Riêng Hà Nội, hiện có nhiều công trình đang thi công, trong đó có hai tuyến chính là Pháp Vân - Cầu Giẽ và tuyến Cầu Giấy - Xuân Thủy nên tình hình ùn tắc càng phức tạp. Phó trưởng phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Nguyễn Văn Tòng cho biết, các điểm bán hàng, tâm linh, lễ hội, bắn pháo hoa là những điểm dễ bùng phát tắc đường của Hà Nội.
Ngoài nỗ lực của CSGT, ông Tòng cho biết, cần sự hỗ trợ của các lực lượng khác.
Tình trạng kẹt xe tại TP.HCM vẫn chưa giảm. Ảnh: SGGP |
Về vấn đề này, GĐ Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, UBND thành phố đặt mục tiêu không có điểm nào trên địa bàn thành phố ùn tắc quá 30 phút. “Đây là cam kết chính trị của lãnh đạo thành phố. Nếu xảy ra ùn tắc quá 30 phút, người dân có thể khiếu nại. Lãnh đạo công an thành phố và Sở GTVT Hà Nội lúc đó phải chịu trách nhiệm” - ông Viện nói.
Ở TP.HCM tại giao lộ Cộng Hòa - Trường Chinh (quận Tân Bình), đường Nguyễn Văn Nghi (đoạn qua Chợ Gò Vấp và Đại học Công nghiệp), đường Âu Cơ (quận Tân Phú)… cũng thường xảy ra tình trạng ùn tắc.
Tại xa lộ Hà Nội, tình trạng kẹt xe kéo dài cũng khiến người dân khốn đốn với một biển người, xe “nghẹt thở” chen chúc, bụi khói xe, tiếng còi inh ỏi. Giải thích về tình trạng kẹt xe tại xa lộ Hà Nội vào những ngày qua, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) - chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội cho rằng, nguyên nhân là do các cụm cảng Phước Long, Trường Thọ và các bãi xe container chậm bốc dỡ hàng hóa.
Theo TPO