Tuyển công chức Hà Nội: "Khắt khe” với người ngoại tỉnh vì lý gì?

Thứ hai, 19/01/2015, 13:52
Dù không mới, nhưng việc đưa ra những tiêu chí cao với người không có hộ khẩu Hà Nội như phải là thủ khoa, có bằng tiến sĩ... mới được thi công chức đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Quy định người không có hộ khẩu tại Hà Nội muốn thi công chức phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ theo độ tuồi nhất định nhận được nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa)

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, qua đề xuất của Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã phê duyệt kế hoạch thi tuyển công chức năm 2015 với tổng số 560 chỉ tiêu. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất trong tiêu chí dự tuyển công chức năm nay là thí sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Đối với trường hợp không có hộ khẩu, muốn thi công chức Hà Nội năm nay, người đó phải đáp ứng một trong số các tiêu chí là: Tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; hoặc có bằng tiến sĩ tuổi đời dưới 35 tuổi; hoặc có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30 tuổi.

Quy định này gây hai luồng dư luận: Có người cho việc đưa ra những tiêu chí quá cao như vậy là một hình thức “ngăn sông cấm chợ” đối với người ngoại tỉnh. Mặt khác, việc quy định phải có hộ khẩu rất có thể sẽ tạo ra những tiêu cực “chạy” hộ khẩu Hà Nội, thậm chí “chạy” bằng giả để có đủ điều kiện thi công chức… Ngược lại cũng không ít ý kiến ủng hộ, vì cho rằng, việc đưa ra những tiêu chí cao như vậy là cần thiết, một phần hạn chế việc thi tuyển ồ ạt, mặt khác cũng góp phần để tuyển chọn được những ngưới có năng lực thực sự…

Trao đổi với PV, một lãnh đạo cấp cao của TP Hà Nội cho biết, những quy định cụ thể đối với người không có hộ khẩu Hà Nội phải có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, hay tốt nghiệp thủ khoa trong nước… mới được thi tuyển công chức do Sở Nội vụ xây dựng.

Vị lãnh đạo này cho rằng, từ những tiêu chí ấy, tự mỗi người cũng phải tự giải đáp được vì sao lại như vậy? Bởi nếu không đưa ra những chỉ tiêu đó thì sẽ rất khó kiểm soát. Chẳng hạn một người từ Cà Mau về Hà Nội thi tuyển công chức, vậy người đó ăn ở thế nào, nhà cửa ra làm sao? Trong khi đó, Hà Nội lại đang có bao nhiêu người cũng có nhu cầu tương tự, vì thế phải có sự ưu tiên lựa chọn. Còn nếu lấy lý do “cống hiến”, thì dù ở đâu trên khắp mọi miền của Tổ quốc này đều có thể cống hiến được cho đất nước, chứ không phải cứ làm việc ở Hà Nội mới là cống hiến.

Trong khi đó, trao đổi với PV, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, việc này đã được bản thân ông giải thích nhiều tại các hội nghị. Trước đây, tại một phiên giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Sáng cũng cho rằng, ngay bản thân việc đưa tiêu chí thi tuyển công chức đối với người không có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội cũng cho thấy một thực tế là “thành phố sẵn sàng đón nhận những người tài về phục vụ cho Thủ đô”.

Chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị vừa được tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định những quy định đưa ra đối với người không có hộ khẩu hoàn toàn không mới, đã được Hà Nội áp dụng triển khai từ nhiều năm trước đó.

Về lý do Hà Nội phải đặt ra những tiêu chí như vậy, vì nguồn nhân lực ở thủ đô luôn đòi hỏi phải cao, việc ban hành những tiêu chí đó cũng là cách để thu hút nhân tài về với Hà Nội. Bên cạnh đó ngay bản thân sinh viên học ở Hà Nội ra cũng rất nhiều rồi…

“Từ trước tới nay Hà Nội vẫn làm như thế. Việc đưa ra tiêu chí với người không có hộ khẩu như vậy để có thể tuyển được người thực sự có năng lực, chứ Hà Nội cũng không cấm đoán gì” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích