Anh Sáu Thu với cây mai từ thuở lập nghiệp. Ảnh: Q.Đ
Rộn ràng tỉa lá, chăm cây
Ghé vào vườn bà Phạm Thị Hai (55 tuổi), quang cảnh nhộn nhịp với hàng chục công nhân đang chuẩn bị cho mai ra chợ hoa Tết. Bà Hai cười tươi: “Tui trước đây trồng lúa, vườn nhà có khoảng 5 công (5.000m2), thấy không hiệu quả nên chuyển qua trồng mai. Đã 5-6 mùa rồi, có mùa mưa nghịch, làm mai nở bung hết, coi như là đứt vốn nhưng 2-3 năm nay, trời đất… vui vẻ nên trồng mai cũng có cái ăn khi ra Giêng”.
Theo bà Hai, vì nhà vườn của mình xuất bán mai gốc, thương lái đặt hàng cứ đến ngày hẹn là đến nhổ mai để bán nên bà phải cho tuốt lá sớm để mai có sức mà ra nụ. Mỗi công tuốt lá, làm theo đúng 8 tiếng là bà trả 150.000 đồng. Vườn nhà bà Hai có trên dưới ngàn gốc mai, mỗi gốc bán trung bình khoảng 200.000 đồng và hiện đã được thương lái đặt hàng gần hết.
Còn theo anh Sáu Thu, vườn của anh là vườn rộng nhất nhì khu làng mai Thủ Đức này với hơn 8.000m2, trồng được trên dưới 4.000 gốc mai. Thời điểm mà anh Sáu Thu cho là thuận lợi nhất để mướn nhân công tuốt lá là từ ngày 14 - 16 tháng Chạp, không để ra quá ngày 17 tháng Chạp vì mai không bung hết hoa vào dịp Tết, mất giá thấy rõ.
Vườn nhà anh Sáu Thu cũng xuất mai gốc, không đưa ra chậu vì mất công quá nhiều. Cả vườn mai rộng lớn như thế mà chỉ có hai vợ chồng anh hì hụi chăm bón, vô phân, rẫy cỏ quanh năm. Chỉ vào những ngày cận Tết, vườn nhà anh mới thuê nhân công để tuốt lá mà thôi.
Vườn anh Sáu Thu có những gốc mai giá cả chục triệu đồng nhưng tính trung bình thì chỉ khoảng trên dưới 200.000 đồng/gốc. Đó là giá chung mà thương lái trả cho các nhà vườn ở đây.
Nói về chuyện cho thuê mai, anh Sáu Thu chỉ cho thuê những gốc mai đẹp và dành cho bạn bè, người thân mà thôi. Khách hàng là các khách sạn, doanh nghiệp cũng đã đến “nghía” những gốc mai “độc” của vườn nhà anh để thuê nhưng chỉ nhận những cái lắc đầu của anh.
“Mình sợ họ làm hư mai của mình. Sau này chăm, dưỡng, phục hồi lại rất khó…”, anh Sáu Thu nói lý do.
Tại vườn nhà mình, vợ chồng anh Sáu Thu giữ lại 4 gốc mai cổ thụ, có tuổi trên dưới 20 năm mà “giá nào tôi cũng không bán”.
“Đó là những gốc mai đã cùng vợ chồng gây dựng sự nghiệp. Nhà tôi coi như là kỷ vật nên không thể nào bán được”, anh Sáu Thu tâm tình.
Khác những vườn mai trên, vườn mai của anh Tư Địa lại chuyên mai trồng chậu. Đến thời điểm này, hàng trăm chậu mai của anh Tư Địa đã xếp hàng đợi khách. Nhờ uy tín, anh Tư đã có khách hàng ổn định từ nhiều năm nay, anh không lo mất mối.
Chơi mai ghép nổi tiếng nhất là nghệ nhân Năm Đông (tên thật là Nguyễn Văn Đông, ở khu phố 7, phường Linh Đông, quận Thủ Đức). Vườn của anh chừng 4.000m2, có khoảng vài ngàn gốc mai, trong đó có trên ngàn gốc đã được chăm bón kỹ càng để tung ra vào chợ hoa Xuân sắp đến. Mai của vườn anh Năm nổi tiếng với các loại thế lạ, hình dáng, bố cục rất mỹ thuật…
Nguy cơ mất nhà, mất mai
Chị Ba Hồng đang nhặt lá cho mai ra hoa.
Ngoài chuyện mong ngóng một mùa mai “ăn” Tết sắp đến, nhìn về tương lai, nhiều chủ vườn mai ở Hiệp Bình Phước đang trĩu nặng một nỗi buồn. Đó là các khu trồng mai đã thành thương hiệu “mai Thủ Đức” đang đối mặt với nguy cơ giải toả.
Hiện các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông… đã áp giá đền bù 3 triệu đồng/m2 tại các khu trồng mai này, bởi nó đã được quy hoạch thành khu dân cư. Đó đây đã làm đường và lác đác có nhà đã được xây lên.
Anh Sáu Thu buồn buồn: “Như vườn nhà tôi, có khoảng 8.000m2, nếu chịu giá đền bù thì sẽ có khoảng 24 tỷ đồng. Nghe như đã là “đại gia” đến nơi, nhưng đây là đất tổ tiên mình đã sống trên trăm năm, mồ mả, nhà thờ dòng họ cũng ở đây”.
Rồi anh Sáu Thu chỉ cái cổng, cái mái nhà thờ họ của mình đã hư hỏng và lở lói rất nhiều nhưng không được sửa sang, xây lại vì vướng đất… quy hoạch. Anh Sáu Thu cho biết thêm, nhà anh có 8 anh chị em, số tiền đền bù chia đầy đủ thì mỗi gia đình cũng chỉ được khoảng 3 tỷ đồng.
“Ba tỷ đồng làm sao mua được một căn nhà trong nội thành, chỉ có nước mua nhà chung cư thôi. Mà tôi là nông dân, sống rộng tay, rộng chân quen rồi, chui vô mấy cái nhà như cái hộp thì làm sao… thở nổi”, anh Sáu Thu than.
Bà Hai nhìn mảnh đất của mình rồi thở dài: “Cả nhà tôi là nhà nông, sống với miếng đất này, bây giờ dời đi đâu?”. Cũng vậy, anh Tư Địa hốt hoảng nói: “Cầm cả tỷ đồng về thành phố, nghe sao mà “bảnh” ghê, nhưng biết làm cái gì để sống sau này?”.
Đó cũng là tâm tư trĩu nặng của anh Sáu Thu: “Cả chục đời nhà tôi gắn bó với mảnh vườn, ruộng đất. Giờ tôi là dân thành phố, có nhà chung cư, rồi cả tỷ đồng dư ra gửi ngân hàng. Nhưng tôi biết làm gì để mà sống? Hai đứa con tôi, đứa lớn học đại học, đứa nhỏ mới học lớp 9. Nuôi chúng nó ăn học, tôi đã muốn ngạt thở rồi. Còn vợ chồng tôi chỉ biết làm ruộng, làm vườn, vào thành phố thì biết làm chi? Tiền dư ra chẳng biết để làm gì?”.
Còn anh Tư Địa đang tính sẽ tìm một nhà “đại gia” nào đó để đến làm… chuyên gia chăm sóc cây cảnh, mong tháng kiếm dăm triệu đồng và theo được sở thích cũng như chuyên môn của mình.
Tính “đường cùng” là vậy nhưng ai cũng tiếc nuối với vườn mai nở vàng dịp Tết của mình. Không chỉ họ, hàng ngàn, hàng vạn người dân TP.HCM cũng sẽ tiếc nuối khi mà rất có thể mai đây, những vườn mai này sẽ không còn bóng dáng nữa.
Tết năm nay, anh Năm Đông còn cho ra loại mai… “nghèo”. Loại mai này chỉ cho ra một bông duy nhất, bông này tàn thì ngay lập tức có bông mới trên một cành nhỏ duy nhất, không lớn hơn chiếc đũa, được trồng trong cái chậu nhỏ xíu, tạo rất nhiều mỹ cảm khi được bày trên bàn kính phòng khách.
Theo Gia đình