Vì đâu có lì xì?
Phong tục tặng tiền mừng tuổi (lì xì) ngày Tết Nguyên Đán có ý nghĩa chúc sức khoẻ, may mắn và đem lại niềm vui cho mọi người, nhất là trẻ em. Phong tục này phổ biến ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Nhưng ít ai biết rằng nó có xuất xứ từ Trung Quốc.
Xưa kia, ở Trung Quốc, tiền mừng tuổi là một vòng đỏ xâu 100 cắc tiền đồng, biểu hiện cho lời chúc sống lâu trăm tuổi. Ngày nay, tiền mừng đầu năm, tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, được cho vào phong bì màu đỏ, in hoa văn đẹp mắt gọi là bao lì xì.
Theo truyền thuyết xa xưa, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến cho chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh.
Ảnh minh họa từ Yeudulich.vn. |
Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.
Việc lấy giấy đỏ gói tiền được kể lại cho bà con làng xóm. Mọi người vui mừng, bắt chước làm theo và dần dần trở thành phong tục mừng tuổi đầu năm.
Ngày xưa, tục lì xì chủ yếu mang ý nghĩa lớn đối với trẻ con. |
Không có tài liệu cụ thể nào nói chính xác về thời điểm phong tục này được du nhập vào Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng lì xì đã theo chân những người Minh Hương tới Việt Nam với mục đích lánh nạn trong những năm cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Cũng có người nói rằng, phong tục mừng tuổi đã có ở nước Đại Việt từ sau thời kỳ Bắc thuộc.
Tên gọi "lì xì" trước đây chỉ phổ biến ở miền Nam Việt Nam, nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo, nhưng với sự giao lưu văn hoá, giờ đây những người miền Bắc cũng dùng từ này thay cho chữ "mừng tuổi".
Ngày nay, trong những ngày Tết, mọi người đến nhà người thân để thăm hỏi và chúc Tết, đồng thời không quên lì xì khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Mừng tuổi đầu năm như một lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc.
Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc...
Ý đồ xấu, lì xì không “thiêng”
Sáng mùng Một là thời điểm thích hợp nhất để mừng tuổi. Tất cả con cháu trong gia đình tụ hợp lại để chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ý nghĩa chính không nằm ở đồng tiền trong phong bao mà quan trọng là ở thông điệp: con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn…
Tuy nhiên, nét văn hóa này đang ngày một mai một. Tục lì xì nhiều khi đã biến tướng thành cái “cớ” để nhân viên tặng quà sếp với hy vọng sang năm mới được thăng quan, tiến chức, hay đơn giản là để gây dựng mối quan hệ làm ăn… Tiền mừng tuổi cũng không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mà mừng tuổi đầu xuân còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân.
Thói thực dụng của người lớn đã vô tình “lây” sang con trẻ. Chúng đã biết tị nạnh, so bì giá trị đồng tiền. Chính vì thế, ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì đã dần mất đi.
Ngoài kiểu mừng tuổi với mục đích “xin-cho”, còn có kiểu mừng tuổi để trả nợ. Nhà nào mừng tuổi con mình bao nhiêu thì mình phải mừng lại con họ bấy nhiêu. Vậy là lì xì cũng bằng hòa và 2 bên đều “hòa kê”. Ý nghĩa cầu chúc tốt lành cho người khác đã không còn mà chỉ còn ý thức nhăm nhăm trả nợ nhau.
"Cơ chế thị trường đã len lỏi vào các phong bao lì xì. Lì xì ngày Tết sẽ mất thiêng vì ý đồ xấu", ông Vương Duy Bảo-Cục phó Cục văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL). |
Theo các nhà văn hóa, việc mừng tuổi, lì xì trong ngày Tết phải xuất phát từ cái tâm con người. Nếu đem vụ lợi vào trong những phong bao lì xì, vô tình đã làm mất hết ý nghĩa tốt đẹp của một phong tục đẹp và bản thân người nhận cũng không cảm thấy thực sự vui vẻ, hồ hởi.
Ông Vương Duy Bảo - Cục phó Cục văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho rằng: ngày xưa, tục lì xì có ý nghĩa trong sáng để cầu chúc cho người khác sức khỏe, bình an… Nhưng từ khi đổi mới, cơ chế thị trường đã xâm nhập vào, làm méo mó đi ý nghĩa của tục lì xì.
“Cơ chế thị trường là ganh đua, là chèn ép. Ngày xưa, mỗi phong bao lì xì là một tấm lòng, nhưng bây giờ nó đã nhiễm nặng cơ chế thị trường”, ông Bảo nói.
Theo Zing