“Tôi ấp ủ điều đó từ rất lâu rồi. Cũng đã dạy lại cho nhiều người, nhưng không ai học được. Vì cái nghề này nó đòi hỏi người thợ phải thực sự yêu nghề và cần rất nhiều thời gian. Có người học hơn 5 năm vẫn chỉ được xem là “lính mới”, vì thế họ nản lòng nên đều tìm việc khác làm”. Ông Trần Văn Tiếp |
Gắn bó với nghề đã hơn 30 năm, ông Tiếp cho biết ngay từ khi còn là một cậu bé, mỗi chiều vẫn tắm trên dòng sông Phú Định, ông đã say mê với nghề nặn “ông lò”. Sau này, khi đi bộ đội về ông bắt tay vào việc xây dựng cơ sở sản xuất bếp lò tại mảnh đất ruộng của gia đình ngay dưới chân cầu Rạch Cây.
Hiện tại, cơ sở sản xuất của ông rộng hơn 200 mét vuông và có hơn 30 người làm. Trong đó chỉ có 10 người là thợ chính, còn lại là những người phụ giúp các công việc như khuân vác, vận chuyển, nhào đất và phơi lò…
Chia sẻ về sự gắn bó với nghề, ông Tiếp nói: “Làm cái nghề này vất vả lắm, suốt ngày chân lấm tay bùn. Nhưng “lỡ” gắn bó với nó lâu rồi nên thành ra dành cho nó nhiều tình cảm lắm. Ở đây, có cả những người thợ làm từ khi tôi mới mở lò đấy. Vì vậy, nói bỏ chứ chắc không bao giờ bỏ được đâu”.
Trải qua rất nhiều gian khó, ông Tiếp nói nhờ tình yêu nghề mới đủ giúp ông bám trụ được cho tận ngày hôm nay.
“Khó khăn nhất là nguồn nguyên liệu không có tại chỗ. Phải vận chuyển đất, xơ dừa, vỏ trấu… từ dưới Long An lên bằng đường sông. Công đoạn chuyển nguyên liệu từ dưới thuyền lên bờ cũng vô cùng vất vả, vì có nhiều đoạn sông đang được thi công, và dòng sông bị ô nhiễm bốc mùi rất nặng”- ông Tiếp chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất được từ 300 - 400 lò đất. Giá mỗi cái tùy theo lớn nhỏ sẽ dao động trong khoảng 25 - 60 nghìn đồng.
“Thị trường mua hàng của tôi chủ yếu là các tỉnh miền Đông Nam bộ, khu vực TPHCM rất ít, chỉ khoảng 5%. Một số doanh nghiệp có đặt hàng ở tôi để xuất đi nước ngoài nữa”- ông Tiếp khoe.
Nghề lắm kỳ công
Ông Phan Văn Tám đang dùng dao cắt gọt những phần đất thừa.
Để làm ra một chiếc bếp lò hoàn chỉnh đến tay người dùng không phải là chuyện đơn giản. “Nó phải qua rất nhiều bước”- ông Tiếp nói, và cho rằng cùng với đó là sự tỉ mẩn, cẩn trọng.
Với 30 năm tuổi nghề, ông Phan Văn Tám, thợ chính ở lò Năm Tiếp chia sẻ: “Làm lò đất không phải ai cũng làm được đâu. Có người vào đây làm cả chục năm rồi mà vẫn chưa học được nghề, chỉ phụ giúp vài việc đơn giản thôi. Để trở thành người có thể làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì không chỉ là thời gian, mà còn là cái tâm và nhiệt huyết nữa đấy”.
Công đoạn đầu tiên khi bắt tay làm lò đó là nhào đất. Tỉ lệ trộn đất với tro, trấu là 7/3. Lý giải điều này, ông Tiếp cho biết: “Trộn đất sét với tro, trấu không phải là để giảm chi phí nguyên liệu. Mà làm như vậy thì khi nung lò sẽ không bị nứt và cho màu sắc đỏ tươi rất đẹp”.
Nhưng theo ông, công đoạn khó nhất và kỳ công nhất đó là quá trình tạo dáng cho “ông Táo”. Một chiếc khuôn được đặt trên chiếc kệ vừa với tay người thợ. Trước khi cho đất vào khuôn ép, người thợ phải rải một lớp cát mịn để chống dính, sau đó cho từng phần đất sét vào và vừa đi giật lùi xung quanh kệ vừa phải liên tục dùng tay ấn và vuốt, nhằm ấn chặt đất vào khuôn cho đều nhau. Sau đó đem ra chỗ nắng, lật úp lò và từ từ rút khuôn ra để phơi. Thông thường, lò sẽ được phơi từ 2 - 3 ngày. Trong lúc phơi phải canh chừng thời tiết và tưới nước giữ ẩm cho đầu lò để lò không bị nứt.
Ông Phan Văn Tám chia sẻ: “Vậy không phải là đã xong. Tiếp đến là công đoạn nắn gù, tạo ra ba giá kê trên thành miệng bếp lò”. Nói xong, ông Tám khéo léo dùng tay nắm đất lên ba vị trí cân xứng trên thành miệng bếp và ấn, vuốt cho dính chắc rồi lại mang đi phơi lần nữa. Sau khi phơi xong lò sẽ được cắt gọt một lần nữa sao cho bếp lò trông đẹp và mịn hơn. Cuối cùng là công đoạn nung lò. Để tạo ra một “ông Táo” đỏ tươi, bền đẹp phải nung trong hai ngày một đêm với tỉ lệ than và lửa sao cho cân bằng và đủ độ. Sau khi ra lò, các “ông Táo” sẽ được “mặc áo giáp” làm bằng kẽm hoặc nhôm để bắt mắt hơn và chống bị nứt, vỡ trong quá trình vận chuyển, sử dụng.
Là một người trẻ tuổi và cũng ít tuổi nghề nhất trong số những người thợ ở đây, anh Cường, 25 tuổi cho biết, đã vào nghề gần 7 năm nay nhưng vẫn chỉ phụ giúp các việc như vận chuyển, bốc vác, nhào đất chứ cũng chưa được trực tiếp nặn lò bao giờ. “Nghề này xem vậy chứ công phu lắm. Tôi đang cố học để hy vọng sang năm thầy Tiếp cho nặn lò” - anh Cường tâm sự.
Rất khó để tìm ra hậu duệ
Vừa dẫn tôi đi tham quan cơ sở sản xuất của mình, ông Tiếp vừa tâm sự: “Thanh niên bây giờ chẳng còn mấy người đi theo cái nghề này nữa. Ngay cả con tôi cũng vậy, chúng nó đều chọn làm văn phòng hoặc ít ra cũng là công nhân. Có nhiều đứa vào đây làm được vài hôm rồi cũng xin nghỉ vì mệt nhọc và suốt ngày phải tiếp xúc với bùn đất”.
Tại cơ sở của ông Tiếp có 10 người thợ chính, trong đó tuổi đời của họ đều trên 50, người lớn tuổi nhất hiện tại cũng đã gần 70 rồi. Vì vậy, ông Tiếp rất lo, không biết sau này họ không làm nữa thì chắc cơ sở phải đóng cửa. Tôi hỏi tại sao ông không đào tạo một lớp thợ trẻ để kế tục, ông nói: “Tôi ấp ủ điều đó từ rất lâu rồi. Cũng đã dạy lại cho nhiều người, nhưng không ai học được. Vì cái nghề này nó đòi hỏi người thợ phải thực sự yêu nghề và cần rất nhiều thời gian. Có người học hơn 5 năm vẫn chỉ được xem là “lính mới”, vì thế họ nản lòng nên đều tìm việc khác làm”.
Những chiếc bếp “ông Táo” có mặt duy nhất tại Sài Gòn của cơ sở sản xuất Năm Tiếp
Quan sát những người thợ lành nghề làm tôi mới thấy hết được cái khó của nghề “nặn ông Táo”. “Đôi mắt phải quan sát, đôi tay thoăn thoắt làm việc. Chỉ có sức khỏe thôi thì chưa đủ, để trở thành một người thợ chính thì cần phải có sự tỉ mẩn, khéo léo, kiên trì. Cùng với đó là tình yêu, sự gắn bó với nghề trong suốt một thời gian dài” - ông Quyền, 68 tuổi, người lớn tuổi nhất tại lò của ông Năm Tiếp, cho hay. Tìm người nặn lò đã khó, giữ được người cũng khó hơn.
Theo ông Tiếp dù liên tục cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng sản phẩm, nhưng không biết sẽ “trụ” được bao lâu nữa khi mà người người, nhà nhà đều sử dụng bếp gas, bếp điện… Các thợ chính thì tuổi đã cao, mà lớp trẻ thì lại không mặn mà với nghề lắm.
Cứ nghĩ đến việc ông Tiếp sẽ đóng cửa cơ sở sản xuất bếp lò, tôi chạnh buồn cho một nghề truyền thống bị xóa sổ. Và khi đó, hơn 30 con người đã từng gắn bó với nghề làm bếp “ông Táo” suốt mấy mươi năm qua, biết làm sao được lại sẽ phải tìm một công việc mới và bắt đầu lại từ đầu.
Theo Tiền Phong