Giao thông dịp Tết Nguyên Đán: Không để ùn tắc quá 30 phút

Thứ tư, 04/02/2015, 07:14
Để đảm bảo giao thông đi lại dịp Tết Ất Mùi, sáng qua, lãnh đạo TP Hà Nội đã họp với sở ngành và yêu cầu không để giao thông ùn tắc quá 30 phút. Với lễ hội chùa Hương, lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo, phải xóa việc treo đầu dê, thú rừng tại lễ hội.

saigon, Hà Nội, kẹt xe, ùn tắc, tết nguyên đán, tết âm lịch, tết ất mùi

Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các trường hợp ùn tắc dịp Tết không để xảy ra quá 30 phút. Ảnh: Trọng Đảng

Lượng phương tiện tăng 6 - 10%

Về tình hình giao thông đi lại những ngày cuối năm, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô lưu lượng phương tiện đi lại tăng đột biến. “Các tuyến phố cửa ngõ, trục giao thông xuyên tâm đang rơi vào tình trạng quá tải. So với ngày thường tại các khu vực này lưu lượng phương tiện tăng từ 6 đến 10%”, ông Thắng nói.

Theo Đại tá Thắng, trong khu vực nội đô, hiện có 263 tuyến phố chính, trong đó có 8 tuyến phố vào dịp Tết giao thông cực kỳ phức tạp như: Pháp Vân - Ngọc Hồi - Giải Phóng, Nguyễn Trãi - Cầu Trắng - Ba La, Phạm Hùng - Xuân Thủy, Bưởi - Thụy Thuê - Hoàng Quốc Việt… Ngoài lượng phương tiện đông, trên các tuyến phố này còn tập trung nhiều cửa hàng, chợ hoa nên nguy cơ ùn tắc rất cao.

Để đảm bảo giao thông dịp Tết, ông Thắng đề nghị công an các quận huyện phối hợp thường xuyên với CSGT; tại 48 điểm chợ hoa và 31 điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa Sở GTVT và Tổng Cty Vận tải Hà Nội cần phân luồng giao thông hợp lý, bố trí các điểm trông giữ xe để tránh tình trạng lộn xộn, loạn giá.

“Trong dịp Tết, Sở Xây dựng, GTVT dừng cấp phép thi công, tu sửa hè, đường; với taxi thực hiện “6 không”, trong đó có không dừng đỗ sai quy định; không vượt đèn đỏ và phóng nhanh, vượt ẩu…”, ông Thắng nói phương án chống ùn tắc.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, để đường thông, hè thoáng dịp Tết lực lượng công an cũng phải dẹp được hàng rong lấn chiếm. Thay vì cảnh sát khu vực đi trên xe tải làm nhiệm vụ hoặc tuyên truyền bằng loa, dịp Tết này CATP triển khai Cảnh sát trật tự (PC64) xuống phối hợp với CA quận huyện thành lập nên các tổ công tác dẹp hàng rong, nếu không thực hiện được cán bộ, chiến sỹ phụ trách bị quy trách nhiệm.

Cũng theo ông Chung, dịp Tết này tại các điểm nóng bến xe, CATP đã giao cho Đoàn Thanh niên CATP phối hợp với Thành Đoàn đảm bảo trật tự; cùng với đó hiện CATP được tăng cường 500 học viên cảnh sát đảm bảo giao thông dịp Tết và CATP sẽ ưu tiên tại khu vực bến xe.

Xóa treo đầu dê, thú rừng tại lễ hội

Để đảm bảo cho lễ hội chùa Hương diễn ra văn minh, trật tự, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức báo cáo, vừa qua huyện đã họp với các sở ngành liên quan như GTVT, Công an, Văn hóa… để thống nhất tổ chức lễ hội năm nay. Theo đó, với công tác đi lại, ngoài gắn biển số, hơn 300 xuồng đò được cấp phép đưa khách đi lại trên các bến còn được huyện yêu cầu sơn màu xanh; công tác đi lại trên đường cũng đang được Sở GTVT và CATP nghiên cứu đưa ra phương án phân luồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, ngoài việc đi lại, để lễ hội diễn ra văn minh, không lộn xộn thì các hàng quán cần được chấn chỉnh lại. Cụ thể, năm nay huyện phải thực hiện cho được chủ trương không cho các chủ cửa hàng ăn uống treo đầu dê, thịt thú rừng tại quán.

“Việc này lẽ ra phải thực hiện từ năm ngoái nhưng lãnh đạo huyện nói đã trót cho bốc thăm, nộp đăng ký trước rồi nên chỉ có thể yêu cầu chuyển từ treo bên ngoài vào treo bên trong”, ông Hùng nói.

Theo Phó Chủ tịch TP Hà Nội, năm nay đã triển khai kế hoạch trước vài tháng, do vậy việc bày, treo thịt động vật hoang dã tại các nơi tâm linh, tín ngưỡng là phải xóa bỏ. Ngoài giao trách nhiệm cho huyện, TP còn giao cho Công an, Sở Y tế giám sát, xử lý các đơn vị vi phạm. Không chỉ chùa Hương, việc này được thực hiện trên tất cả các địa điểm du xuân tín ngưỡng tại Hà Nội. Từ nay nếu địa phương nào vẫn để xảy ra hiện tượng treo động vật hoang dã tại các lễ hội, danh thắng, khu di tích, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn