Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời phỏng vấn - Ảnh: Ngọc Thắng |
Dự thảo Luật Căn cước công dân quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em từ khi mới sinh ra, còn dự thảo Luật hộ tịch quy định cấp giấy khai sinh. Tại sao lại có sự khác nhau này thưa Bộ trưởng?
Hai dự luật giống nhau ở chỗ đều quy định bảo đảm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em. Quan điểm của Chính phủ là đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý hộ tịch theo hướng cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi sinh ra. Có mấy căn cứ như sau: Thứ nhất, cấp giấy khai sinh để chứng nhận sự kiện ra đời của trẻ em có thể công dân VN hoặc người nước ngoài sinh ra tại VN, là thông lệ quốc tế rồi. Hầu hết các nước duy trì cấp giấy khai sinh cho trẻ em. Với VN cũng trở thành truyền thống.
Thứ hai, giấy khai sinh có giá trị toàn cầu, mang giấy đó ra nước ngoài vẫn có giá trị chứng minh sự kiện sinh đó, ngày tháng đó, bố mẹ… còn Căn cước công dân không có giá trị toàn cầu, chỉ có giá trị với công dân VN ở trong nước, là giấy thông hành phục vụ việc đi lại trong nước. Dự thảo mở ra hướng sau này có cộng đồng ASEAN hoặc liên minh đi lại, có thể sử dụng trong các nước có cam kết như vậy. Căn cước công dân không thể hiện nhận dạng trẻ em trước đủ 14 tuổi.
Làm thế nào để giấy khai sinh không trở thành một thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân?
Thực ra giấy khai sinh cho trẻ em đến trước khi đủ 14 tuổi là giấy thông hành, không ai yêu cầu cái gì khác ngoài giấy khai sinh đó. Vấn đề ở chỗ sau này đủ 18, có thẻ Căn cước công dân ghi ngày tháng năm sinh, quê quán… tất cả mọi thứ rồi thì pháp luật không nên quy định đã trình thẻ Căn cước công dân rồi lại trình bản sao giấy khai sinh nữa. Đề án 896 của Chính phủ cũng quy định theo hướng như vậy.
Đấy là nói cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới. Còn hiện nay ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thống nhất, thành ra có rất nhiều sự trùng dẫm trong yêu cầu về thủ tục hành chính, bắt người dân phải kê khai những cái rất sơ đẳng, tối thiểu, mà lẽ ra nếu có cơ sở dữ liệu, người ta đã tự cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền rồi, người dân không phải khai nữa.
Đây sẽ là hai tệp thông tin khác nhau thì ai quản lý? Nếu người dân muốn cải chính hộ tịch thì đăng ký với cơ quan nào và thông tin đó có được tự động chuyển sang cơ quan kia không?
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ đã giao Bộ Công an quản lý. Từ đó, trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng phân nhánh ra, đâu là cơ sở dữ liệu về công dân chẳng hạn về dấu vân tay, nhóm máu… sau này sẽ có, chẳng hạn như thế. Nó sẽ phát triển ra nhánh ở bên Bộ Tư pháp là cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp đối với những người có bản án, đã phạm tội, ví dụ như thế chẳng hạn.
Nhưng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch ghi nhận tất cả những biến động về hộ tịch của một người nên nếu muốn cải chính hộ tịch thì phải đến cơ quan hộ tịch làm. Khi họ làm xong thì trên giấy tờ cơ sở dữ liệu có hai loại: một loại là sổ gốc thì được ghi bằng chữ, thứ hai ghi xong có trách nhiệm đưa lên cơ sở dữ liệu điện tử, tự động cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về sự thay đổi đó.
Theo Thanh Niên