Sau cuộc gặp gỡ với báo chí, luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) và luật sư Lê Vũ Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho bà Ngọc đã sang làm việc với báo Người Đưa Tin. Tiếp hai luật sư là Tổng Thư ký tòa soạn Nguyễn Thành Lân, được Ban Biên tập báo Người Đưa Tin ủy quyền với tư cách phát ngôn của báo.
Theo ông Lân, Ban Biên tập đã nắm được thông tin xung quanh bà Ngọc cũng như cuộc trao đổi với báo chí vào buổi chiều cùng ngày. Quan điểm của báo Người Đưa Tin là phóng viên đã viết bài dựa trên những bằng chứng có được. Tòa soạn không làm gì trái với pháp luật nên vẫn giữ nguyên quan điểm về những bài báo đã đăng. Nếu bà Ngọc và các luật sư không đồng tình thì cứ khởi kiện ra tòa. “Chúng tôi không có nghĩa vụ, không liên quan gì đến chị Ngọc. Chúng tôi thấy không cần có văn bản trả lời chị Ngọc” - ông Lân nói.
Theo ông Lân, ngay từ đầu họ không nói gì đến bà Ngọc. Luật sư Sang hỏi: “Vậy theo anh, nhân vật trong bài báo không phải là chị Ngọc?”. Ông Lân đáp: “Chúng tôi không nói như thế và chúng tôi không bình luận” rồi kết thúc cuộc nói chuyện.
|
Bà Phạm Thị Thanh Ngọc, người được một tờ báo gán cho biệt danh “kiều nữ hiếp taxi” đã có buổi gặp mặt báo chí. |
Trước đó, lúc 14h ngày 15/1, cùng với hai luật sư, bà Phạm Thị Thanh Ngọc - người bị một tờ báo gán biệt danh “kiều nữ Hải Dương” - có buổi gặp mặt báo chí để trao đổi xung quanh sự việc của mình.
Trong bộ áo sơ mi xanh quần đen giản dị, phút ban đầu bà Ngọc thoáng lo lắng trước sự có mặt của đông đảo phóng viên chờ sẵn. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện nhanh chóng trở nên cởi mở. Bà Ngọc đùa: “Có thể tôi đã làm cho các bạn thất vọng, tôi rất xấu chứ có phải “kiều nữ” gì đâu”.
Trả lời với báo chí về cội nguồn của những bài báo đăng trên báo Người Đưa Tin, bà Ngọc trả lời: “Tôi không hiểu báo đó lấy thông tin từ đâu ra. Tôi hoàn toàn bị oan và báo Người Đưa Tin đã vu khống”. Để chứng minh một chi tiết bịa đặt trong bài báo đó, bà Ngọc cho biết nhà bà không có chuông. Nhà bà xây từ năm 2001 đến nay “đã không có chuông thì làm sao mà bấm”.
Với những thông tin sai trái ám chỉ mình, bà Ngọc đã gọi điện thoại tới tòa soạn báo Người Đưa Tin và đầu dây kia đã cúp máy sau khi bà Ngọc xưng danh. Nói đến đây, bà Ngọc bật khóc khi được hỏi về những hệ lụy từ sau những bài báo đó: “Tôi rất đau lòng khi bị báo Người Đưa Tin bôi nhọ. Tôi không muốn những người đọc được tiếng Việt đánh giá tôi là một người như báo chí đã bịa đặt. Tôi đã khóc rất nhiều, uất ức rất nhiều bởi dù rất yêu con người Việt Nam, tôi cũng không thể ngờ một ngày mình lại vướng phải chuyện này”.
Kết thúc buổi gặp gỡ, bà Ngọc cảm ơn các báo đã có cái nhìn sáng suốt và thông cảm với câu chuyện của bà. Thông tin cho Pháp Luật TP.HCM, bà Ngọc cho biết thêm là hiện nay Công an tỉnh Hải Dương đã chính thức bắt đầu điều tra vụ việc. Ngoài ra, Phòng Lãnh sự của Hoa Kỳ cũng đã biết câu chuyện và rất thông cảm với bà. Theo đó, cơ quan này sẽ thực hiện những việc làm đúng theo quy định của họ.