Trao đổi với VnExpress về lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đang bị Tổ chức Động vật châu Á kêu gọi chấm dứt, PGS Trần Lâm Biền, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, bức xúc: "Những người không hiểu về văn hoá lại cho mình quyền phán xét một lễ hội truyền thống là dã man. Nếu chỉ nhìn hình thức mà vội kết luận vấn đề sẽ dễ làm thui chột văn hoá, mất bản sắc địa phương".
Theo PGS Biền, khi nhận xét vấn đề gì, nhất là về văn hoá, phải hiểu rõ nguồn gốc, ý nghĩa của nó. Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng là nghi thức tín ngưỡng để người dân cầu mùa màng bội thu, sự phát triển sinh sôi, hạnh phúc cho cộng đồng mình. Máu đỏ trong tín ngưỡng nguyên thuỷ là biểu trưng cho sự sống, sinh khí. Vì thế, người dân làng Ném Thượng thực hiện nghi thức chém lợn để máu đỏ chảy ra sân đình nơi thờ Lý thành hoàng, là nhằm gợi ý với bậc thánh thần hãy mang sinh khí, sự phát triển đến nơi đây.
"Phong tục này là để cầu may cho mọi người, nó vượt qua cả khái niệm dã man hãy không dã man. Văn hoá nếu chỉ nhìn hình thức có thể tưởng là dã man nhưng đằng sau lại là tính nhân đạo mênh mông", ông Biền nói và cho rằng tục lệ dân gian phải do chủ nhân là người dân địa phương mới được quyền thay đổi.
Cũng bày tỏ sự phản đối trước lời kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn của Tổ chức Động vật châu Á, Tiến sĩ dân tộc học Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hoá Lào Cai nói: "Can thiệp như thế có quá đáng lắm không? Đừng lấy quan niệm bây giờ để áp đặt cho phong tục truyền thống ngày xưa. Quan trọng là phải hiểu vì sao có tục chém lợn cúng thành hoàng. Nếu cái nào cũng phải thay đổi theo cuộc sống mới thì còn đâu ra các phong tục và sẽ làm nghèo văn hoá. Văn hoá là phải có bản sắc riêng và giá trị của nó chính là các câu chuyện, nguồn gốc của phong tục, khiến người xem phải hứng thú tìm hiểu".
Nhìn nhận về lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Vũ Thế Bình cho rằng lễ hội đã có truyền thống mấy trăm năm, là đời sống văn hóa tâm linh của người địa phương và một năm mới tổ chức một lần. "Vì vậy, hãy để người dân tự thay đổi ý thức, không nên thúc ép hay can thiệp. Du khách nào thấy việc chém lợn quá phản cảm thì không nên tham dự", ông Bình nói.
Trước khi bị giết ở đình làng, con lợn được rước quanh làng Ném Thượng. Ảnh: H.H. |
Trái với quan điểm của các chuyên gia văn hoá, du lịch, PGS Đinh Thị Kim Thoa (giảng viên bộ môn Tâm lý giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) không ủng hộ tổ chức những lễ hội dân gian có cách hành xử "dã man" với động vật, như lễ hội chém lợn làng Ném Thượng. "Không nên lấy cái gọi là niềm tin, tín ngưỡng để duy trì những hủ tục lạc hậu trong đời sống. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn minh của xã hội, tâm lý con người, đặc biệt là trẻ con, không có lợi cho giáo dục", PGS Kim Thoa nhấn mạnh.
Chuyên gia tâm lý giáo dục này cho rằng, mặc dù cảnh chém lợn chỉ diễn ra trong lễ hội mỗi năm một lần, nhưng hình ảnh người lớn cầm dao chém giết, máu bắn ra và người dân hoan hỉ hò reo sẽ in đậm trong ký ức của trẻ thơ. Trẻ có thể bắt chước hành vi đó và "sáng tạo" phương thức chém giết, có khi tàn bạo hơn cả cách cha ông đã thực hiện. Điều này được chứng minh qua những thí nghiệm về hành vi con người mà các nhà khoa học thế giới đã tiến hành.
Cũng cho rằng trẻ em có thể học được cách cư xử thiếu tôn trọng, thậm chí hành hạ động vật khi chứng kiến hành vi của người lớn, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) nói: "Không ai dễ dàng vượt qua được cảm giác tội lỗi khi lần đầu sát hại một sinh vật. Nhưng khi vượt qua rồi thì lại dễ dẫn tới những sự sát sinh khác. Đây là một bước để có thể tiến tới những tội ác lớn hơn".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng, Trưởng bộ môn Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền, cho rằng nên có chút thay đổi trong lễ hội chém lợn cho phù hợp, như dùng lợn tượng trưng. Một số lễ hội khác như đâm trâu ở Tây Nguyên, chọi trâu ở Hải Phòng cũng nên thay đổi.
"Rất nhiều hủ tục lạc hậu như quàn người chết trong nhà 7 ngày, hay vo viên xôi cho vào miệng người chết rồi người sống lại ăn coi như là sự chia sẻ của người Mường một số nơi đã phải bỏ hẳn. Những phong tục được cho là tốt đẹp của ngày xưa, nhưng không phù hợp với cuộc sống ngày nay thì nên đổi thay", tiến sĩ Hồng nói.
Trước đó ngày 27/1, Tổ chức Động vật châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Văn hóa ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du (nay là Khu phố Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), tỉnh Bắc Ninh.
Theo tổ chức này, việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Đây lần thứ ba Tổ chức Động vật châu Á có thư phản đối tục chém lợn ở Bắc Ninh.
Theo VnExpress