Truyền thuyết xây dựng cả ba nhân vật (hai ông một bà) gặp hoàn cảnh hết sức trớ trêu nhưng họ đều giữ vẹn nghĩa tình chồng vợ! Thượng đế cảm kích, phân công cả ba coi việc bếp núc từng nhà dưới thế gian và dặn phải ghi chép đầy đủ diễn biến của mỗi gia đình, đến ngày 23 tháng Chạp thì về trời dự họp lệ hàng năm, báo cáo trung thực lên hội nghị “Thiên Tào phán sự”.
Theo đó, Táo gồm hai ông một bà nhưng thường được gọi gộp làm một là “Ông Táo”. Nhân thấy bếp nấu là cái cà ràn (bếp lò) có ba mỏm kê theo thế chân vạc để kê nồi nấu thức ăn, nên dân gian đặt ra sự tích khá ly kỳ để tạo dựng thần tích.
Do đã hóa thân thành vật có ba cái mỏm đóng đầy khói bếp đen thủi đen thui nên để giúp Táo phần nào bảnh bao trong chuyến về thượng giới phó hội, người ta đến hàng vàng mã mua ba chiếc áo dài để thay cho Táo (không mua quần, cho rằng do áo đã dài đủ che thân), hai cái mũ nam, một cái mũ nữ và một hoặc ba con cá chép (dùng cho Táo cưỡi – cá chép sẽ “vượt vũ môn” hóa thành rồng bay về Trời).
Để ám chỉ việc này dân gian có đặt câu đố vui: “Thiếp hỏi chàng ông gì chết không chôn. Đem gởi cây cao bóng mát, chuột với chồn không ăn?)”. Đồng thời, ngày ấy người ta cũng bày cỗ bàn khá tươm tất, thịnh soạn – có ý lấy lòng Táo. Thức cúng, ngoài hương đăng trà quả và rượu, không thể thiếu món gà luộc (làm sạch, để nguyên con tréo cánh, thả vô nồi cháo, chín vớt ra cúng). Chủ hộ thắp nhang, đứng trước linh tọa nghiêm cẩn nguyện cầu.
Táo trong tranh dân gian Trung Quốc (Trái ảnh) và Táo trong tranh dân gian Việt Nam. (Nguồn: Internet)
Hà tiện đến vậy thì quả là quá đáng! Nhưng được cái là Táo không buồn, không những không đòi quần mà cũng chẳng trách, còn bào chữa cho kẻ vô tình là khác. Thơ xưa có bài:
Năm ba ông Táo dạo chơi xuân,
Đội mũ mang hia chẳng mặc quần.
Thượng đế hỏi rằng: “Sao chướng vậy?”
Táo rằng: “Hạ giới nó duy tân!”.
Cúng tiễn Táo quân đại thể đâu đâu cũng như thế, duy ở Hà Tiên, có một trường hợp hết sức cảm động!
Chuyện kể rằng, có một chàng thư sinh nọ, đến ngày đưa Táo về trời nghèo đến nỗi không có tiền mua sắm lễ vật, thay vì chung trà nóng, chàng ta phải múc gáo nước lã và vào bếp lấy ra một que củi khói, gác ngang lên bàn, rồi đem bài thơ tứ tuyệt vừa làm xong đốt đi sau khi đã khấn, được thi sĩ Đông Hồ có dịch ra văn vần, dôi khổ:
Nước lã một gáo, củi khói một que,
Táo quân lên đó nói cho nghe Ngọc hoàng.
Trời mà phán hỏi chuyện nhân gian,
Tâu rằng: Muôn việc nhân gian,
Chỉ có tiền bạc là hơn nhất đời.
Hiện nay ở nông thôn nhiều nơi vẫn còn giữ cổ lệ, đáo hạn vẫn cúng Hăm ba tháng Chạp Táo quân về trời rất đàng hoàng, thành kính. Sở dĩ cúng thống nhất ngày hăm ba vì xem như đó là ngày “hội nghị tổng kết năm” của thượng giới, cũng có ý tạo điều kiện cho Táo quân tranh thủ, kịp trở về thế gian ăn Tết với gia đình, vui xuân đoàn tụ.
Cổ lệ này cũng giống như lễ tảo mộ ông bà cũng vào tháng Chạp, khoảng từ ngày rằm đến ngày hai mươi, trễ lắm thì cũng hăm mốt, hăm hai. Mồ mả nào ngày hăm ba vẫn không thấy con cháu hoặc người thân đến thăm viếng, sửa sang thì chủ đất, hoặc những người trong xóm sửa sang giùm, gọi “giẫy mả thí”. Họ làm rất đàng hoàng, chu đáo.
Chiếc cà ràn nguyên thủy - Ông Táo. (Nguồn: Internet)
Về cúng kiến, người Tây Nam Bộ không tổ chức ăn nhậu vui vẻ (thụ lộc) sau khi lễ tại mồ mả, vì hiểu ông bà của mình không hề nằm lạnh lẽo ngoài đồng, mà vẫn ở trong nhà với con cháu, ngay trên bàn thờ – một trong những cách suy nghĩ hết sức độc đáo!
Đặc biệt, một số gia đình theo đạo Phật ở vùng Tây Nam Bộ không làm gà cúng đưa Ông Táo nữa, cho rằng như thế là sát sanh, thay vào đó bà con sáng tạo món cá lóc nướng trui, vẫn thịnh soạn, vừa ngon thơm vừa nhắc nhớ thần tích “hai ông một bà” ôm nhau chết cháy trong đống rơm nhưng vẹn nghĩa vẹn tình như đã có nói ở trên.
Cũng vậy, việc xây dựng truyền thuyết về thần Bếp là Táo Việt chứ không trùng lắp với Táo trong dân gian Trung Quốc.
Theo Dân Việt