa triệu đồng/kg đã kéo theo những phong trào bỏ nương tìm nấm chưa từng có.
Anh Nguyễn Bá Hiệp, người chuyên buôn bán các loại dược thảo ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh mới trở về sau một chuyến “săn thần dược” ở huyện Xín Mần.
“Loại nấm này hiện rất hiếm. Không chỉ bà con các dân tộc như Mông, Dao, Nùng, Tày, Cờ Lao… kéo nhau vào rừng để tìm nấm mà người Kinh dưới xuôi cũng mò lên núi kiếm tiền tiêu Tết”, anh Hiệp nói.
Anh Hiệp cho biết, sở dĩ anh cất công lên rừng tìm nấm vì đợt trước phải mua lại của các con buôn và nhận thấy những người này vớ bẫm.
Để hái được những chiếc nấm hiếm hoi còn lại, anh Hiệp phải vượt qua những ngọn núi cao ở xã Tả Nhìu và cả xã Nấm Dẩn, vào đến tận bản Nấm Chanh, Nấm Trà (Hà Giang).
“Người dân ở đây bảo rằng, dạo trước ở ven những con suối ở Nấm Dẩn gần khu vực bãi đá cổ có rất nhiều nấm, nay người dân đi khai thác nhiều nên giờ nấm không kịp mọc. Nấm “ngọc cẩu” trở nên hiếm”. Nấm “ngọc cẩu” thường sinh sôi nhiều nhất vào tháng 10 và tháng 11 Âm lịch hằng năm và thời điểm này đang là mùa thu hoạch bởi “ngọc cẩu” đã đủ tuổi, quả nấm và hoa nấm đã đủ tươi để thu hái nên không khó để lý giải về việc dòng người kéo nhau “săn” nấm ngày cuối năm.
Đội giá gấp 20 lần
Loại nấm này được cho là chứa rất nhiều tinh chất. ảnh: T.L
Hiện nay, tùy vào xuất xứ mà loại nấm nói trên được định giá khác nhau và cao hơn thời điểm cách đây một năm từ 10-20 lần. Hiện giá loại nấm “ngọc cẩu” được chào bán khi chuyển về Hà Nội có giá không dưới 400.000 đồng/kg.
Chị Vinh, một người bán hàng qua mạng tự giới thiệu nấm của chị được người nhà hái từ các vùng núi phía Bắc tỉnh Sơn La vẫn còn tươi, nguyên củ.
“Hiện em vẫn còn 25kg, nếu lấy cả gói thì em để lại với giá 300.000 đồng/kg. Bảo đảm với anh là nấm do người nhà hái trên núi, không nhập từ các mối khác”, chị Vinh chào hàng.
Cũng theo chị Vinh: "Có những thời điểm bọn em bán với giá cả triệu đồng/kg. Hôm qua, em mới gửi chục cân xuống cho một nhà thuốc dưới Hà Nội để làm quà biếu Tết. Hàng bán chạy lắm, không nhanh tay có người khác mua liền".
Ở các mối hàng bán “ngọc cẩu” khác. Khi ngỏ ý muốn mua vài cân về ngâm rượu thì được chủ hàng cho giá 500.000 đồng/kg. Mua thì đặt tiền cân hàng, không mua thì thôi, không lằng nhằng! Người mua không được phép chọn hàng tươi hay không tươi, đó là quyền của người bán. Đường dây buôn bán nấm “ngọc cẩu” đã có nhiều người phát tài.
Thời điểm giá cao, họ vào rừng hái được và thu lời cả chục triệu đồng sau mỗi chuyến đi. Những người hái nấm được dân buôn mua lại ngay tại cửa rừng, về bán lại ở miền xuôi. Vì thế mà “ngọc cẩu” trở nên đắt đỏ. Bây giờ “ngọc cẩu” vào mùa, nhưng chúng đã bị triệt phần rễ nên các đầu nậu thu mua cũng không đễ có hàng để bán. “Ngọc cẩu” đã “sốt” càng thêm “sốt”.
Về “công lực” thực chất của loại nấm đang được thổi giá cao ngất ngưởng này, BS Hoàng Sầm –Viện Y học bản địa Việt Nam cho biết, qua nhiều năm nghiên cứu cho thấy nấm “ngọc cẩu” thuộc họ dó đất (loại nấm này còn được gọi là củ dó) có một số tác dụng đối với chuyện “chăn gối”. Tuy nhiên, nó cũng không hơn gì một số vị thuốc như ba kích, bạch tật lê, dâm dương hoắc – vốn là những vị thuốc được biết đến với tác dụng tăng cường sinh lý.
Theo BS Hoàng Sầm, việc nói “quá sự thật” về dó đất chỉ có hại cho sự đa dạng quần thể thiên nhiên Việt Nam. Viện Y học bản địa Việt Nam đã có vùng khoanh nuôi bảo vệ loại nấm này và thường thu mua với giá 30.000 đồng/kg tươi hoặc 110.000 đồng/kg khô.
Nấm “ngọc cẩu” có mùi hôi đặc trưng. Hoa nấm nạc và mềm, không có lá. Hoa đực và hoa cái phân biệt rõ ràng. Cụm hoa đực hình trụ, dài 10-15cm. Ruột hoa nấm giống như ruột quả thanh long, chứa tinh bột. Nấm “ngọc cẩu” mọc ký sinh trên những rễ cây gỗ lớn chìm dưới lòng đất, trong bóng tối, dưới lùm cây bụi. Nấm “ngọc cẩu” có mặt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, gồm Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang… |
Theo Gia đình và Xã hội