Dự án do Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank) và Công ty CP Him Lam khởi động với quy mô giai đoạn 1 trồng khoảng 100.000ha cây mắc ca, với số vốn đầu tư khoảng 18.600 tỷ đồng (từ nay đến năm 2020).
Giai đoạn 2 của dự án từ năm 2020-2024 sẽ cần thêm khoảng 18.600 tỷ đồng để nâng quy mô trồng cây mắc ca lên 200.000ha.
Cây mắc ca có tuổi lên đến 50 năm tại Đà Lạt. Nguồn: Báo Lâm Đồng
Đây là đề án đầu tiên hướng đến việc phát triển trên quy mô lớn loại cây trồng này tại Việt Nam, trong đó Him Lam cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và LienvietPostBank sẽ cung cấp vốn vay.
Mắc ca hiện là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được xem là “cây tỷ đô” tại Việt Nam. Nhu cầu trên thế giới về loại hạt này rất lớn.
Giá bán hạt mắc ca tại Úc khoảng 4-6 USD/kg, 12 USD/kg với nhân và sau chế biến là 30 USD/kg. Tại Việt Nam, hạt mắc ca có giá khoảng 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg, thành phẩm qua chế biến lên tới 600.000 đồng/kg.
Theo đơn vị đầu tư dự án, đến nay việc trồng thử nghiệm loại cây này ở Lâm Đồng đã cho những kết quả bước đầu khả quan, với năng suất khá cao so với mặt bằng chung các nước.
Tính đến tháng 9/2014, diện tích trồng mắc ca tại khu vực Tây nguyên đạt hơn 1.600ha. Lâm Đồng có tham vọng sẽ trở thành vương quốc trồng cây mắc-ca trên thế giới sau 10 năm tới.
Loại cây này có nguồn gốc nước ngoài và được du nhập vào Việt Nam từ hơn một thập kỷ trước.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, do hương vị nhân và giá cả mắc ca rất hấp dẫn nên rất nhiều nước đã đua nhau phát triển loại cây trồng này. Dù vậy, thời gian tới dự báo lượng cung sản xuất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện giá mắc ca trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng và đây được xem là mặt hàng nông sản đắt giá nhất trên thế giới.
Một hội thảo chuyên đề về phát triển cây mắc ca tại khu vực Tây nguyên do Ban chỉ đạo Tây nguyên phối hợp cùng Ban kinh tế trung ương, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ được tổ chức trong vài ngày tới.
Trước đây, nhân mắc ca trồng được ở các nước xuất khẩu chủ yếu qua Mỹ và Canada, sau đó lan tỏa rộng ra châu Âu. Vài năm nay, châu Á cũng trở thành thị trường tiêu thụ lớn loại hạt này.
Mới đây, hạt mắc ca tăng giá mạnh và trở nên đắt đỏ, hút khách ở Hàn Quốc sau vụ bê bối của Phó chủ tịch hãng hàng không Korean Air Lines khi cô này đuổi một tiếp viên do phục vụ không đúng cách hạt mắc ca…
Theo NLĐ