Chân dung ‘chiến vương’ Jordan thề đưa IS xuống địa ngục

Thứ ba, 10/02/2015, 07:36
Theo hãng tin CNN, sau khi phi công người Jordan Moath al-Kasasbeh bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thiêu sống dã man, vua Abdullah II của nước này đã thề với cha của phi công rằng sẽ nghiền nát IS.

Các lực lượng vũ trang của Jordan tuyên bố: “Các người (IS) sẽ biết người Jordan là ai”.

Lời cảnh báo trên cũng là lời cảnh báo của chính nhà vua Abdullah II, 53 tuổi, một cựu thiếu tướng trong quân đội Jordan.

Trong khi đó, Hoàng hậu Rania đích thân an ủi người vợ của phi công đang đau khổ trước cái chết đau đớn của chồng mình. Hoàng hậu cũng xuống đường biểu tình cùng với hàng nghìn người khác để lên án kẻ đã giết al-Kasasbeh.

saigon, Jordan, nhà vua, Abdullah II, không kích, phiến quân, IS, Hồi giáo
Hoàng hậu Jordan trong cuộc biểu tình phản đối hành động giết phi công al-Kasasbeh của IS.

Cùng với những khẩu hiệu ca ngợi al-Kasasbeh, những người biểu tình còn không quên hô vang: “Đức vua vạn tuế”.

Vua Abdullah II là ai?

Trong những dòng đầu tiên trong phần tiểu sử chính thức, vua Abdullah II là thế hệ thứ 41, là hậu duệ chính thống của Nhà tiên tri Mohammed. Ông bắt đầu lên làm vua Jordan từ tháng 2/1999 sau khi cha ông là vua Hussein qua đời.

Do chủ yếu học tập tại Anh và Mỹ, nên ông Abdullah II được xem là cầu nối giữa các giá trị truyền thống Ả Rập và hiện tượng Tây phương hóa trong thế hệ trẻ Jordan.

Năm 1980, ông theo học tại Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst. Hai năm sau đó, ông hoàn thành khóa học về Trung Đông tại Đại học Pembroke ở Oxford. Đến năm 1987, ông học trường ngoại giao Edmund A. Walsh thuộc Đại học Georgetown tại Washington, Mỹ. Các sắc lệnh của ông thường được viết bằng tiếng Anh thay vì tiếng Ả Rập.

saigon, Jordan, nhà vua, Abdullah II, không kích, phiến quân, IS, Hồi giáo
Vua Abdullah II trong bộ quân phục quân đội thề sẽ nghiền nát IS.

Ngay từ khi còn là một hoàng tử trẻ tuổi, ông đã được miêu tả là “người đàn ông của hành động". Ông từng lái máy bay trực thăng và nhảy dù. Ông có niềm đam mê lớn đối với xe hơi và môtô. Ông đã từng vô địch giải Đua xe Quốc gia Jordan.

Trước khi trở thành vua Jordan, ông đã có nhiều năm trải nghiệm trong quân đội. Năm 1993, ông trở thành chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Jordan và được phong quân hàm thiếu tướng năm 1998.

Ông David Schenker, cựu cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cho biết: “Tôi nghĩ Quốc vương Abdullah II thích nhảy dù hơn là tham gia vào các cuộc họp tại Davos với các nhà lãnh đạo giàu có và quyền lực. Ông cảm thấy thoải mái nhất trong môi trường quân đội".

Jordan sẽ trả thù IS ra sao?

Jordan đã tham gia vào cuộc chiến của liên minh do Mỹ dẫn đầu để chống lại IS từ hồi tháng 9/2014, nhưng sau khi vụ phi công al-Kasasbeh bị IS hành hình dã man, nước này đã tuyên bố sẽ trả thù quyết liệt đối với IS. Đúng như tuyên bố, kể từ 5/2, nước này đã tiến hành hàng loạt các cuộc không kích nhằm vào các kho đạn dược và các trại huấn luyện của IS.

Ông Michael Rubin, một cựu quan chức của Lầu Năm Góc cho hay: "Lập trường cứng rắn của nhà vua đang được nhiều người Jordan và cả những người trong bộ tộc Bararsheh (một bộ tộc có tầm ảnh hưởng ở Jordan) ủng hộ”.

saigon, Jordan, nhà vua, Abdullah II, không kích, phiến quân, IS, Hồi giáo
Hình ảnh do quân đội Jordan cung cấp cho thấy hình ảnh trong một cuộc không kích vào vị trí IS tại Syria.

Cách đây vài ngày, thế giới xôn xao với thông tin, đích thân Vua Abdullah sẽ tham gia vào các cuộc không kích chống IS. Hôm 3/5, trang Facebook của Tòa án Hoàng gia Hashemite đã đăng tải một bức ảnh Vua Abdullah II mặc trang phục của phi công và đeo găng tay màu đen. Bức ảnh khiến nhiều người dự đoán rằng ông sẽ đích thân tham gia vào các cuộc không kích.

Bức ảnh có kèm chú thích: "Quốc vương Abdullah II, Chỉ huy Tối cao các Lực lượng Vũ trang Jordan đã rút ngắn chuyến công du tới Mỹ sau cái chết của anh hùng tử vì đạo Moath Al Kasasbeh".

Bức ảnh này đã nhận được 30.000 lượt thích và hơn 3.000 lần lượt chia sẻ.

Rất nhiều người đã để lại những bình luận ca ngợi ông: “Cảm ơn ngài vì đã cho thế giới thấy vẫn còn những nhà lãnh đạo quan tâm đến công dân của mình” hay “Một vị vua vô cùng đáng kính”. Nhiều bình luận còn gọi ông là “Chiến vương”.

Tuy nhiên, sau đó, chính phủ Jordan khẳng định “Chiến vương” sẽ không trực tiếp tham chiến.

Ông Robert Danin, chuyên gia cấp cao thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là một chuyên gia của Bộ Ngoại giao Mỹ về Trung Đông nhận định: "Quốc vương Abdullah II hiểu rõ IS là mối đe dọa đối với Jordan và trật tự trong khu vực Trung Đông. Quốc vương Abdullah rất quyết đoán và hành động nhanh chóng, đầu tiên ông ra lệnh hành quyết hai kẻ khủng bố bị kết án, sau đó tăng cường chiến dịch quân sự chống IS”.

Mặc dù Jordan hiện chỉ đứng thứ 67 trong xếp hạng quân đội hùng mạnh nhất thế giới nhưng theo giới phân tích, nước này vẫn có khả năng áp đảo IS. Lực lượng vũ trang của Jordan hiện có hơn 110.700 binh sĩ chính quy, 65.000 binh sĩ dự bị, 1.321 xe tăng và 4.600 xe bọc thép, 246 máy bay quân sự. Dù là đất nước nhỏ bé với chỉ khoảng 6 triệu dân nhưng nước này đang chi tới 1,5 tỷ USD một năm cho quân đội.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người biểu tình phản đối việc nước này tham gia vào cuộc chiến chống IS vì họ cho rằng sẽ có thêm nhiều người Jordan khác gặp nguy hiểm.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn