Như nhiều điểm cấp đổi GPLX hiện nay, Phòng Quản lý phương tiện giao thông, Sở GTVT Hà Nội ở số 16 Cao Bá Quát luôn có lượng lớn người đến đổi bằng lái từ giấy sang vật liệu PET. Tuy nhiên, việc có nên gộp chung các loại bằng lái, phổ biến nhất là ôtô và xe máy làm một hay không khiến nhiều người lúng túng.
Anh Nguyễn Văn Thịnh (trú tại P. Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - Hà Nội) có cả bằng lái ôtô hạng B2 và bằng lái xe máy quyết định không gộp chung vì lo ngại cầm một bằng lái, vi phạm giao thông bị giữ bằng, không còn được lái loại xe nào. “Tôi hay đi ôtô nhưng thỉnh thoảng đi xe máy. Nếu gộp, phạm lỗi bị tạm giữ luôn bằng lái thì lấy gì mà đi nên quyết định không gộp” - anh Thịnh nói.
Cầm trên tay giấy hẹn đến nhận GPLX ôtô bằng vật liệu PET, anh Nguyễn Văn Vinh (huyện Thái Thụy - Thái Bình) tiếc nuối khi biết có thể gộp được hai bằng lái ôtô và xe máy làm một. Anh Vinh cho biết thêm, nhiều đồng nghiệp ở cơ quan hiện nay có cả hai loại bằng lái nhưng hầu hết đều không gộp lại.
Theo tìm hiểu của PV, thủ tục gộp chung hai bằng lái khá đơn giản. Ngoài hồ sơ đổi bằng lái ôtô, người có thêm bằng lái xe máy chỉ cần cầm theo bản gốc và bản sao (không cần công chứng) của bằng lái xe máy và thông báo với nhân viên làm thủ tục là có thể gộp được bằng. Tuy nhiên, số lượng người không gộp bằng là rất phổ biến. Trong khi đó, cán bộ tại các điểm cấp đổi bằng không hướng dẫn gì về điều này. Câu hỏi, những phát sinh khi gộp bằng được giải quyết ra sao cũng chưa được trả lời rõ ràng.
Vi phạm “một trong hai” thì sao?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, theo quy định hiện nay, mỗi người chỉ được cấp một mã số gắn với một bằng PET. Vì vậy, về nguyên tắc, người có hai loại bằng lái khác nhau khi đổi sang bằng PET bắt buộc phải gộp chung; không có việc một người được cấp bằng lái xe ôtô và xe máy khác nhau cùng bằng vật liệu PET.
Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái cho biết, chưa có thống kê chính thức số lượng người không gộp chung bằng lái. Tuy nhiên, ông Quân đánh giá, đây là vướng mắc lớn trong việc đổi bằng PET và chưa tìm được lối ra. “Một người có hai bằng lái xe nhưng không tự khai báo, cơ quan quản lý nhà nước chưa có cách gì để phát hiện ra” - ông Quân nói.
Về việc xử lý tình huống người có hai bằng lái đã gộp làm một, khi bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe sẽ xử lý ra sao, ông Quân cho biết: Các nước đều quy định, người điều khiển vi phạm đến mức bị tước giấy phép lái xe có nghĩa là không được điều khiển bất cứ loại phương tiện cơ giới nào khác.
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT), thành viên ban soạn thảo các thông tư, nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm an toàn giao thông cho hay: Bộ GTVT đã có quy định xử lý tình huống này theo hướng, người có hai loại bằng lái đã gộp chung, nếu bị tước quyền sử dụng giấy phép xe ôtô vẫn được điều khiển xe máy và ngược lại.
Theo đó, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 05/2014/TT- BGTVT quy định mẫu biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, phần thông tin GPLX bị tạm giữ ghi rõ loại bằng lái bị tước, loại bằng lái vẫn tiếp tục được sử dụng và người điều khiển có thể dùng quyết định xử phạt thay cho bằng lái.
Theo ông Tùng, hiện nay đang tồn tại nhiều mẫu biên bản và quyết định xử phạt khác nhau.
Tiến độ chuyển đổi GPLX từ vật liệu giấy sang PET đã bị hoãn lại nhiều lần so với kế hoạch ban đầu. Nếu không có những biện pháp cụ thể cho trường hợp người điều khiển phương tiện có cả GPLX ôtô và xe máy, tiến trình chuyển đổi sẽ tiếp tục bị chậm.
Trao đổi với PV, một đội trưởng Đội CSGT Hà Nội cho biết, chưa được phổ biến nội dung xử lý tình huống một người sử dụng bằng lái được gộp chung. Vị đại diện có chức năng thông tin của Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết “sẽ nghiên cứu” mới có thể trả lời. |
Theo Tiền Phong