Tờ bạc và tờ lộc
Mừng tuổi (lì xì) ngày Tết Nguyên đán có ý nghĩa chúc sức khoẻ, may mắn, sự sung túc, niềm vui, thành đạt… cho mọi người, nhất là trẻ em. Ý nghĩa chính của tục lì xì không phải nằm ở đồng tiền trong phong bao, mà quan trọng là thông điệp: Con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt… Đó là điều ai cũng hiểu.
Theo các nhà văn hóa, các cụ xưa thường mừng tuổi sáng mùng 1 Tết. Lúc đó con cháu trong nhà tề tựu đông đủ cùng chúc thọ ông bà, cha mẹ. Sau đó ông bà, cha mẹ sẽ mừng tuổi cho con cháu một phong bao đỏ, với lời chúc năm mới sẽ thêm lộc, may mắn, tốt đẹp… hoặc mừng cho trẻ nhỏ hay ăn, chóng lớn.
Hình ảnh ông bà lì xì con cháu trong ngày Tết |
Theo GS. TSKH Trần Ngọc Thêm (Bộ môn Văn hóa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), phong tục phát vốn (lì xì) ngày Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Theo đó, người trên phát vốn với mong muốn giúp người dưới có vốn (tượng trưng) làm ăn, chứ không quan trọng mệnh giá tiền trong phong bao.
Đặc biệt, số tiền lì xì trong phong bao thường là số lẻ - biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Nếu lì xì cho trẻ nhỏ, người dưới… thì số tiền không cần để ý nhiều ít. Nhưng nếu mừng tuổi ông bà, bố mẹ thì mừng càng nhiều càng tốt (tùy vào khả năng của con cháu), bởi người già được con cháu lì xì là trọng người có tuổi thêm thọ.
Mừng tuổi chúc ông bà, cha mẹ thọ lâu, cũng có ý nghĩa để các cụ có “đồng ra đồng vào”. Nếu con cái có quà, hoặc sản phẩm tự tay mình làm ra để báo hiếu thành quả sau một năm lao động (nếu không có sản phẩm, có thể biếu chút tiền) thay lời chúc ông bà, bố mẹ mạnh khỏe, sống lâu…
Ở đâu còn lì xì 500 – 1.000 đồng?
GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, tiền lì xì có ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là giá trị vật chất nên không quan trọng vấn đề mệnh giá. Trước đây bao lì xì là những đồng tiền mới may mắn như đồng 500, 1.000 – 2.000 – 5.000, 10.000 đồng…
Thực tế gần đây không mấy ai mừng tuổi bằng những tờ tiền mệnh giá 500 - 1.000 đồng nữa |
Nhưng thực tế gần đây không mấy ai mừng tuổi bằng những tờ tiền mệnh giá 500 - 1.000 đồng nữa. Theo nhà tư vấn Huy Anh (Trung tâm tư vấn Bạn và tôi), trước đây những đồng 500 đồng thường được mừng tuổi không phải vì giá trị, mà vì nó có màu đỏ đẹp – là màu may mắn, vui vẻ được nhiều người thích.
Nhưng những năm gần đây đồng tiền mất giá, tờ 500 - 1.000 đồng không còn được sử dụng nhiều, Nhà nước cũng không in thêm nên người dân không dùng loại tiền này để mừng tuổi nữa.
Đó là các lý do mang tính kỹ thuật. Một thực tế đáng lo ngại nữa là con người trong đời sống hiện đại đang dần coi trọng giá trị vật chất hơn tình cảm. Dù nhiều người biết tiền mừng tuổi mang ý nghĩa tượng trưng nhưng sẽ rất "khó nghĩ" nếu thời buổi này mà còn mừng tuổi vài nghìn đồng, bởi các tờ tiền 500 - 1.000 đồng quả thực không quá khan hiếm. Chị Nguyễn Ngân Giang (ngõ Quỳnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên: "Nói thật, giờ mừng con cái của bạn bè 5.000 đồng còn thấy ngại chứ nói gì đến 500 - 1.000 đồng. Cả xã hội như thế, một mình mình úi xùi thì biết giấu mặt mũi vào đâu".
Cùng suy nghĩ này, anh Hoàng Hải Phú (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) cho biết mỗi dịp Tết anh luôn phải chuẩn bị ít nhất 5 triệu đồng cho việc lì xì người thân và bạn bè. "Có lẽ chỉ còn ở vùng thôn quê may ra mới tìm được người mừng tuổi 500 - 1.000 đồng. Như tôi, gặp trẻ con hàng xóm cũng ít nhất 10.000 đồng, gặp phụ huynh của bạn bè thì cũng cỡ 50.000 đồng, gặp con cái sếp thì có khi đến 200.000 đồng... Cảm giác như "tình cảm" cũng phải có giá của nó".
Theo anh Phú, chị Giang, "mệnh giá" lì xì phần nào cho thấy các giá trị cuộc sống đã có nhiều khác biệt. Con người đang nặng nề về vật chất hơn. Ai cũng thấy điều đó nhưng mấy ai dám bám víu vào những quan niệm cũ?
Nếu muốn nhận, muốn cho những đồng lì xì nhỏ, có lẽ chỉ còn cách tới các đình chùa, miếu mạo.
Vì sao có tục lì xì Theo truyền thuyết, có một con yêu quái đêm giao thừa hay đi vỗ đầu trẻ con khiến trẻ giật mình khóc thét lên, hôm sau trẻ thế nào cũng bị đau đầu, sốt cao. Có cặp vợ chồng lớn mộ đạo lớn tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết đến có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp họa với yêu quái bèn hóa thành 8 đồng tiền, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói 8 đồng tiền đặt lên gối con. Giao thừa chú bé ngủ say, yêu quái xuất hiện định xoa đầu đứa bé thì những tia vàng sáng rực lóe lên khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Sau này dân làng học theo mà gói tiền vào giấy đỏ… và dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi đầu năm. |
Theo Gia Đình