Xử lý kịp thời cán bộ sách nhiễu dân
Theo Nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
Trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan, Nghị định cũng quy định rõ người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết công việc của công dân.
Nghị định cũng nêu rõ, khi công dân, tổ chức có yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu đó theo thẩm quyền.
Những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết, cán bộ, công chức, viên chức phải thông báo để công dân, tổ chức biết và hướng dẫn công dân, tổ chức đến nơi có thẩm quyền giải quyết.
Nghị định có hiệu lực từ 25/2/2015.
Học bằng tiếng nước ngoài, thi bằng tiếng Việt
Theo Quyết định của Thủ tướng quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài.
Đối với những chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài đã được kiểm định và công nhận về chất lượng có thể được giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng nước ngoài.
Quyết định cũng nêu rõ, đối với giáo dục phổ thông, việc kiểm tra, thi cuối năm học, cuối cấp học của các chương trình, môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải thực hiện bằng tiếng Việt.
Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ đối với tất cả các chương trình được dạy bằng tiếng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam.
Quyết định có hiệu lực từ 20/2/2015.
Quy định mới về chế độ tài sản của vợ chồng
Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật.
Gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/2/2015.
Bỏ quy định giáo viên mầm non người nước ngoài phải 5 năm kinh nghiệm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi Khoản 6 Điều 31 Nghị định số 73của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Tại Khoản 6 Điều 31 Nghị định 73 quy định: Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài ít nhất phải có 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy.
Còn tại Nghị định sửa quy định trên đã được sửa đổi: Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng quy định và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy.
Như vậy, Nghị định sửa đổi mới được ban hành không bắt buộc phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
Nghị định có hiệu lực từ 16/02/2015.
Cấm chuyển giao 30 công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam
Theo Nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133 ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, đã sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cấm chuyển giao. Theo đó có 30 công nghệ bị cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam.
Trong đó có công nghệ vô hiệu hóa thiết bị đo, đếm, tính lượng điện năng sử dụng; công nghệ sản xuất xi măng lò đứng; công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT...
Nghị định mới cũng nêu rõ, việc nhập khẩu, chuyển giao và sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nghị định mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2015.
Theo Dân Việt