Ông Tập Cận Bình là người nêu khái niệm “Châu Á của người châu Á” - Ảnh: Reuters |
Chúng tôi xin giới thiệu bài bình luận chuyên sâu độc quyền của Giáo sư Minxin Pei, chuyên gia hàng đầu về châu Á và quan hệ Mỹ - Trung:
Phân biệt lối nói hoa mỹ kiểu ngoại giao với chính sách thật chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là với một nước mà lời nói thường không đi đôi với việc làm như Trung Quốc. Do đó, cần phải đặt câu hỏi liệu khẩu hiệu mới nhất của các quan chức nước này - “Châu Á của người châu Á” - là cách nói mang đậm tính chủ nghĩa dân tộc để dùng trong nước hay là dấu hiệu của sự thay đổi chính sách thật sự.
Nhằm vào Mỹ?
Khẩu hiệu “Châu Á của người châu Á” lần đầu tiên được nhắc đến trong phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị quốc tế hồi tháng 5. Trong đó, ông Tập phác thảo tầm nhìn của nước này cho một trật tự khu vực mới do người châu Á phụ trách. Theo ông Tập, về cơ bản, “người châu Á sẽ tự điều hành công việc của châu Á, giải quyết các vấn đề của châu Á và duy trì an ninh của khu vực châu Á”.
Dĩ nhiên tầm nhìn này đòi hỏi một cuộc cải tổ lớn về cấu trúc an ninh châu Á, với vai trò của Mỹ giảm đi đáng kể. Trong phát biểu trên, Chủ tịch Tập đã ngầm chỉ trích cấu trúc an ninh do Mỹ cầm trịch hiện nay là “sa lầy trong Chiến tranh lạnh” với “liên minh quân sự nhằm vào bên thứ ba không có lợi cho việc duy trì an ninh chung”. Từ đó đến nay, giới chức và truyền thông Trung Quốc liên tục nhắc lại “Châu Á của người châu Á” với các lập luận tương tự.
Trung Quốc đang phát triển mạnh quân đội - Ảnh: Reuters |
Thoạt nhìn, tầm nhìn này có vẻ hoàn toàn hợp lý. Mọi quốc gia đều muốn điều hành các vấn đề trong nước và khu vực mà không có sự can thiệp của bên ngoài. Nhưng tuyên bố của ông Tập đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng trong suy nghĩ lâu nay của Trung Quốc về sự hiện diện của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Kể từ khi hai nước tái lập quan hệ cách đây bốn thập niên, Trung Quốc vẫn duy trì thái độ nhập nhằng về vai trò của Mỹ trong khu vực. Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, sự hiện diện của Mỹ giúp đối kháng Liên Xô (sau này là Nga), ngăn cản Nhật Bản tái vũ trang và bảo vệ các tuyến đường biển. Họ cũng công nhận chưa đủ sức mạnh để thách thức trật tự hiện nay hoặc đề ra một cơ chế an ninh khác khả thi hơn. Tuy nhiên, điều này có thể đang thay đổi.
Bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng thay đổi trật tự hiện tại nằm ở lĩnh vực kinh tế. Đáng chú ý nhất, Trung Quốc đã bỏ ra hàng chục tỷ USD cho các thiết chế phát triển mới như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á và Quỹ con đường tơ lụa mới. Đây quả là thách thức đối với các thể chế do phương Tây chi phối hiện nay.
Quan ngại an ninh
Kinh tế là vậy nhưng về an ninh, Trung Quốc chưa có bước tiến lớn trong việc quảng bá tầm nhìn “Châu Á của người châu Á”, xuất phát từ thái độ cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền với các nước trong khu vực.
Thật vậy, sau một thời gian dài với các chuyển động quân sự ngày càng mang tính thể hiện sức mạnh ở các khu vực tranh chấp, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay trong khi các nước Đông Nam Á ngày càng tỏ thái độ chào đón sự trở lại của Mỹ.
"Các lãnh đạo Trung Quốc cần quên khái niệm "Châu Á của người châu Á" một lần và mãi mãi" - Ảnh: AFP |
Đằng sau khẩu hiệu “Châu Á của người châu Á” có thể là niềm tin của một số nhà chiến lược ở Bắc Kinh rằng Mỹ đang dùng các đồng minh và đối tác trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc. Nếu quan điểm này chiếm ưu thế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đi đến kết luận nguy hiểm là sự hiện diện về an ninh của Mỹ ở châu Á đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Trung Quốc và cần phải loại bỏ.
Đây có thể là sai lầm chiến lược nghiêm trọng do hiểu sai cơ bản các động lực an ninh châu Á. Hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc, thậm chí cả CHDCND Triều Tiên, đều e ngại một thế lực bá quyền trong khu vực và nguy cơ “Châu Á của người châu Á” trở thành “châu Á của người Trung Quốc”.
Một lý do khác xuất phát từ lịch sử khiến “Châu Á của người châu Á”, dù có là khẩu hiệu suông đi nữa, gây quan ngại. Trong những năm 1930, giới quân phiệt Nhật Bản đã dùng ý tưởng về “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á” để làm vỏ bọc cho tham vọng của họ. Khi đó, khẩu hiệu này đã bị nhạo báng ở khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Quốc, bởi tính chất ngạo ngược của nó.
Vì thế, có thể hiểu tại sao khái niệm “Châu Á của người châu Á” đã chịu đón nhận một thái độ lạnh nhạt của các nước trong khu vực thời gian qua. Có lẽ, các lãnh đạo Trung Quốc cần quên khái niệm này đi, một lần và mãi mãi.
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) mang hai quốc tịch Mỹ và Trung Quốc, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Kech tại Đại học Claremont McKenna (bang California, Mỹ). Ông lấy bằng tiến sĩ chính trị học tại Đại học Harvard và được đánh giá là tiếng nói hàng đầu về các vấn đề chính trị, an ninh châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ Mỹ - châu Á. Các bình luận, ý kiến của ông thường xuyên xuất hiện trên các cơ quan truyền thông và chuyên trang lớn như The New York Times, Foreign Policy, China Today, The Diplomat, CNN... Năm 2008, ông được tạp chí Prospect (Anh) đưa vào danh sách “100 nhà trí thức của công chúng”. |
Minxin Pei
(Tiến sĩ chính trị học, ĐH Harvard)
Theo Thanh Niên