"Nỗi đau" người chồng
Lớn lên trong tu viện nên anh Văn (*) (sinh năm 1970, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) luôn có tấm lòng hướng thiện. Sau khi rời tu viện, anh về mở xưởng điêu khắc tại gia. Khéo tay, giỏi quản lý, cơ sở của anh làm ăn khấm khá. Năm 1999, anh mua một mảnh đất gần xưởng để cất một căn nhà khang trang và mở mái ấm để nuôi trẻ em mồ côi, cơ nhỡ. Cùng thời điểm này, chị Thi (sinh năm 1979), rời quê ở Đồng Nai lên Q.Thủ Đức trọ học. Cảm mến tài và đức của Văn, chị Thi yêu và kết hôn cùng anh.
Sau bốn năm chung sống chưa có con, năm 2007, anh chị đi điều trị vô sinh. Ba lần chuyển phôi đều thất bại. Tới đầu năm 2011, bỗng dưng Thi có thai, mọi rạn nứt bắt đầu từ đây. Theo lời anh Văn: “Sau khi sinh con, vợ tôi có thái độ chia phe trong gia đình. Cô ấy ghen tuông, vu khống, làm mất mặt tôi, khiến hai cô giáo phải rời mái ấm trong đau buồn, tủi nhục”.
Anh Văn kể: “Vì không chịu nổi, tôi đã ôm gối mền, rời nhà, sang xưởng sản xuất ngủ từ đó. Nào ngờ Thi thuê giang hồ đánh những nữ nhân viên, khi chỉ thoáng thấy người ta đứng nói chuyện hay cười với chồng mình, dù người đó là cô gái 20 hay người đàn bà 52 tuổi! Thi còn cho người in tờ rơi, phát ở chợ Bình Triệu (Q.Thủ Đức) và dán khắp các ngang cùng, ngõ hẹp, vu cáo chồng ngoại tình với những người phụ nữ, với đầy đủ tên tuổi, hình ảnh của họ.
Thấy vợ ngày càng quá quắt, tôi quyết định lấy mẫu tóc của con trai đi giám định ADN thì kết quả tôi không phải là cha của đứa bé. Thi còn xin bùa ngải khắp nơi để yểm tôi. Với gia đình tôi, cô ấy cho rằng tôi bị trúng bùa mê, nên phải cứu tôi. Cha tôi đã già, nghe lời cô ấy nên đánh chửi tôi. Sau đó, vợ tôi nằng nặc đòi ly hôn, chia đôi căn nhà (đang làm mái ấm) mà tôi và cô ấy đứng tên chung sau khi kết hôn”.
Các trang Facebook được cho là bêu xấu chị Thi. |
“Nước mắt" người vợ
Anh Văn và nhân viên tên T. của anh không chỉ gửi đơn tố cáo chị Thi có hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự của anh cho Báo Phụ Nữ và cơ quan công an, mà còn thông qua một địa chỉ Facebook để công bố bản xét nghiệm ADN với kết quả anh Văn không phải là cha ruột của con trai chị Thi…
Chị Thi nghẹn ngào: “Ngày 3/12, TAND Q.Thủ Đức đã ra quyết định ly hôn cho chúng tôi. Quan hệ hôn nhân coi như đã hết, nhưng chuyện bảo vệ danh dự của tôi thì chỉ mới bắt đầu. Tôi sẽ khởi kiện những người vu khống và bôi nhọ danh dự của tôi với những chứng cứ đầy đủ, rõ ràng. Sở dĩ bấy lâu tôi chưa tố cáo anh Văn và những người làm vì tôi vẫn muốn níu kéo cuộc hôn nhân này, vẫn muốn sống chung với anh ấy, người duy nhất tôi yêu thương”.
Chị Thi kể: “Bốn năm đầu, chúng tôi chung sống vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, càng ngày, tôi và anh càng xa cách nhau vì… mái ấm, bởi anh nuôi trẻ nhưng không theo kỷ luật nào. Vì tình thương, anh nuông chiều các em thái quá. Thấy chồng thiếu bài bản, tôi góp ý, từ đó, anh giận. Tôi cô đơn nên cần một đứa con để khỏa lấp nỗi niềm, vì vậy tôi đã giấu chồng đến BV Từ Dũ xin thụ tinh và sinh con. Sau này, tôi đã thú thật điều đó với anh, vậy mà anh vẫn mang tóc của con tôi đi giám định rồi sau đó bêu riếu kết quả trên các trang mạng.
Cùng thời điểm con trai tôi chào đời vài tháng, một người phụ nữ bán hột vịt lộn là cô S. xuất hiện ở nhà chúng tôi và được anh tôn là thánh. Anh nói “vị thánh” này bị quỷ nhập nên anh “dùng phép” để trị bệnh. Sau đó họ có ghi hình lại và tung đoạn clip “hiện tượng quỷ nhập” lên internet, lại còn copy ra nhiều đĩa video để phát tán. Tôi càng can gián, chồng càng xa lánh tôi. Anh cô lập tôi và bỏ ra khỏi nhà, tôi phải đòi ly hôn để dọa, thách thức chồng, anh cũng đồng ý”.
Bế tắc bởi bùa mê?
Theo chị Thi, trong lúc quá tuyệt vọng, để bảo vệ và giúp chồng thoát khỏi chứng hoang tưởng, chị Thi lại sai lầm khi đi tìm “bùa, phép” về đốt, bắt anh Văn uống. Phát hiện sự việc, anh Văn kháng cự đến cùng. Chị Thi một mực khẳng định chị không làm điều xấu, mà chỉ muốn giúp chồng, còn Văn, không những mất niềm tin vào vợ, mà anh còn nhìn chị Thi như ác quỷ.
Khi phóng viên hỏi cô S., người cho rằng năm 2011, chị Thi dán tờ rơi ở chợ Bình Triệu và các chùa chiền, giáo xứ quanh khu vực về việc S. quan hệ với anh Văn, cướp chồng của Thi nhưng chị này phải “chịu đựng”, không tố cáo, thì S. nói rằng sợ Thi nhiều thế lực, có giang hồ trợ giúp… Tất cả nhân viên của anh Văn khi gặp phóng viên để tố chị Thi, chẳng ai có bằng chứng chứng tỏ Thi từng xúc phạm họ. Ai nấy đều viện lý lẽ: họ không tố Thi vì tin rằng bề trên sẽ soi sáng, sẽ trừng phạt người có tội.
Bà Phạm Mai Thảo, cán bộ tư pháp của UBND P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, chưa bao giờ chính quyền phường nhận được tố cáo hay lời kêu cứu nào về việc bị rải, dán tờ rơi bôi xấu danh dự như lá đơn tố cáo mà Báo Phụ Nữ cũng như công an phường đang thụ lý. Thật vô lý nếu có một chuyện gây ảnh hưởng đến nhiều người trong thời gian dài như thế, đặc biệt là với các cô giữ trẻ trong một mái ấm cũng có tiếng mà địa phương không hề hay biết gì. Trong năm qua, chúng tôi chỉ đến làm việc với ông Văn, để yêu cầu ông ngừng phát tán băng đĩa và truyền bá chuyện quỷ nhập”.
Công an P.Hiệp Bình Chánh cũng khẳng định nội dung tương tự và cho biết với vụ khiếu kiện của anh Văn cùng nhân viên của anh, do thiếu các chứng cứ nên phường chỉ mời hai bên lên hòa giải. Đầu tháng 12/2013, chị Thi chính thức khởi kiện tác giả các trang Facebook được cho là mang nội dung bôi xấu chị.
LỖI TỪ HAI PHÍA Nếu căn cứ vào lời khai của các bên thì ai cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đó là hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm; vu khống; mê tín dị đoan... Tuy nhiên, để xác định ai là người vi phạm pháp luật, hành vi cụ thể là gì và chế tài xử lý ra sao… thì phải qua các bước thủ tục mà pháp luật quy định. Cụ thể, người bị xúc phạm bị bôi nhọ danh dự nhân phẩm; bị vu khống… làm đơn tố cáo gửi cho cơ quan cảnh sát điều tra - công an cấp quận huyện nơi xảy ra hành vi vi phạm. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ đơn tố cáo cùng các tài liệu chứng cứ kèm theo (nếu có) của công dân. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp chưa đến mức khởi tố thì có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Kết quả giải quyết đơn tố cáo phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho đương sự được biết bằng văn bản (Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự). Khi giải quyết đơn tố cáo, cơ quan công an không chỉ căn cứ vào lời khai, lời trình bày của đương sự mà cần phải tập trung tìm kiếm chứng cứ, nhân chứng, vật chứng… có liên quan; hậu quả đã gây ra, tính chất mức độ của hành vi vi phạm. Trường hợp trên, nếu anh Văn làm đơn tố cáo chị Thi nhưng không có tài liệu, chứng cứ kèm theo và qua điều tra xác minh cũng không xác định được có hay không hành vi vi phạm của chị Thi, thì việc công an phường mời các bên lên hòa giải và cho về là phù hợp quy định (vì không có sự việc vi phạm pháp luật). LS Huỳnh Minh Vũ(Đoàn luật sư TP.HCM) |
Theo Phunuonline