Thành phố Hồ Chí Minh xóa nạn ăn xin trước Tết Ất Mùi

Thứ hai, 19/01/2015, 14:07
Nhằm đảm bảo trật tự xã hội, xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, sạch đẹp, đặc biệt trong dịp lễ Tết và các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2015, TP.HCM đã ban hành Quyết định 49, mạnh tay xóa nạn ăn xin trên địa bàn từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Giảm tình trạng ăn xin

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Để xóa nạn ăn xin trên địa bàn, lần này, TP sẽ làm quyết liệt hơn các lần trước với hướng giải quyết mang tính căn bản, đi vào chiều sâu và bền vững. UBND TP đã ban hành Quyết định 49 về việc quản lý người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú.

Trên cơ sở đó, TP tiếp tục có công văn khẩn gửi các sở - ngành, quận - huyện về tăng cường công tác quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Với những quyết định trên, chắc chắn sẽ giúp TP giảm tình trạng ăn xin, đặc biệt là tình trạng “chăn dắt” ăn xin. Việc làm này còn giúp TP sạch sẽ hơn, văn minh hơn để chuẩn bị đón Tết cổ truyền và các ngày lễ lớn trong năm 2015.

Thành phố Hồ Chí Minh xóa nạn ăn xin trước Tết Ất Mùi 1

Nhiều người ăn xin lang thang chuyển sang bán vé số, bán bánh kẹo, đánh giầy… để qua mắt các cơ quan chức năng.

“Các đối tượng ăn xin, lang thang trên địa bàn TP đa số đến từ các tỉnh, thành khác, vì vậy, UBND TP cũng đã giao cho Sở lao động - Thương binh và Xã hội TP (LĐ TB&XH) chủ trì phân loại, rà soát các đối tượng. Nếu là người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc có dấu hiệu mắc các bệnh này thì đưa về trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần.

Các đối tượng khác đưa về trung tâm xã hội để tiến hành lập hồ sơ phân loại, rà soát đối tượng và xử lý. Các đối tượng có địa chỉ cư trú sẽ đưa về địa phương nơi cư trú hoặc giải quyết hồi gia. Nếu đối tượng là người nước ngoài đi ăn xin sẽ được đưa về nước theo quy định.

Riêng với những người bị đưa vào trung tâm xã hội từ lần thứ hai trở lên trung tâm sẽ tiếp nhận nuôi dưỡng. Tại đây, các đối tượng sẽ được học văn hóa, học nghề và giới thiệu việc làm”, ông Thuận cho biết thêm.

Việc quản lý các đối tượng lang thang, ăn xin không nơi cư trú đã được TP thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, tình trạng “chăn dắt” người ăn xin, lang thang… chỉ giảm mỗi khi TP làm “mạnh tay”. Thông thường, dịp cuối năm, các đối tượng ăn xin tập trung sinh sống, “hành nghề” khá đông ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 1, quận 3, quận 5…

Nhưng hiện nay, khi triển khai áp dụng Quyết định 49, tình trạng người xin ăn lang thang, chăn dắt ăn xin trên địa bàn đã giảm rõ rệt.

Anh Lê Văn Thanh, xe ôm tại khu vực cầu vượt Cái Lái (quận 2) cho biết: "Trước đây, ngày nào tại khu vực này cũng có hai bà cụ già gần 70 tuổi, ăn mặc rách rưới, với vẻ mặt thảm thương, cầm cái nón rách chìa ra đường ăn xin mỗi khi có người qua lại đừng đèn đỏ. Thông thường, hai cụ già này bắt đầu ngồi ở đây từ 15 giờ - 22 giờ mới ra về.

Tuy nhiên, mấy ngày nay tôi không còn thấy hai cụ này nữa vì nghe nói hai cụ được các cơ quan chức năng đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng. Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng làm được như vậy cũng đã giúp các cụ vơi bớt nỗi vất vả cực nhọc khi phải dầm mưa dãi nắng kiếm từng miếng ăn''.

Ngăn chặn biến tướng

Ngay sau khi có quyết định tập trung người lang thang, ăn xin vào các cơ sở xã hội, hiện trên địa bàn TP cũng đã xuất hiện tình trạng người ăn xin “ngụy trang” bằng những công việc khác như: Bán vé số, bán bánh kẹo, hoặc giả dạng ốm đau, không có tiền về quê để xin tiền tại các bến xe, cây xăng… nhằm dễ dàng qua mắt các cơ quan chức năng.

Để kịp thời ngăn chặn các chiêu trò “ngụy trang” của người ăn xin, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ TB&XH TP.HCM) cho biết: Để xác định chính xác là người ăn xin, chúng tôi sẽ tiến hành chụp ảnh để làm căn cứ xác định và nhờ người dân xung quanh làm chứng, nhận diện. Đối với người già, người bị bệnh, băng bó chân tay nằm ngoài đường để tạo cảnh thương tâm nhằm xin tiền thì chính quyền địa phương các quận, huyện sẽ có nhiều cách để xác định có đúng bị bệnh hay không, nếu có bệnh tật sẽ tạo điều kiện cho họ chữa bệnh, còn nếu giả dạng sẽ xử lý theo quy định.

“Trong thời gian tới, để công tác tập trung các đối tượng người lang thang ăn xin đạt hiệu quả, Trung tâm hỗ trợ xã hội sẽ tiếp tục tăng cường khảo sát trên các tuyến đường trọng điểm, khu vực thường xảy ra tình trạng ăn xin. Thiết lập và trực đường dây nóng 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân”, ông Giang cho biết thêm.

Để người lang thang ăn xin về các trung tâm xã hội được chăm sóc tốt nhất về cơ sở vật chất, tinh thần, các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTB&XH TP đều đã được cấp kinh phí để hoạt động. Các trung tâm này cũng đảm bảo đủ sức chứa mà không lo quá tải (mỗi trung tâm có thể chứa khoảng 1.500 người). Hơn nữa, những người được đưa vào trung tâm chỉ được lưu giữ một thời gian nhất định. Trong thời gian này, trung tâm sẽ tích cực liên hệ với các cấp chính quyền để tìm thân nhân đưa họ trở về đoàn tụ gia đình.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH thành phố, mỗi năm Trung tâm hỗ trợ xã hội thuộc Sở tiếp nhận, làm hồ sơ phân loại đối tượng khoảng 2.000 lượt người ăn xin, người sống ở nơi công cộng. Trong đợt cao điểm này, trung tâm đang tiếp nhận hơn 200 người từ các quận, huyện chuyển về.

Ngoài ra, thành phố còn 16 Trung tâm Bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng hơn 6.500 người, trong đó có 6 Trung tâm nuôi dưỡng nhóm đối tượng người cao tuổi, bại liệt, tàn tật, trẻ em, thanh thiếu niên…

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Việc TP đồng loạt đưa người nghiện, người lang thang, trẻ em cơ nhỡ… trên địa bàn 24 quận, huyện về điều trị, an dưỡng tại các cơ sở xã hội là chủ trương nhân đạo, nhằm đem lại bình yên cho nhân dân và ổn định xã hội. Thành phố là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước, chủ trương này còn mang ý nghĩa đối ngoại, tạo bộ mặt văn minh đô thị, đảm bảo sự yên tâm cho du khách quốc tế khi đến với TP.HCM”.

Người dân có lòng hảo tâm giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi… nên đóng góp hỗ trợ thông qua các tổ chức đoàn thể, các tổ chức từ thiện xã hội. Bên cạnh đó, khi phát hiện người ăn xin, người dân có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo trợ xã hội), số điện thoại:  38.292491 (giờ hành chính) hoặc  0903.959929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội, số điện thoại:  35.533258 (24/24 giờ).

Theo Báo Tin tức

Các tin cũ hơn