Năm nay, các điểm đổi tiền lẻ tại lễ hội, đình chùa sẽ bị siết chặt. Ảnh: TL
Nhiều giải pháp quyết liệt
Ngay từ những ngày đầu năm 2015, Bộ VH, TT&DL đã thành lập các đoàn công tác, kiểm tra công tác tổ chức ở các địa phương có nhiều lễ hội. Làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã kiểm tra thực tế tại khu di tích lịch sử Yên Tử, đền Cửa Ông.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái yêu cầu, trong mùa lễ hội 2015, chính quyền địa phương và ban quản lý các khu di tích cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn hoá trong lễ hội; đưa ra các giải pháp dự phòng về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm vào ngày chính hội; không đặt quá nhiều ban thờ, hòm công đức làm sai lệch ý nghĩa, giá trị của di tích; phải quản lý và xử lý nghiêm các hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ...
Đây cũng là tinh thần chỉ đạo chung được quán triệt đến tất cả các địa phương trong mùa lễ hội. Đặc biệt là những nơi có đền, chùa nổi tiếng với lượng du khách đông nhất nước, như chùa Yên Tử, chùa Hương, đền Bà Chúa Kho...
Nhiều giải pháp quyết liệt đã được các địa phương áp dụng nhằm chấn chỉnh các bất cập của mùa trước. Bị phàn nàn nhiều nhất là dịch vụ ăn uống thịt thú rừng được dựng lên ngay trong các nơi thờ tự, gây phản cảm và mất đi không khí linh thiêng của lễ hội.
Chính vì vậy mà năm nay, hệ thống hàng quán phía Đông chùa Hoa Yên (Yên Tử) đã được tháo dỡ và di dời đến nơi phù hợp. Tại đền Cửa Ông, 45 hộ dân và 3 kiốt hàng quán nằm trong vùng lõi di tích đang được tiến hành giải toả, di dời.
“Điểm nóng” ở lễ hội chùa Hương là các điểm bán thịt thú rừng, năm nay được ban quản lý tỏ ra khá quyết liệt. Lãnh đạo huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, sẽ kiên quyết không để các hộ kinh doanh bày bán, treo móc thịt động vật ở khu vực ăn uống trước chùa Thiên Trù; chỉ được quảng cáo sản phẩm khi đã sơ chế, bày trong tủ kính.
Đồng thời, yêu cầu các hộ không được tổ chức kinh doanh karaoke, ca nhạc trong khu vực chùa Thiên Trù; không được mở loa đài quảng cáo bán hàng quá to; không tổ chức trò chơi có hình thức cá cược; không bán các loại văn hóa phẩm mê tín dị đoan...
Với “vấn nạn” đổi tiền lẻ, Ban quản lý chùa Hương sẽ tiếp tục siết chặt hơn, đồng thời quan tâm vận động các hộ không tham gia đổi tiền lẻ cho du khách. Tuy nhiên, chỉ đạo và kế hoạch là một chuyện, việc có thực hiện được triệt để hay không thì còn phải cần chờ đến mùa lễ hội mới được kiểm chứng.
Từ nhiều năm nay, các địa phương hứa cứ hứa, quyết tâm cứ quyết tâm nhưng các “vấn nạn” đã trở thành “thông lệ”, như: Chặt chém, nâng giá, tổ chức lộn xộn, ăn xin, bói toán đầy đường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm... Khi được phản ánh thì ban quản lý lại đổ cho “ý thức người dân kém”, “bất lực vì lực lượng quá mỏng”...
Không khó, nếu nhà chùa tuyên truyền tích cực
Theo Hòa thượng Thích Tịnh Giác (chùa Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội), cũng là người Việt, nhưng tại sao người Việt ở nước ngoài thể hiện tín ngưỡng lại rất trật tự, đúng với tinh thần của Phật giáo, còn người Việt trong nước thì chưa làm được? Đó là do cách quản lý và tuyên truyền có sự khác nhau, thiếu triệt để.
Hòa thượng Thích Tịnh Giác nói: “Nếu đến các ngôi chùa của người Việt ở nước ngoài sẽ thấy, rất hiếm khi có cảnh người dân đến chùa mà mang theo hương hoa, lễ lạt vì tất cả những thứ đó đều được nhà chùa chuẩn bị. Thế nên không có những cảnh khói hương nghi ngút đến ngạt thở, tro vàng bay tứ tung trong khuôn viên thanh tịnh của nhà chùa.
Riêng chuyện “tiền giọt dầu” thì tuyệt đối không có. Mỗi ngôi chùa chỉ được để 1-2 thùng công đức. Người dân đến chùa phát nguyện thì bỏ vào thùng. Họ không có khái niệm “tiền giọt dầu” nên các ngôi chùa đều không có đĩa hứng tiền và cũng không ai làm như thế.
Hình ảnh đó không được đẹp mắt và không đúng với tinh thần Phật giáo. Nhà chùa là nơi tu tập, không có nhiều nhu cầu vật chất, ăn chay, ở tại chùa, tiền chỉ dành để xây dựng, tu sửa hoặc làm từ thiện nên cũng không để quá nhiều hòm công đức làm gì”.
Cũng theo Hòa thượng Thích Tịnh Giác: “Việc tuyên truyền để người dân không để “tiền giọt dầu” lên các ban thờ, tượng Phật cũng không quá khó, bởi người dân đâu chỉ đi lễ chùa duy nhất một lần vào đầu năm để nói là “thiếu ý thức”.
Tín ngưỡng đến đình, chùa, miếu phủ để cầu an được duy trì hàng tháng và đó là cơ hội để các nơi thờ tự tuyên truyền cho người dân nghiêm túc thực hiện. Người dân luôn tôn trọng các lời giáo huấn, chỉ dạy của nhà chùa nên việc tuyên truyền này càng có ý nghĩa. Thậm chí còn được “thấm” nhanh hơn là các văn bản của các cơ quan quản lý và truyền thông”.
Câu hỏi đặt ra là, vậy các nơi thờ tự đã làm hết vai trò của mình trong việc thực hiện nghiêm các thông tư hướng dẫn của Bộ VH, TT&DL hay chưa? Theo quan sát của chúng tôi, hiện các nơi thờ tự mới chỉ làm rốt ráo việc yêu cầu người hành lễ không được thắp hương, hoặc chỉ thắp một nén duy nhất; không được thắp ở trong gian chính điện, chỉ được thắp ở ngoài sân chùa.
Nhưng khi người hành lễ đặt “tiền giọt dầu” thì không có người nhắc, dù mỗi gian thờ đều cử người trông coi, quan sát. Các biển báo nhắc nhở “không đặt tiền giọt dầu” cũng được rất ít ngôi chùa thực hiện để hướng dẫn người dân. Nếu như việc không thắp và hạn chế thắp hương đã thực hiện được ở một số nơi thờ tự lớn ở Hà Nội như chùa Hà, Phủ Tây Hồ, chùa Phúc Khánh... thì việc cấm đặt “tiền giọt dầu” cũng không quá khó, nếu được các ban quản lý tuyên truyền nghiêm túc.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép kinh doanh tiền, trong đó có hoạt động đổi tiền lẻ. Theo đó, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều “rao vặt” đổi tiền lẻ khá công khai, như: “Đổi tiền lẻ rẻ nhất Hà Nội”, hay “Đổi tiền lẻ ship (giao) tận nơi”...
Họ còn cung cấp cả số điện thoại để người có nhu cầu liên lạc kèm lời cam kết: Giá đổi tốt nhất. Hầu như tất cả các địa chỉ đổi tiền trên mạng đều khẳng định có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng về số lượng cũng như các mệnh giá: 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng…
Theo Gia đình