51% người Nga cho biết họ có thể từ bỏ giữ tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ. (Ảnh minh họa) |
Đa số công dân Nga cho rằng họ có thể từ chối sử dụng đồng euro và đồng USD, từ bỏ thói quen du lịch châu Âu và Mỹ, từ bỏ thẻ ngân hàng quốc tế và nói không với hàng hóa phương Tây. Họ làm tất cả những điều đó nhằm củng cố vị thế của đất nước.
Thực tế này được thể hiện qua báo cáo khảo sát của Viện Xã hội học, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga công bố hôm 28/1.
Theo báo cáo này, có khoảng 51% người Nga cho biết họ có thể từ bỏ giữ tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ. Chỉ có khoảng 12% số người được hỏi phản đối điều này, còn 37% số còn lại khẳng định việc sử dụng ngoại tệ không liên quan đến họ. Như vậy, có thể thấy phần lớn người Nga bày tỏ "thông cảm" với lệnh cấm sử dụng ngoại tệ ở nước này, trong cuộc đối đầu hiện nay với phương Tây.
Cuộc khảo sát cũng ghi nhận chỉ có khoảng 24% số người được hỏi tỏ ra chưa sẵn sàng từ bỏ sử dụng các loại tín dụng quốc tế như Visa và Master Card. Trong khi 46% số khác ủng hộ việc từ bỏ dùng thẻ để củng cố vị thế của Nga. 30% số còn lại cho biết họ không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi không dùng các loại thẻ tín dụng kể trên.
Có một thông tin rất đáng lưu ý là có ít nhất có 64% người Nga đã sẵn sàng từ bỏ hàng hoá được sản xuất ở phương Tây, trong khi chỉ có 26% chưa sẵn sàng và 10% số còn lại cho rằng dùng hay không dùng, đối với họ cũng không có gì khác nhau.
“Nếu báo cáo của các nhà xã hội học Nga là đúng sự thật, có thể thấy rõ đa số người Nga đã sẵn sàng bước vào một cuộc chiến tranh kinh tế dài hạn với phương Tây, vì lợi ích của đất nước”, tờ Độc Lập bình luận.
|
64% người Nga đã sẵn sàng từ bỏ hàng hoá được sản xuất ở phương Tây. |
Tuy tỏ ra rất thản nhiên trong việc từ bỏ các loại hàng hóa, tiền tệ hay dịch vụ nước ngoài nhưng người dân Nga lại cho biết họ rất khó lòng từ bỏ truy cập Internet và mạng xã hội. Khoảng 41% nói rằng họ không sẵn sàng từ bỏ Internet và các mạng xã hội. Chỉ có 22% cho biết họ không có vấn đề gì nếu thiếu Internet và 37% số còn lại cho biết họ sẵn sàng từ bỏ Internet vì lợi ích quốc gia.
Điều đáng nói là sự sẵn sàng đương đầu với khó khăn của người dân Nga và điều này cũng cho thấy một cuộc khủng hoảng kinh tế mới đang bắt đầu.
Viện sĩ Mikhail Gorshkov, Giám đốc Viện Xã hội học Nga, cho biết: "Gần một nửa số người được hỏi cho rằng đất nước đang đứng trước giai đoạn khó khăn, 1/4 số người tin rằng Nga sẽ tiếp tục phát triển thành công, và 1/4 còn lại có cái nhìn bi quan hơn về tương lai phát triển của đất nước".
|
Hiện ý thức công dân Nga cũng đã có một sự thay đổi so với một năm trước đây, trong việc đánh giá hoàn cảnh và những mối đe dọa của đất nước. Đa số người Nga (61%) tin rằng mối đe dọa chính đối với đất nước đến từ bên ngoài, trong khi chỉ có 18% tin rằng bi kịch của nước Nga bắt nguồn chính từ những hành động ứng xử của ban lãnh đạo Nga. Số còn lại không có ý kiến rõ ràng.
Thói quen chi tiêu của người Nga cũng bắt đầu thay đổi theo hướng "thắt lưng buộc bụng". Hơn một nửa số người được hỏi (58%) cho biết sẽ cắt giảm các chuyến đi nghỉ và các hoạt động giải trí, 41% quyết định tiết kiệm các nhu cầu thực phẩm và quần áo. Khoảng 23% bắt đầu tích trữ thực phẩm, hóa chất gia dụng và thuốc men. 16% đã mua các sản phẩm vốn không có trong kế hoạch mua trong tương lai gần, đặc biệt là các thiết bị điện tử, tiện ích và thậm chí cả đồ nội thất... vì lo sợ tăng giá.
Theo Infonet