Đền Bà Chúa Kho (khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) từ xưa đã nổi tiếng là ngôi đền được nhiều người trong giới kinh doanh buốn bán tìm đến “vay vốn”.
Vào mỗi dịp đầu năm âm lịch, dòng người đổ về đền Bà Chúa Kho nườm nượp. Bắt đầu kéo dài từ Quốc lộ 1A, từng đoàn xe với biển số từ khắp các tỉnh thành nối đuôi nhau chầm chậm nhích về khu vực Đền để sắp lễ, dâng hương.
Nhưng nghịch cảnh là nếu như đầu năm có hàng vạn người chen lấn lẫn nhau để được vào lễ trong đền thì cuối năm lại thưa bóng người. Vì vậy mà đội ngũ làm dịch vụ chỉ biết ngồi nhìn nhau và “đuổi ruồi”, níu kéo bằng được khách đến đền sử dụng dịch vụ của họ.
Quang cảnh chen chúc đi lễ, xin lộc, "vay vốn" đầu năm ở đền Bà Chúa Kho.
Anh Nguyễn Thành Long – hiện đang là chủ của một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Hà Nội chia sẻ: “Năm nào đầu năm cả gia đình tôi cũng đều về đền Bà Chúa Kho để kêu cầu, xin Bà phù hộ độ trì cho vay vốn làm ăn và năm nào được lộc thì cuối lại đi lễ tạ. Vay Bà tiền âm, nhưng chúng tôi được lộc tiền dương, cuối năm lại đi trả Bà tiền âm, làm ăn được thì chúng tôi trả gấp 3, gấp 5 thậm chí là gấp 10 so với vốn vay Bà ban đầu”.
Không biết cái việc “vay vốn” của Bà Chúa Kho để làm ăn “có lộc” như anh Long đúng hay không, nhưng dưới góc độ là nhà nghiên cứu tín ngưỡng văn hóa dân gian lâu năm, GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng: Đó là tự do tín ngưỡng của mỗi con người và khi họ tin vào vấn đề tâm linh thì họ sẽ thành tâm cầu nguyện xin cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến với họ và người thân của họ.
Còn về vấn đề tại sao đầu năm người dân đến đền Bà Chúa Kho đông đúc bao nhiêu thì cuối năm lại vắng vẻ bấy nhiêu, Giáo sư Ngô Đức Thịnh nói: “Không phải ai đến Bà Chúa Kho cũng là đi “vay vốn” để làm ăn, có người họ thành tâm đi lễ xin sức khỏe, cầu bình an”.
Theo quan niệm "đầu năm vay, cuối năm trả" nhưng đã giáp Tết, đền Bà Chúa Kho vẫn vắng tanh người đến "trả".
Theo GS Ngô Đức Thịnh: “Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận đó là có nhiều người đi lễ để tỏ lòng thành kính, tôn nghiêm lễ Phật, nhưng cũng có người đi lễ muốn thể hiện, phô trương sự giàu có của mình, cụ thể là lên đền, chùa mang nhiều tiền lẻ hơn, nhiều lễ vật hơn. Nhưng chúng ta phải nhớ một điều rằng, khi chúng ta đi lễ Phật là do tâm chúng ta nhất nhất theo Phật và ta tin vào Phật chứ không phải cứ phô trương lễ vật là chúng ta thành tâm”.
Ông Lê Viết Nga - Nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng Bắc Ninh vẫn còn thắc mắc: “Tại sao người dân lại về vay tiền ở đền Bà Chúa Kho nhiều đến thế! Không có tài liệu sử nào chứng minh là có một Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh cả? Các nhà nghiên cứu của chúng tôi đang nghiêng theo giả thiết: Đền thờ tại Vũ Ninh là thờ Bà Chúa nghề gốm (quê gốm Thổ Hà) đặt trên núi Kho: Gọi là núi Kho vì vùng ấy hay lũ lụt, mỗi lần lũ lụt, người dân đều mang của cải cất giấu trên ngọn núi này!”.
GS Ngô Đức Thịnh: Không phải ai đến Bà Chúa Kho cũng là đi “vay vốn” để làm ăn.
Còn ông Nguyễn Văn Dự, Ban quản lý Di tích đền Bà Chúa Kho cũng đưa ra quan điểm: Con người có tướng, có số, vũ trụ quay vòng, cây cỏ mùa xuân đâm chồi, nảy lộc, thu và đông kết trái. Con người có nghị lực, lại đến vận thì ắt làm ăn được. Nếu chỉ cầu xin mà giàu, thì cả nước đã đổ về ngôi đền này rồi. Cứ mỗi dịp đầu năm, người đến xin lộc, “vay vốn” rất đông, nhưng đến dịp cuối năm là đi “trả vốn” nhưng lượng khách về đền không bằng 1/10. Chỉ cần nhìn điều đó, cũng có thể nhận thấy rằng, không có nhiều người vay vốn của Bà Chúa Kho mà thành công trong việc kinh doanh.
Theo Gia đình