Sở Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị sơ kết trực tuyến học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II cấp Giáo dục Tiểu học năm học 2014-2015. Tuy nhiên, Hội nghị diễn ra không như mong đợi. Thay vì không khí sôi nổi, đóng góp nhiệt tình là sự im lặng khó hiểu của hơn 700 hiệu trưởng các trường Tiểu học đối với Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, trong đó có quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên đối với học sinh.
Phải chăng sự im lặng khó hiểu của hơn 700 hiệu trưởng các trường Tiểu học ẩn chứa những bất cập trong việc nhận xét, đánh giá học sinh thay vì không dùng điểm số?
Cách thức nhận xét ngắn gọn, chung chung mà nhiều giáo viên Tiểu học đang thực hiện để nhận xét học sinh.
Trước tiên, sự bất cập trong việc nhận xét, đánh giá học sinh là ở chỗ, không phải ngày nào giáo viên cũng có đủ thời gian để ghi nhận xét tất cả học sinh trong lớp. Đặc biệt là tại các trường học ở tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, mỗi lớp học thường rất đông (từ 50 đến 60 học sinh).
Áp lực về thời gian, công việc khiến trung bình mỗi ngày, giáo viên chỉ nhận xét được từ 1/3 đến 1/2 học sinh trong một lớp (bao gồm cả học sinh có năng lực học tập Giỏi, Trung bình và Yếu) cho cả hai môn học Toán và Tiếng Việt. Những học sinh còn lại không có nhận xét của giáo viên trong ngày hôm đó.
Mặc dù những học sinh chưa được nhận xét của ngày hôm nay sẽ được giáo viên nhận xét tiếp ở những ngày tiếp theo trong tuần nhưng sự quay vòng nhận xét phải từ 2-3 ngày sau mới đến lượt các em. Như vậy, việc nhận xét, đánh giá kiến thức, kỹ năng cho một học sinh sẽ không liên tục.
Vì không có nhiều thời gian nhận xét cho một lớp học có quá đông học sinh nên trong 1 học kỳ qua, đa phần giáo viên nhận xét học sinh theo cách viết một cách ngắn gọn, chung chung như: Con làm bài tốt, cô khen, con có tiến bộ, con viết ẩu, chưa cẩn thận, con cần cố gắng hơn, con cần làm lại bài, con cần chú ý cách diễn đạt … Trong phần nhận xét môn Toán, nhiều giáo viên chỉ ghi: đ (đúng) hoặc s (sai).
Những lời nhận xét trên khiến nhiều người, đặc biệt là phụ huynh hoàn toàn “mơ hồ”, khó hiểu khi nhìn lại sách vở của con. Riêng với môn Toán học, với cách thức nhận xét, tích đúng hoặc sai không thể đánh giá đúng hết được từng trình độ, năng lực của học sinh theo nhiều dạng bài tập như: tính theo công thức, tính nhanh, tìm x, bài giải, làm toán theo nhiều phép tính…
Còn đối với môn Tiếng Việt, cách thức nhận xét như trên của giáo viên không thể đánh giá, nhận xét trung thực và khách quan hết được năng lực đọc hiểu, viết chính tả, luyện từ và câu, kiến thức ngữ pháp, cách hành văn… của học sinh.
Phần đánh giá, nhận xét toàn bộ quá trình học tập của tất cả học sinh trong lớp chỉ được giáo viên ghi cụ thể hơn trong phiếu hoặc sổ học bạ khi hết học kỳ nhưng cũng chỉ mang tính chung nhất như: Hoàn thành hoặc Không hoàn thành.
Với cách nhận xét, đánh giá một cách chung chung thì học sinh chưa đủ hiểu và chưa biết sai ở đâu, cụ thể ở công đoạn nào để chỉnh sửa nên có thể sẽ lặp lại những lỗi đã sai ở những bài đã làm trước đó.
Những con dấu được giáo viên đóng dấu trên vở học sinh.
Đối với giáo viên chủ nhiệm trực tiếp giảng dạy Toán và Tiếng Việt thì việc nhận xét là như vậy. Còn với những giáo viên giảng dạy các môn học Năng khiếu như: Thể dục, Họa, Nhạc đang bị rơi vào tình trạng “rối bời” vì quản lý quá nhiều sổ sách khi phải ghi nhận xét cho từ 750 đến 1.000 học sinh của 15 đến 20 lớp học của một trường có từ 50-60 học sinh/lớp. Vì phải kiêm nhiệm giảng dạy nhiều lớp, giáo viên không thể nhớ hết năng lực rèn luyện, học tập của tất cả học sinh trong cùng một lớp học.
Về phía Ban giám hiệu nhà trường cũng rất khó khăn trong việc quản lý hồ sơ, học bạ của tất cả các khối lớp và nhiều môn học khác nhau.
Như vậy, Thông tư 30 ra đời khiến chúng ta đặt câu hỏi là liệu có thể chỉ áp dụng ở tất cả các trường Tiểu học Dân lập chất lượng cao, mô hình trường học mới có ít học sinh (có khoảng từ 30 em trở xuống)?
Điểm đặc biệt của Thông tư 30 không chỉ là không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên đối với học sinh Tiểu học, thay vào đó là nhận xét của giáo viên về năng lực, rèn luyện phẩm chất đạo đức, kỹ năng của học sinh, mà cần ở sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh trong việc giáo dục, quan tâm sát sao đối với việc học tập của con em.
Tuy nhiên, với cách thức nhận xét mà nhiều giáo viên các trường Tiểu học đang làm thì phụ huynh cũng chỉ biết được một cách chung nhất là hôm nay con được cô khen hay cần cố gắng hơn mà không biết được rõ con mình yếu, cần bổ sung ở kỹ năng, phần kiến thức nào.
Thực tế, phụ huynh chỉ có thể kiểm soát được một phần kiến thức học tập của con vì không phải người nào cũng có đủ kỹ năng sư phạm và sự nhẫn nại, chịu khó kiểm tra từng bài học của con em mình. Thậm chí, vì quá bận rộn với cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ đã phó mặc chuyện học hành, giáo dục con cái cho nhà trường và thầy cô giáo.
Với cách thức nhận xét, đánh giá một cách ngắn gọn, chung chung của nhiều giáo viên như vậy, câu hỏi lớn đặt ra là liệu rằng chất lượng giáo dục cấp Tiểu học sẽ đi về đâu? Phải chăng sự im lặng khó hiểu của 700 hiệu trưởng các trường Tiểu học tại cuộc Hội nghị sơ kết trực tuyến với lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội chưa là quá muộn để ngành Giáo dục xem lại chất lượng giáo dục Tiểu học sau một học kỳ thực hiện Thông tư 30?
Theo VOV