Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng |
Trước đó, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết theo phản ánh của người dân đi trên quốc lộ, nhiều đoạn cắm biển hạn chế tốc độ 50 km/giờ như Bộ GTVT quy định là không hợp lý.
“Nếu làm đường đi 30-40 km/giờ thì đi đường đất chứ làm đường nhựa làm gì”, ông Lịch nói.
Liên quan vấn đề này, ông Đinh La Thăng cho biết sẽ cho rà soát và sẽ gỡ bỏ những biển báo bất hợp lý. Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Công an để làm việc này.
“Như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vừa rồi, chúng tôi đã nâng tốc độ lên 120km/giờ thay cho 100km/giờ. Việc nâng tốc độ này là để khai thác hiệu quả các tuyến đường”, ông Thăng nói.
ĐB Trần Du Lịch - Ảnh: Ngọc Thắng |
Liên quan đến câu hỏi về đường sắt của ĐB Lịch, ông Thăng cho biết đây cũng nằm trong quy hoạch phát triển đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường sắt của Bộ GTVT. Sắp tới đối với tuyến đường sắt cũ sẽ tiến hành điều chỉnh, hiện đai hóa nâng công suất từ 60km/giờ lên 80-90km/giờ. Song song đó sẽ xây dựng tuyến đường sắt mới với vận tốc 120km/giờ, ban đầu ưu tiên tuyến Hà Nội - Vinh và Sài Gòn - Nha Trang.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng Thăng cho biết việc đầu tư một km đường cao tốc ở Việt Nam tốn bao nhiêu, có phải cao nhất hành tinh hay không? Ông Minh cũng đề nghị Bộ GTVT tách phần giải phóng mặt bằng để làm rõ chi phí đầu tư, xây dựng 1km đường nhựa là bao nhiêu?
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết trước thông tin chi phí xây dựng đường cao tốc Việt Nam cao nhất thế giới, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng kiểm tra, tính toán để so sánh. Theo đó, chi phí đường cao tốc ở Việt Nam tương đương Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc và Nhật Bản.
ĐB Ngô Văn Minh - Ảnh: Ngọc Thắng |
“Ở Nhật Bản có km đường chi phí lên tới 216 triệu USD. Còn ở Việt Nam, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chi phí 4,19 triệu USD/km, Hà Nội - Lào Cai 6,94 triệu USD/km, Hà Nội - Hải Phòng hơn 11 triệu USD/km. Dự án Hà Nội - Hải Phòng chi phí cao là bởi đây là vốn vay thương mại, chỉ riêng lãi suất đã tốn 3,5 triệu USD/km”, ông Thăng phân tích.
|
Ngoài ra, theo ông Thăng, đường cao tốc mà nền yếu thì chi phí cao, hay như dự án mà không đủ vốn từ đầu, kéo dài, trượt giá nên đội vốn, hay dự án cao tốc đi qua khu dân cư cũng rất tốn chi phí. Riêng về việc tách phần giải phóng mặt bằng thành tiểu dự án riêng thì Bộ GTVT cũng đã làm.
Liên quan đến câu hỏi về chống thất thoát tham nhũng trong ngành GTVT mà ĐB Trường Thị Ánh (TP.HCM) đặt ra, ông Thăng cho biết đây không chỉ là vấn đề của ngành mà còn là vấn đề của cả đất nước.
Ông Thăng cho hay về phần mình, Bộ GTVT kiểm soát chặt mọi nguồn vốn đầu tư từ trung ương đến địa phương; công khai minh bạch các hoạt động của Bộ từ con người, lựa chọn nhà thầu, giám sát; thay thế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Quan trọng nhất là công tác cán bộ, cho nên Bộ tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo như Tổng cục trưởng, Cục trưởng, chọn ra người tài, đức, có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt”, ông Thăng khẳng định.
Theo Thanh Niên