Đu dây qua sông tử vong: Bộ trưởng Thăng cũng "sốt ruột lắm"

Thứ ba, 28/10/2014, 10:07
“Bản thân tôi cũng sốt ruột lắm. Lẽ ra việc làm cầu dân sinh, đường tỉnh lộ thuôc về địa phương. Tuy nhiên, tôi cũng biết địa phương không có tiền” - Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với PV.
Đu dây qua sông tử vong: Bộ trưởng Thăng cũng 'sốt ruột lắm'
Hình ảnh đu dây qua suông rất nguy hiểm.

Sáng 27/10, trao đổi với phóng viên về vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra ở Đắc Lắc khi một người dân đã đu dây qua sông, dẫn tới tử vong ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết chưa nắm được thông tin về việc này.

Khá nôn nóng trước tình trạng này, Bộ trưởng Thăng cho biết, hiện Bộ GTVT đã xây dựng đề án với tổng số 7.500 cầu treo các loại và đã trình Chính phủ. Theo kế hoạch, giai đoạn một của đề án sẽ triển khai 186 cây cầu cấp thiết nhất. Song theo Bộ trưởng Thăng, đến giờ này vẫn chưa được cấp tiền để triển khai.

“Tư lệnh” ngành GTVT phân tích rằng, tại những đoạn qua sông suối mà có người dân đi qua rất cần thiết phải xây dựng những cây cầu qua đó. Mặc dù điều này thuộc về trách nhiệm của địa phương, nhưng Bộ trưởng Thăng cũng chia sẻ vì không có kinh phí thực hiện.

“Bản thân tôi cũng sốt ruột lắm. Lẽ ra việc làm cầu dân sinh, đường tỉnh lộ thuôc về địa phương. Tuy nhiên tôi cũng biết địa phương không có tiền, chính vì vậy Bộ mới chủ động xây dựng đề án và báo Chính phủ để triển khai theo lộ trình, cái nào cần thiết thì làm trước. Tuy nhiên hiện đề án vẫn chưa được phê duyệt”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đã đề nghị Chính phủ cho phép được dùng vốn dư làm đường QL1 để làm cầu, nhưng hiện nay Chính phủ vẫn đang xem xét và chưa được phê duyệt.

Một giải pháp khác, theo Bộ trưởng Thăng, hiện Bộ đang đề nghị các nhà thầu bỏ tiền ra làm trước. Sau đó Bộ sẽ đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng trong tổng số 11.000 tỷ (cho 7.500 cây cầu theo dự kiến) để làm dần.

Trước thực trạng người dân xung quanh khu vực xảy ra tai nạn phải đi qua cầu bằng đu dây, dù đã không ít lần xảy ra tai nạn, Bộ trưởng Thăng cho biết, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo việc đi lại của người dân trong vùng khi chưa có cầu. Qua đó địa phương có thể bố trí các phương tiện như thuyền bè, áo phao, bến bãi…hoặc yêu cầu người dân chịu khó đi vòng, xa hơn một chút nhưng sẽ an toàn hơn.

Trước đó như báo chí đưa tin, ngày 26/10 tại thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc), ông Nguyễn Chua  (51 tuổi) đã dùng ròng rọc đu trên dây cáp bắc qua sông Krông Ana – đoạn giáp ranh giữa xã Hòa Lễ (Krông Bông) và xã Ea Yiêng ( Krông Pắk) để đi làm rẫy.

Trong lúc đu cáp để sang sông, không may bánh xe của ròng rọc bị trượt khỏi dây cáp. Sự cố khiến ông Chua rơi xuống mép sông. Nhiều người dân cùng đu ròng rọc tại đây đã nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng ông Chua đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn