Giữa tháng 12/2014, ba chú cảnh khuyển của Đội Cảnh sát quản lý và sử dụng chó nghiệp vụ - Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an TP HCM) tham dự cuộc thi “Chó nghiệp vụ trong Lực lượng CAND lần thứ 3”, do Cục C69 tổ chức tại Hà Nội và đoạt giải cao.
Những chú chó nghiệp vụ trong giờ tập luyện. |
Đó là chú Gâu (4 tuổi) thuộc dòng chó bảo vệ, đoạt giải nhất; chú Gold (4 tuổi) thuộc dòng chó tìm kiếm, phát hiện vật liệu nổ, đoạt giải ba và Kina (3 tuổi) thuộc dòng giám định nguồn hơi, đoạt giải ba.
Gâu "trấn áp"
Gâu nặng 43kg, tốt nghiệp chuyên khoa Bảo vệ tại Cục quản lý huấn luyện và sử dụng Động vật nghiệp vụ (C69) năm 2012, từng lập được nhiều chiến công trong những vụ án lớn. Lúc mới về với đội, Gâu tỏ ra bướng bỉnh, không chịu nghe lời. Đại uý Lê Văn Dũng phải tìm cách thân hoà với Gâu.
Mới đầu nhìn Gâu cao lớn, gầm gừ rồi nhe hàm răng sắc nhọn đe doạ, anh Dũng cảm thấy “khó nhằn”. Về sau mới biết Gâu là chú chó sống rất tình cảm.
Cứ tầm 17h chiều hàng ngày anh Dũng cho Gâu ăn, 18h tối lại thả cho Gâu đi dạo. Mỗi lần ăn, anh Dũng phải tự tay mang cơm đến, bóp mịn thịt, lâu dần Gâu quen mùi hơi tay của anh. Trong cuộc thi hồi tháng 12 vừa qua, nhiều đồng nghiệp của anh Dũng phải thán phục sự dũng mãnh của Gâu.
Đại uý Dũng vuốt ve con Gâu "trấn áp". |
Cuộc thi quy tụ hàng trăm chú chó nghiệp vụ của cả nước về thi tài năng. Sau tiếng còi hiệu lệnh, 15 chú chó xếp hàng ngay ngắn. Giám khảo châm ngòi pháo nổ. Loạt thứ nhất, tiếng nổ đanh thép, cả 15 con đều xông thẳng về phía mục tiêu.
Đến loạt pháo thứ 2, thứ 3, thứ 4 rồi liên tục nổ, âm thanh xé toạc không gian, người đứng cách đó trên 100 mét vẫn bị giật mình. Nhiều chú chó không dám tiến đến mục tiêu nhưng Gâu vẫn liều mình lao lên bất chấp tiếng pháo nổ rền trời.
Ba năm gắn bó với Gâu, đại uý Dũng xem Gâu như người bạn thân yêu của mình. Nhiều lần anh Dũng nghỉ phép, con Gâu cứ luẩn quẩn trong chuồng, không buồn ăn. Đến khi thấy anh về, nó chạy xồ tới quấn quýt không rời dưới chân anh.
Đi đâu xa lâu ngày anh Dũng lại nhớ Gâu. Mỗi lần về gặp nó, anh đưa Gâu đi tắm, chải lông và tỉ mẩn bắt những con bọ chét hút máu ẩn sâu trong đám lông mềm mại.
Đêm 13 rạng ngày 14/5/2014, nhiều công nhân tụ tập trước KCN Linh Trung 2 phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, nhiều người thiếu kiềm chế đã đập phá tài sản của doanh nghiệp nước ngoài.
Lúc này, cùng với các lực lượng, 12 cảnh khuyển cũng được điều động đến, chia làm 3 cánh quân, mỗi cánh 4 con, trong đó có Gâu. 23h khuya, lệnh tấn công được chỉ huy ban bố, đồng loạt 3 cánh quân “giáp công”, đoàn người thấy chó dữ bỏ chạy ra ngoài,
Mới đây, xưởng sản xuất phân bón của Công ty TNHH Đặng Huỳnh (quận 12, TP HCM) phát nổ kinh hoàng khiến nhiều người thương vong, hàng chục căn nhà đổ nát, hư hỏng, Gâu là một trong những chú chó xông xáo đi tìm kiếm những mảnh thi thể nạn nhân.
Lần đó anh Dũng và Gâu xuất phát từ 10h sáng, tìm kiếm cho đến 17h chiều. Cả ngày giữa nắng, tối về mệt, con Gâu lăn ra nằm ngủ li bì. Đó là lần Gâu phải thi hành nhiệm vụ trái với chức năng chính của mình là trấn áp tội phạm.
Gold "thuốc nổ"
Trong suốt buổi quan sát, tôi nhìn thấy Gold luôn quậy phá, nghịch ngợm hơn so với các “đồng đội” của mình. Điều đó cũng đúng vì Gold là chú chó được phân vào loại có thần kinh linh hoạt. Vì linh hoạt, ưa hoạt động, năng nổ nên Gold rất khó dạy bảo. Ai ngờ, thiếu uý Võ Minh Trung vỡ oà trong hạnh phúc khi thấy Gold tỏ ra bản lĩnh kiên cường tại cuộc thi ở Hà Nội.
Sáng sớm, các chú chó nghiệp vụ của đội được nhân viên sân bay bỏ vào cũi sắt, máy bay hoãn chuyến, đến Hà Nội đã 16h chiều. Các chú cảnh khuyển được bỏ ở kho hành lý nên người của đội phải đi bộ 2 km tới tìm. Vừa đến nơi, con Gold nhảy chồm lên lồng sắt, hướng ánh mắt đượm buồn nhìn thiếu uý Trung.
Cửa lồng vừa mở, nó lao ra, nhảy vào lòng anh rồi "hôn" lên mặt lên trán. Nó chạy tíu tít quanh chân chẳng khác gì đứa trẻ con xa người cha, người anh lâu ngày mới gặp lại.
Thiếu uý Trung bên con Gold "thuốc nổ" . |
Hơn ai hết anh Trung hiểu con Gold sợ “mình bỏ rơi nó”. Biết đi đường xa đói bụng, dọc đường anh và đồng đội ghé vào tiệm tạp hoá mua hộp sữa Ông Thọ, xin thêm ít nước sôi pha sữa cho Gold uống. Sau đó cả đội mới theo xe về Cục C69 nghỉ lại chờ ngày đi thi.
Hà Nội những ngày cuối năm trời rét buốt, con Gold từ Sài Gòn nắng ấm ra, gặp thay đổi thời tiết, nó co ro trong cũi sắt. Anh Trung đứng ngồi không yên, đêm xuống anh lại bật ra khỏi chăn chạy xuống dưới xem Gold thế nào, ăn ngủ được không. Sợ Gold đổ bệnh không thi được, anh Trung lại đun nước sôi pha sữa cho uống.
Ngày thi, một bãi đất trống rộng mênh mông, mục tiêu là một bao thuốc nổ được giấu bất kỳ nơi đâu trong khu dân cư chưa được xây dựng. Con Gold “ngợp” vì địa hình vừa rộng vừa trống trải. Nó lùng sục, ngửi hết chỗ này chỗ kia nhưng vô vọng.
Trong khi đồng hồ bấm giờ chạy nhanh như nhịp tim hồi hộp lo âu của thiếu uý Trung. Cuối cùng, bằng cái mũi tinh nhanh của mình, Gold cũng phát hiện được nơi cất giấu thuốc nổ sau lớp đất đá nguỵ trang.
Supper “ma tuý”
Lần lên thăm đội, tôi không gặp được Kina vì chủ của nó đi học ở xa không về được. Nhưng lại may mắn gặp được “lão già” Supper (5 tuổi), người trong đội thường gọi là Supper “ma tuý”. Supper học cùng trường với cả Gold và Gâu.
Thượng uý Phạm Văn Nam, Phó đội trưởng cho biết, Supper “ma tuý” vừa qua cũng tham dự cuộc thi chó nghiệp vụ vòng sơ khảo khu vực phía Nam, nhưng do không nằm trong cơ cấu dự thi của Cục tổ chức nên không ra Hà Nội.
Thiếu uý Thông "trò chuyện" với con Supper "ma tuý". |
Điều khá bất ngờ là Supper “ma tuý” rất hiền hậu, thiếu uý Đỗ Văn Thông không cần phải dùng đến rọ mõm. Người lạ đến gần vuốt ve, Supper vẫn cúi đầu đứng yên, sau đó thì sà vào lòng của khách để đùa giỡn.
Ở nước ngoài người ta vẫn dùng những dòng chó như Supper để cứu nạn cứu hộ, dắt người già qua đường, chơi với trẻ em hay thậm chí là đẩy xe đi shopping cùng chủ.
Trong các chuyên án ma tuý, công an, hải quan đều nhờ đến khả năng đánh hơi phát hiện của Supper trước khi lần bắt tội phạm. Supper thường xuyên được ngửi tiền chất ma tuý, nhưng đây là dạng ma tuý “sống” nên không gây nghiện.
Mỗi chú cảnh khuyển đều có một năng lực nghề nghiệp khác nhau, nói như thượng uý Nam, mỗi chú là một người lính thiện chiến, là thành viên tích cực trong gia đình cảnh khuyển cơ động. Tình cảm mà những người lính dành cho những chú chó của mình không chỉ là tình yêu thương giữa con người và con vật, mà còn là sự tôn trọng, yêu thương, xem cảnh khuyển như một đồng chí, một người lính của đội.
Theo Công An TP.HCM