Ngày 3/2, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tung lên mạng đoạn video quay cảnh thiêu sống viên phi công người Jordan Moaz al Kasasbeh, thể hiện một mức độ dã man mới của tổ chức khủng bố này, khiến cả đất nước Jordan nổi giận và thề sẽ có những biện pháp trả thù quyết liệt.
Chỉ vài giờ sau khi cảnh tượng Thiếu úy Kasaesbeh bị tưới xăng và thiêu sống trong một chiếc lồng sắt được tung lên mạng, chính phủ Jordan đã nhanh chóng có những biện pháp chuẩn bị trả thù khi tuyên bố sẽ tử hình 6 tù nhân IS mà họ đang giam giữ trong “vài giờ tới”.
Theo các nguồn tin từ thủ đô Amman của Jordan, 6 tù nhân này, trong đó có góa phụ đen người Iraq mà IS từng đòi đổi lấy một con tin người Nhật, sẽ bị xử tử vào rạng sáng ngày 4/2 (theo giờ Jordan).
Ông Mamdouh al Ameri, người phát ngôn chính phủ Jordan tuyên bố: “Trong khi quân đội tưởng niệm người anh hùng liệt sĩ của đất nước, họ nhấn mạnh rằng máu của Kasaesbeh sẽ không đổ xuống vô ích. Biện pháp trả thù của chúng tôi cũng sẽ lớn như những mất mát mà người dân Jordan phải chịu đựng”.
Phi công Jordan bị IS dẫn ra lồng sắt trước khi bị thiêu sống.
Mặc dù chính phủ Jordan chưa đưa ra các biện pháp trả thù cụ thể khác, nhưng nhiều khả năng họ sẽ tăng cường trấn áp các phần tử ủng hộ IS ở trong nước, đồng thời đẩy mạnh các cuộc không kích vào các mục tiêu IS trong chiến dịch do Mỹ đứng đầu.
Viễn cảnh về một cuộc tấn công toàn diện chống IS trong lòng Jordan có thể sẽ gây ra tình trạng bất ổn cho quốc gia vốn vẫn được coi là đứng bên ngoài “vành đai lửa” ở Trung Đông. Mặc dù Trung Đông đã chứng kiến nhiều cuộc chiến trong vài thập kỷ qua, nhưng Jordan hầu như đều đứng ngoài cuộc và không phải chứng kiến tình trạng bạo lực đẫm máu.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng với việc thiêu sống viên phi công Jordan, IS đang thể hiện một mức độ dã man mới nhằm truyền tải một thông điệp, đó là thái độ thù địch công khai hơn với người Jordan, để khẳng định rằng IS là nhóm khủng bố tàn bạo nhất toàn cầu, và để thu hút được nhiều hơn các phần tử cực đoan trên khắp thế giới.
Ông Daniel Benjamin, giám đốc Trung tâm John Sloan Dickey thuộc Đại học Dartmouth, Mỹ nhận định: “IS muốn nói rằng chúng là nhóm khủng bố tàn bạo nhất, đê hèn nhất trên thế giới, nhưng chính điều đó lại khiến các phần tử cực đoan càng thêm háo hức gia nhập tổ chức này”.
Trong đoạn video vừa được tung lên mạng, viên Thiếu úy 26 tuổi Kasaesbeh mặc bộ quần áo tử tù màu cam bị dẫn tới một chiếc lồng sắt. Sau đó, phiến quân tưới xăng lên khắp người anh, rồi châm lửa vào vệt xăng dẫn đến lồng. Kasaesbeh đứng im và cầu nguyện trong lúc ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt bao trùm hết người anh, cho đến khi anh gục xuống.
Thiếu úy Kasaesbeh cầu nguyện trước khi ngọn lửa bùng lên.
Quân đội Jordan tuyên bố đoạn video này được quay cách đây đúng một tháng, đồng nghĩa với việc Kasaesbeh đã bị sát hại vào ngày 3/1. Đó cũng là lý do tại sao IS im lặng một cách bí ẩn trước yêu cầu của Jordan chứng minh Kaseasbeh vẫn còn sống trước khi thực hiện vụ trao đổi con tin cách đây một tuần.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi hành động thiêu sống viên phi công của IS là “một dấu hiệu nữa chứng tỏ bản chất xấu xa và man rợ của tổ chức này”. Từ trước tới nay, IS thường hành quyết con tin bằng hình thức chặt đầu, và hình thức xử tử này cũng được quy định trong luật Hồi giáo. Tuy nhiên, hành động thiêu sống tù binh là rất hiếm và không hề có căn cứ nào trong các điều luật Sharia.
Nhà Trắng cũng ra tuyên bố lên án vụ sát hại viên phi công và khẳng định chính phủ Mỹ “sát cánh cùng với chính phủ và người dân Jordan” sau thảm kịch này.
Ông Zaid Benjamin, chuyên gia theo dõi các hoạt động trên mạng của IS cho rằng thủ đoạn thiêu sống tù binh của IS được lấy “cảm hứng” từ vụ thiêu cháy xác 4 nhà thầu an ninh Mỹ ở thành phố Fallujah của Iraq hồi năm 2004.
Người dân Jordan nổi giận đòi trả thù cho Kasaesbeh.
Vào thời điểm đó, các học giả Hồi giáo chính thống đã lên án hành động này và cho rằng đạo Hồi không cho phép xâm phạm thi thể người chết.
Vụ IS hành quyết phi công Kasaesbeh nhiều khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng trong xã hội Jordan, nơi các bộ tộc có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị của nước này. Gia đình Kasaesbeh đến từ một bộ tộc đầy quyền lực của Jordan và là chỗ dựa về chính trị cho hoàng gia nước này.
Trước đó, gia đình Kasaesbeh đã gây sức ép rất lớn đối với chính phủ Jordan đòi nước này đáp ứng toàn bộ các yêu sách của IS để giải cứu viên thiếu úy bị bắt. Jordan cũng tuyên bố sẵn sàng trao đổi “góa phụ đen” Sajida al Rishawi lấy Kasaesbeh, nhưng các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc khi IS từ chối cung cấp bằng chứng cho thấy viên phi công vẫn còn sống.
Theo Dân Việt