Chuyện về những người đi "gom tiền lẻ" trong con hẻm nhỏ giữa Sài Gòn

Thứ hai, 08/12/2014, 08:41
Hằng ngày mọi người trong con hẻm luôn chung tay cùng bà Cúc góp nhặt ve chai và cùng nuôi heo đất làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Chuyện về những người đi

40 năm gom tiền lẻ làm việc thiện

Bất cứ ai khi ghé vào con hẻm 60 đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM) đều cảm thấy một cảm giác bình yên, ấm áp đến lạ kỳ. Bởi những con người trong hẻm này đều chung một tấm lòng thiện nguyện, luôn mong muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống.

Cứ đến gần trưa, mọi người lại góp nhặt ve chai từ nhà mình đem cho bà Nguyễn Thị Bạch Cúc (71 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, phường 8) bán lấy tiền “nuôi” heo đất làm từ thiện giúp đỡ người nghèo.

Chuyện về những người đi

Sau mỗi lần bán bánh mì xong bà Cúc lại đi tới từng nhà để nhận ve chai từ những người trong hẻm.

Nhờ có bà Cúc mà những người trong con hẻm này như có được một sợi dây gắn kết với nhau. Dù là người gốc Sài Gòn hay ở phương xa đến đều được truyền cho nhau những hơi ấm tình người đầy cảm động. Có người gọi bà là dì Cúc “ve chai”, người khác gọi là dì Cúc “bánh mì”, hay dì Cúc “heo đất”, bởi bao nhiêu tiền tiền lời lãi từ việc bán bánh mì, ve chai, bà lại cặm cụi bỏ vào heo đất để giúp người nghèo. Tính đến hôm nay, bà Cúc đã có 40 năm "gom tiền lẻ".

Đây chỉ là con số khiêm tốn, bởi trước đó bà đã làm rất nhiều công việc thiện nguyện khác. Đối với bà, làm từ thiện không phải để kể thành tích. “Mình làm thì cứ âm thầm làm, giúp ích cho đời là bổn phận của mỗi chúng ta trong cuốc sống này”, bà Cúc chia sẻ.

Chuyện về những người đi

Mọi người trong hẻm thường xuyên mua bánh ngọt của bà Cúc để bà có tiền bỏ heo đất làm từ thiện.

Ước nguyện của bà Cúc là mong muốn giúp đỡ mọi người tới cuối cuộc đời. Bà tâm sự: “Sinh năm người con trai, ai cũng bảo số tôi sẽ mệt mỏi vì có tới “ngũ quỷ” trong nhà. Đúng là khi còn trẻ mình vất vả thật, phải xoay đủ hướng để nuôi con trong thời gian chồng học tập sau ngày giải phóng. Rồi ba trong số năm người con cùng cha định cư nước ngoài, hai người ở lại Việt Nam với tôi. Sống giản đơn, tằn tiện trong chi tiêu nên tôi cũng ít lo chuyện tiền bạc”.

Chuyện về những người đi

Bà Cúc chính là người khởi xướng phong trào góp ve chai làm từ thiện trong hẻm.

Ngày xưa, xe bánh mì là chiếc cần câu cơm giúp bà nuôi con nhỏ, còn bây giờ lại trở thành cầu nối, giúp bà gần với biết bao con người. Theo bà, trước đây phong trào nuôi heo đất không rầm rộ nên bà phải đi nhặt ve chai của những người hàng xóm. Sau đó, nhiều người biết được việc làm ý nghĩa của bà thì ngày càng ủng hộ nhiều ve chai hơn. Cứ thế, hàng ngày mọi người đều góp ve chai lại cho bà bán giúp đỡ người nghèo khổ.

“Ban đầu, nhiều người không hiểu tôi xin về làm gì, bởi mình chỉ ngắn gọn: “Xin về làm từ thiện”. Họ bán tín bán nghi, có lúc không dám cho ve chai. Khi đến dịp cuối năm, tôi mời chị em trong khu phố tới họp mặt, rồi đập heo lấy số tiền để dành từ bán ve chai, để giúp đỡ những chị em nghèo trong xóm ăn Tết ấm no hơn. Lúc đó mọi người mới ủng hộ nhiệt tình”, bà Cúc nhớ lại.

Người người trong hẻm chung tay nuôi heo đất

Cạnh chiếc xe bánh mì là chiếc tủ bánh ngọt của bà Cúc. Với toàn bộ số tiền từ bán bánh ngọt này bà dành hết làm từ thiện. Lạ ở chỗ, xe bánh mì của bà lúc nào cũng có con heo đất nằm bên cạnh. Người qua kẻ lại, có khi chỉ là những đồng tiền lẻ nhưng mỗi người góp một tay cùng... nuôi heo.

Bà Cúc cho biết: “Từ khi mọi người trong hẻm ủng hộ việc góp ve chai, cũng là thời điểm tôi nuôi heo đất luôn. Có heo đất ở gần xe bán bánh mì, được tiền lời thì bỏ vào. Hơn nữa cũng có nhiều người đi ngang, thấy heo đất, họ lục túi trích một ít tiền lẻ ra để ủng hộ người nghèo. Dần dần thành thói quen của người dân trong hẻm”.

Chuyện về những người đi

Con heo đất luôn có mặt bên cạnh xe bánh mì của bà Cúc.

Với khoảng tiết kiệm từ việc “nuôi” heo đất để giúp người khác, đến nay bà đã tích góp hơn 20 triệu đồng dùng làm vốn xoay vòng cho những người nghèo trong khu phố. Xe bánh mì của bà còn trở thành “điểm giao dịch” của nguồn vốn vay tiết kiệm phụ nữ phường. “Có khó khăn thì người ta mới vay mượn, giữa con người với nhau trong cuộc sống mình phải sống có cái tâm để cho lòng thanh thản hơn với đời”, bà tâm sự.

Theo bà Cúc, việc làm của bà mới đầu không được các con ủng hộ, vì cho rằng mẹ đã lớn tuổi cần phải nghỉ ngơi. Nhưng từ khi được những người trong hẻm nhiều lần đem ve chai đến nhà bà Cúc và nói: “Làm việc thiện để giúp cho cuộc sống thêm ý nghĩa hơn”. Từ đó, hai cậu con trai trở thành người bạn thân thuộc của con heo đất và thu gom ve chai cùng mẹ làm từ thiện.

Chuyện về những người đi

Sau khi nhận được tiền mua bánh của khách bà liền bỏ số tiền này vào heo đất.

Chuyện về những người đi

Mỗi khi ghé ngang qua đây người đàn ông này luôn móc tiền lẻ cho heo đất "ăn", để giúp người nghèo.

Từ khi “nuôi” heo đất làm từ thiện thì ngày càng có nhiều người ủng hộ bà Cúc hơn. Không chỉ người lớn mà trẻ con cũng biết tiết kiệm tiền để giúp người nghèo. “Có hôm một đứa trẻ được mẹ chở đi học, khi đi ngang qua xe bánh mì của tôi, liền bảo mẹ dừng xe để cho heo đất “ăn” 5.000 đồng từ tiền ăn sáng. Nhìn những đứa trẻ cảm nhận được những hành động đẹp như thế này ngay từ bé làm tôi cảm động và tin vào thế hệ trẻ sau này lắm”, bà Cúc mỉm cười tự hào.

Mỗi người đều có quyền lựa chọn một niềm vui riêng, đối với những người trong con hẻm 60 này, họ chọn niềm vui cho mình bằng những việc làm hết sức ý nghĩa đó là cùng nhau "nuôi" heo đất. Qua hình ảnh “bà Cúc heo đất” hay “bà Cúc ve chai”, chợt thấy đâu đó giữa chốn thành thị đầy bon chen  hiện lên một tấm lòng cao đẹp, yêu thương con người.

Theo Trí thức trẻ

Các tin cũ hơn