Ngày 11/1/1914, sau 40 năm Hải Quân Trung Quốc cưỡng chiếm phần còn lại của Hoàng Sa từ tay Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, một nhóm học giả Mỹ đã đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo tại Đại học Harvard. Tuần Việt Nam có bài phỏng vấn GS Lịch sử Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine (Hoa Kỳ), người có bài tham luận lại hội thảo này.
GS Ngô Vĩnh Long |
Như trong phần giới thiệu, mục đích của những người tổ chức hội thảo là tìm ra khả năng câu chuyện Hoàng Sa được soi xét dưới khía cạnh đa phương, thay vì song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc như hiện nay. Vậy kết quả hội thảo có nêu ra được những ý kiến nào thuyết phục không?
Theo tôi hiểu, những người tổ chức hội thảo không những muốn vấn đề Hoàng Sa được soi xét dưới khía cạnh đa phương, mà còn dưới khía cạnh đa chiều.
Hoàng Sa chỉ là điểm khởi đầu vì kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm toàn bộ Hoàng Sa, tức ngày 17-19 tháng Giêng năm 1974. Nhưng từ đó đến nay Trung Quốc đã tiếp tục lấn chiếm các khu vực khác trên Biển Đông vào 1988, hay 1995.
Do đó, hội thảo có phần trình bày về khía cạnh lịch sử của không những Hoàng Sa, mà cả về Trường Sa, phần về địa chính trị và an ninh khu vực, phần về một số khả năng hợp tác trong khu vực, và phần về các giải pháp qua lăng kính luật pháp, ngoại giao và chính trị.
Về câu chuyện Hoàng Sa, hiện nay khá gây tranh cãi trong giới học giả. Có những học giả quốc tế, như Stein Tonnesson (Na Uy), nói rằng Việt Nam đấu tranh chủ quyền là vô vọng khi so sánh thực lực giữa hai nước.
Trong khi đó có học giả người Việt thì lại cho rằng cần phải tiếp tục đấu tranh đòi chủ quyền Hoàng Sa, bởi ngoài ý nghĩa tượng trưng, thực tế lịch sử Việt Nam cho thấy từ Thục Phán tới Hai Bà Trưng mất khoảng 300 năm, rồi khoảng 500 năm nữa mới có Lý Bí, và gần 500 năm nữa mới đến Ngô Quyền và Nhà Lý thực sự là kỷ nguyên độc lập. Như vậy, cuộc đấu tranh giành lại Hoàng Sa cũng vẫn có thể thành công, dù rất lâu dài.
Ngoài ra, Việt Nam không chỉ đối mặt tay đôi với Trung Quốc, như trong lịch sử ngày xưa nữa, mà còn có cộng đồng quốc tế và khu vực đứng bên cạnh...
Xin cho biết quan điểm của ông?
Hải chiến Hoàng Sa khai hỏa |
Một số học giả quốc tế nghiên cứu vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, hay Biển Đông trong một giai đoạn ngắn và từ khía cạnh chuyên môn của họ cho nên họ không thấy được vấn đề lớn và vấn đề lâu dài. Đối với Hoàng Sa, nếu Việt Nam chỉ chú trọng vào việc đấu tranh chủ quyền thì có thể là "vô vọng" vì vô hình trung làm cho người ta nghĩ đây chỉ là việc song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, việc "trứng chọi đá".
Nhưng vấn đề Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, giết 74 thuỷ thủ của Nhà nước Việt Nam Cộng Hoà, rồi từ đó tiếp tục bành trướng gây mất an ninh cho toàn khu vực thì vấn đề không phải chỉ song phương mà là đa phương.
An ninh trên biển của phần lớn các nước trên thế giới có lưu thông hàng hải qua khu vực Biển Đông cũng bị Trung Quốc đe doạ qua nhiều hình thức. Khoảng 90% mậu dịch quốc tế là trên biển, và khoảng 60% tổng số mậu dịch này là qua Biển Đông.
Do đó, Việt Nam nên thường phải nhắc nhở thế giới về lợi ích và trách nhiệm chung bằng cách chứng minh cho thế giới biết vấn đề đấu tranh với Trung Quốc về Hoàng Sa không phải chỉ vì "tranh chấp chủ quyền" trên các hòn đảo. Ngoài vấn đề an ninh còn có vấn đề luật quốc tế, trong đó có các điều khoản của hiến chương Liên Hiệp Quốc về việc dùng vũ lực thôn tính lãnh thổ, hay lãnh hải, của nước khác, và đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Do đó, Việt Nam cần phải có những hành động, hoặc ủng hộ hoặc tự mình làm, để chứng minh cho thế giới biết là Việt Nam đấu tranh để bảo vệ an ninh và luật pháp quốc tế. Việt Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông, và Việt Nam bị "đường 9 đoạn" cùng những hành động ngang trái khác của Trung Quốc đe doạ và gây thiệt hại lớn nhất. Vì vậy, tiếng nói của Việt Nam có ảnh hưởng lớn trong giai đoạn hiện tại. Tương lai gần hay xa sẽ ra sao là tuỳ hành động hiện nay có cương quyết và hiệu quả hay không.
Chuyến đi Quảng Ngãi năm ngoái dự Hội thảo về Hoàng Sa do đại học Phạm Văn Đồng tổ chức có giúp ích gì cho ông trong hội thảo vừa rồi? Theo ông, Việt Nam có nên tiếp tục những hội thảo về Hoàng Sa như vậy, nhất là về vấn đề chứng cớ lịch sử để cung cấp thêm thông tin cho các học giả quốc tế?
Tôi đã đi Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn nhiều lần trong những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước với vai trò một người làm bản đồ.
Tôi cũng đã nghiên cứu lịch sử vùng này và đã tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến trong những năm qua. Cho nên, đối với riêng tôi, việc ích lợi nhất là được về thăm và làm quen với một số đồng nghiệp ở Quảng Ngãi.
Đối với một số học giả quốc tế mà tôi có trao đổi thì phần đông cũng cho vấn đề gặp gỡ là quan trọng, còn vấn đề chứng cớ lịch sử được cung cấp thì có một số thông tin lý thú cho một vài người vì nó cho họ biết về một số quan điểm của phía Việt Nam.
Nhưng, như Tiến sĩ Vũ Quang Việt lưu ý tại hội thảo vừa qua ở Harvard, vấn đề lịch sử chủ quyền phải được cung cấp và phân tích trên khía cạnh luật quốc tế mới có ích.
Xin cám ơn Giáo sư.
Theo VNN