Nhật sẽ tham chiến tiêu diệt IS sau khi con tin bị xử tử?

Chủ nhật, 01/02/2015, 15:13
Việc dỡ bỏ lệnh cấm "tự vệ tập thể" của chính phủ Nhật Bản có thể nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước sau khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo xử tử 2 con tin Nhật.
Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự của lực lượng phòng không vào tháng 10/2014. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự của lực lượng phòng không vào tháng 10/2014. Ảnh: Reuters

Phát biểu sau khi phiến quân IS đăng video tuyên bố đã xử tử con tin người Nhật thứ hai là Kenjo Goto, Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định sẽ "không tha thứ cho khủng bố" và tiếp tục viện trợ các nước đang tham gia chiến dịch không kích tiêu diệt IS. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, cho biết chính phủ đã triệu tập cuộc họp khẩn để xử lý khủng hoảng con tin.

Hiến pháp Nhật Bản không cho phép Tokyo đáp trả bằng vũ trang sau khi IS sát hại 2 công dân nước này. Năm 1947, Nhật Bản đã từ bỏ quyền phát động chiến tranh và xây dựng quân đội sau thất bại ở Thế chiến 2. Trên thực tế, Nhật Bản cũng xây dựng một lực lượng lục quân, hải quân và không quân gọi chung là lực lượng tự vệ.

Tháng 7/2014, Thủ tướng Abe đã thông qua một sắc lệnh hành pháp tuyên bố những khả năng Nhật Bản sẽ tham chiến nếu cảm thấy bị đe dọa. Ba điều kiện cần là an ninh quốc gia của Nhật Bản bị đe dọa, cuộc sống của người dân Nhật Bản bị đe dọa, và khi nước này không còn lựa chọn nào khác. Trong một cuộc họp báo về khủng hoảng con tin vào tháng 1/2015, Thủ tướng Abe nhắc lại về ba điều kiện để Nhật Bản có thể triển khai binh sĩ.

Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của chính phủ vào sáng 1/2. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của chính phủ vào sáng 1/2. Ảnh: Reuters

Theo trang International Business Times, giới quan sát cho rằng người dân Nhật Bản từ chỗ phản đối quyết định hủy bỏ lệnh cấm "tự vệ tập thể" của chính phủ có thể sẽ chuyển sang ủng hộ điều này.

Hiện vẫn chưa đơn vị nào tiến hành thăm dò ý kiến của người dân Nhật Bản về việc sửa đổi hiến pháp sau khi phiến quân IS chặt đầu hai con tin. Các chuyên gia cũng không chắc chắn về khả năng tham chiến của Nhật Bản dù nghị quyết năm 2014 đã mở đường cho điều này.

Về mặt quân sự, các máy bay chiến đấu của Nhật Bản vốn chỉ có khả năng tự vệ trước máy bay kẻ thù và hạn chế trong việc ném bom các mục tiêu mặt đất. Do vậy Nhật có thể không tham gia chiến dịch không kích tiêu diệt IS do Mỹ khởi xướng. Điều Tokyo có thể tiếp tục triển khai là hỗ trợ tài chính cho các nước trong liên minh chống IS, tăng cường cam kết viện trợ nhân đạo tại khu vực Trung Đông. Đây cũng là hai nguyên nhân khiến phiến quân IS đưa Nhật Bản vào danh sách "kẻ thù".

Theo Zing

Các tin cũ hơn