Bé gái duy nhất sống sót sau thảm án Lê Văn Luyện giờ ra sao?

Thứ tư, 15/01/2014, 21:54
Giờ đây, bé Trịnh Thị Ngọc Bích đã 10 tuổi, ở trong Nam cùng người họ hàng và đang tiếp tục vươn lên trước nỗi mất mát quá lớn để hòa mình vào cuộc sống, học tập tốt, chăm ngoan...

Hơn hai năm sau vụ thảm án do Lê Văn Luyện gây ra, chúng tôi trở lại khu vực phố Sàn (Lục Nam, Bắc Giang) để tìm lại những người thân trong gia đình nạn nhân xấu số và hơn thế là mong có thêm đôi chút thông tin về tình hình của cháu Trịnh Thị Ngọc Bích.

Giữa chốn đô thị ồn ào nơi phố núi, những tấm bảng hiệu của tiệm vàng Ngọc Bích vẫn còn đó nhưng ngôi nhà 3 tầng giờ đây khép mình lại trong sự tĩnh mịch và u uất.

Tiếng cười nói hạnh phúc, ấm êm của một gia đình từng một thời là niềm mơ ước của cả khu phố giờ đây chỉ còn là kỷ niệm "thời xa vắng" với thành viên duy nhất còn lại, bé Trịnh Thị Ngọc Bích.


Tiệm vàng Ngọc Bích giờ đây nằm u uất trên con phố sầm uất.

Trong câu chuyện của những người hàng xóm xung quanh, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ thì cảm giác ớn lạnh vẫn thấp thoáng ở từng câu nói, ánh mắt của họ.

Trái ngược lại, nhắc đến bé Bích thì ai cũng đều bày tỏ sự cảm phục về nghị lực phi thường của cô bé, khi mà thời điểm tai họa ập xuống gia đình, bé Bích mới được 8 tuổi. Trong giây phút mong manh giữa sự sống và cái chết, Bích đã nén chịu đau để thoát khỏi lưỡi dao tử thần của kẻ "sát thủ máu lạnh".

Giờ đây, cô bé đó đã 10 tuổi và đang tiếp tục vươn lên trước nỗi mất mát quá lớn để hòa mình vào cuộc sống, học tập tốt, chăm ngoan.

"Dù sao người mất thì cũng đã mất rồi giờ chỉ thương nhất là bé Bích, cháu còn quá nhỏ để phải hứng chịu những nỗi đau như thế. Tôi có họ hàng với nhà cháu Bích nên tôi biết rõ, trước ở nhà, con bé thông minh lắm, gương mặt tròn, đôi mắt long lanh và hay chạy sang nhà hàng xóm chơi. Thực sự là cho đến giờ, cả phố vẫn chưa lúc nào nguôi ngoai về những gì đã xảy ra với gia đình bé Bích. Nhưng phải nói là dù tuổi còn nhỏ nhưng bé đã rất nghị lực, cố gắng vượt lên nỗi đau. Giờ thì cháu đang ở trong Nam cùng với người bác và học trong đó. Trước đây, người nhà cũng đã đưa bé về lại nhà một vài lần để thắp hương cho bố mẹ và em rồi lại đi luôn...", bà H, người họ hàng gần tiệm vàng Ngọc Bích cho biết.

Theo lời chỉ dẫn của những người hàng xóm, chúng tôi tìm đến nhà ông Sinh, bác ruột của cháu Bích và cũng là người đang được giao trông nom, hương khói tại tiệm vàng Ngọc Bích.

Ngôi nhà ông Sinh cách tiệm vàng Ngọc Bích chừng vài chục mét đường. Sau vài lời chào hỏi, mỗi câu nói sau đó của ông Sinh dù rất ngắn nhưng đều chất chứa biết bao u uất, kể cả là sự trách móc.

Hình ảnh ông nội quá cố và bé Bích lúc còn điều trị trong viện sau khi vụ án xảy ra.

Ông Sinh chua chát: "Xã hội giờ đảo lộn hết cả, chỉ có người chết là thiệt thôi. Chết là hết, chả còn biết gì, chả còn làm hại được ai cả nhưng nỗi đau mà người sống chịu thì đâu có như vậy. Thôi giờ thế nào thì cũng phải tiếp tục sống chứ biết làm sao...".

Khi được hỏi về mong muốn của gia đình trong lúc này, ông Sinh đáp rất ngắn gọn: "Mong muốn gì bây giờ, mọi thứ đã như thế rồi thì không phải chỉ gia đình mà mọi người trong xã hội cũng mong nhưng có được đâu...".

Nét mặt ông Sinh cũng đượm buồn hơn khi nhắc về người ông nội quá cố của bé Bích (ông Trịnh Văn Tín - PV): "Ông mất từ hôm 1/10/2013 rồi. Trước khi mất ông ốm nặng một thời gian và đến khi nhắm mắt cũng chẳng trăng trối được điều gì, nhưng tôi biết, trong lòng ông vẫn rất buồn. Cách mấy hôm ông mất, bé Bích cũng có gọi điện về nhưng ông bảo mệt nên hai ông cháu không nói chuyện được gì...".

Cũng theo thông tin từ ông Sinh, hiện cháu Bích đã hòa nhập vào cuộc sống, học tập và ổn định lại tinh thần sau nỗi đau quá lớn.

"Cháu giờ vẫn đang ở trong Nam với người bác và giờ đang học lớp 5 rồi. Mọi thứ của cháu đều bình thường, cháu hòa đồng và cũng hay gọi điện về thăm hỏi mọi người ngoài này. Gia đình cũng đã kể rõ cho cháu về câu chuyện xảy ra với bố mẹ, em cháu từ lâu và lúc đầu thì cũng buồn nhưng thời gian trôi qua cũng giúp cháu chấp nhận mọi thứ để sống tốt. Bích cũng được mọi người đưa ra ngoài này mấy lần và về nhà thắp hương cho bố mẹ, lúc đó con bé buồn nhưng vẫn mạnh mẽ, nghị lực lắm...", ông Sinh nói khi đôi mắt bắt đầu đỏ hoe.

Khi chúng tôi bày tỏ mong muốn được vào tiệm vàng Ngọc Bích để thắp nén hương cho bố mẹ cũng như em nhỏ của Bích, ông Sinh từ chối và cho biết: "Gia đình rất cảm ơn các cháu nhưng chú chỉ mở cửa vào ngày mùng 1 và ngày 15 hàng tháng để nhang khói, còn ngày thường này chú không mở được".

Nói thêm về cách hành xử của gia đình hung thủ Lê Văn Luyện, ông Sinh cho hay: "Từ khi vụ án xảy ra đến giờ, gia đình, họ hàng nhà Luyện chưa một lần nào đến hỏi thăm hay xin thắp nén hương cho các em và cháu của tôi. Đến hỏi thăm còn chẳng có thì nói gì đến bồi thường, mà có bồi thường thì cũng đâu thể lấy lại sự sống cho những người đã khuất đây...".

Câu nói đó và đôi mắt đỏ hoe của người đàn ông đã ở cái tuổi ngoài ngũ tuần đã làm cho chúng tôi không khỏi ái ngại. Thời gian trôi đi, các vết thương bên ngoài có thể lành lại và dư luận có thể không còn nhắc nhiều đến vụ án này nữa nhưng liệu rằng, nỗi đau trong sâu thẳm tâm can những người liên quan, nạn nhân, gia đình, người thân sẽ còn dai dẳng đến bao giờ...

Và chúng tôi cũng tự hỏi, không biết trong cánh cửa nhà tù kia, liệu Lê Văn Luyện có bao giờ, dù chỉ một phút giây thôi nghĩ lại, ân hận về những gì đã gây ra cho gia đình nạn nhân không(?!).

Chỉ biết rằng, cho đến lúc này đây, hình ảnh của tiệm vàng Ngọc Bích nằm lạnh lẽo u uất giữa phố xá nhộn nhịp và căn nhà của chính gia đình Lê Văn Luyện hoang vắng cứ hiển hiện mãi trong tâm trí chúng tôi...

Theo Trí Thức Trẻ/Soha

Các tin cũ hơn