Gia đình ở Sài Gòn 30 năm lênh đênh sông nước mong một lần được nhìn thấy ánh điện

Thứ ba, 18/11/2014, 16:55
Cả hai vợ chồng đều không nhà, không giấy tờ tùy thân nên cuộc sống của họ chỉ diễn ra trên một chiếc thuyền cũ nát suốt 30 năm qua.

Chiếc thuyền cũ nát, lụp xụp nằm trên khúc sông dưới chân cầu Rạch Chiếc (phường An Phú, quận 2, TP.HCM), chính là nơi "định cư" của vợ chồng ông Lê Du (52 tuổi) và bà Lâm Thị Huệ (49 tuổi). Trước đây, cả hai người con trai của ông bà cũng ở cùng trên chiếc thuyền này, khi các con trưởng thành đã chuyển lên bờ lập nghiệp.

Một lối mòn lầy lội bùn đất dẫn vào nơi trú ngụ của ông Du và bà Huệ. Chiếc thuyền được bao phủ bởi cỏ lau ở hai bên. Nếu nhìn từ xa trông chiếc thuyền giống như một căn "hầm bí mật" ẩn nấp dưới cây cỏ um tùm.

Chiếc thuyền này không thể di chuyển trên sông và được chắp vá bằng nhiều mảnh ghép. Ông Du cho biết: "Tôi mua nó từ số tiền tích góp được trong mười mấy năm trời chạy xe ôm và bán vé số của vợ. Từ hồi mới mua về, chỉ chạy được được một thời gian ngắn rồi để im lìm đến giờ". Theo ông Du, thuyền chỉ rộng 1 mét và dài hơn 3 mét. Mọi sinh hoạt của gia đình chỉ quanh quẩn trên "căn hầm" này suốt 30 năm nay.

Nghề nghiệp chính của ông Du là chạy xe ôm, thỉnh thoảng thời gian rảnh ông lại chài lưới bắt cá dùng cho bữa ăn hàng ngày. Bà Huệ đi bán vé số. Ngoài ra, bà còn nhận đi phát cỏ, giặt quần áo thuê cho những công nhân đang làm công trình ở gần đó.

Hàng ngày, bà Huệ chỉ bán vé số vào buổi sáng, không bán được buổi trưa vì cứ mỗi lần đi nắng nhiều là bà lại ngất xỉu. Buổi chiều, bà lại đi bán tiếp đến gần khuya. "Cách đây vài tháng, tôi bị tai nạn trong một lần đi bán vé số, phải khâu hơn chục mũi ở phần đầu và mất hơn một tháng vay tiền chữa trị mới khỏi. Về sau tôi không đi bán được nhiều nữa" - bà Huệ nói.

Cả hai vợ chồng ông đều trải qua tuổi thơ đầy cơ cực. Ông Du sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở Sài Gòn (khu vực Chợ Lớn, Q.5). Cha mất sớm, một mình mẹ mưu sinh bằng nghề làm nhang để nuôi con. Công việc làm ăn không thuận lợi nên mẹ ông phải bán nhà trả nợ. Từ đó, cả mấy mẹ con phải lưu lạc khắp nơi. Ông và mẹ nương tựa nhau sống dưới gầm cầu.

Trong một lần đi bốc vác thuê, ông gặp bà Huệ (quê Trà Vinh) lên Sài Gòn rửa chén bát thuê. Thấy hoàn cảnh hai người tương đồng nên ông chủ động làm quen và “nhặt” được vợ. Năm 1984, cả hai cùng người mẹ già dọn về ở đoạn mép sông dưới chân cầu Rạch Chiếc cũ. Mưu sinh với đủ thứ nghề, tích góp, dần dần ông Du cũng mua được chiếc xe máy cũ chạy xe ôm. Chồng chạy xe, vợ bán vé số, cộng thêm số tiền vay mượn, họ mua được một chiếc thuyền làm nơi trú ngụ đến bây giờ. Hai người con của ông bà cũng ra đời trên chiếc thuyền này.

Cách đây 5 năm, người mẹ già qua đời và ông Du cũng lập bàn thờ mẹ trên thuyền. Tuy nhiên vì thuyền chật chội nên một góc bàn thờ phải đặt khá gần chỗ ngủ của một chú chó.

Bên cạnh đó, nơi ngủ của hai vợ chồng cũng là "sân chơi" cho các thú cưng. Đêm buông xuống, chú chó và hai chú mèo lại ngủ cùng với ông Du và bà Huệ.

Mọi vật dụng trong thuyền cũ nát đều được nhiều nhà hảo tâm cho. "Bây giờ hai vợ chồng già rồi, chỉ mong sao hàng tháng kiếm được 2 triệu đồng để vừa trả nợ và vào thăm một thằng con trai bị tù tội. Đứa con kia thì đang làm công nhân ở Bình Dương, lâu lâu mới về, cũng không phụ giúp được gì" - bà Huệ chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Du liên tục nhìn ra cái lổ nhỏ hướng về cây cầu Rạch Chiếc với dòng người đang hối hả. Đêm đến, ông chỉ mong ánh sáng đèn trên cầu được một lần len lỏi qua đám cỏ lau chiếu vào chiếc thuyền cũ nát của gia đình.

Thuyền cũ nát, xập xệ và sức khỏe già yếu nên mỗi lần ra ngoài, ông Du phải chui cực khổ như thế này.

Nước để tắm rửa, giặt quần áo của hai vợ chồng đều được lấy từ dưới sông.

Bà Huệ vẫn thường hay đi hái rau dùng cho bữa ăn.

Cuộc sống mưu sinh của ông Du và bà Huệ giữa Sài Gòn phồn hoa như những "chùm bèo", trôi lững lờ trên sông. Hy vọng mai này, họ sẽ tìm được một bến đỗ bình yên.

Theo MASK Online

Các tin cũ hơn