Ngày 13/3, ông Trần Văn Huỳnh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã hoàn thành 99%. Hiện đơn vị thi công hoàn thiện những bước cuối cùng để khánh thành vào ngày 24/3 nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam.
Tượng đài được xây dựng trên diện tích 15ha, thuộc khu vực núi Cấm, xã Tam Phú (Tam Kỳ). Phần phía trước tượng là quảng trường tiền môn với 30 ngọn đèn đá, tượng trưng cho 30 năm mẹ chờ đợi ngày giải phóng.
Công trình có tổng vốn đầu tư ban đầu 55 tỷ đồng, nhưng trước thời điểm khởi công, dự án đã đội lên 120 tỷ đồng. Năm 2011, tỉnh Quảng Nam ra quyết định bổ sung cho dự án 330 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đầu tư lên 411 tỷ đồng, gấp 5 lần số tiền được phê duyệt ban đầu, nhằm xây dựng công trình quy mô tượng đài lớn nhất Đông Nam Á.
Khối tượng được làm từ đá hoa cương với chiều cao 18,5m, hình cánh cung dài 101m với hình ảnh người mẹ dang tay đón các con vào lòng. Công trình được xây dựng từ 20.000 tấn đá hoa cương vận chuyển từ Bình Định.
Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Mẹ Thứ có 9 người con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ. Đây là công trình văn hóa cấp quốc gia, được chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận.
Quần thể kiến trúc tượng đài còn gồm 8 trụ huyền thoại ngay trước cổng vào, mỗi trụ cao 11,2m; đường kính hơn 1,2m làm bằng đá hoa cương. 8 trụ huyền thoại được trang trí nhằm khắc họa hình ảnh bà mẹ Bắc Bộ hiền lành, phúc hậu; mẹ Trung Bộ tảo tần, nắng mưa, can trường; mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no nhưng vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội; mẹ Nam Bộ kiên trung, bất khuất…
Tượng đài được làm rỗng, bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng có diện tích 400m2, đang được đội ngũ công nhân gấp rút hoàn thành. Sau khi khánh thành, tại đây dự kiến sẽ có bia ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng khắp cả nước.
Sau lưng tượng là "Bảo tàng trong lòng mẹ" diện tích 397m2. Sau khi hoàn thành, nơi này cùng với phần rỗng bên trong khối tượng dự kiến dành để trưng bày, bảo quản hiện vật về các bà mẹ. “Đến giờ vẫn chưa có hiện vật nào để trưng bày vì còn phụ thuộc vào các tỉnh khác có gửi về hay không. Vì thế, sau khi hoàn thành cả 2 khu vực này sẽ đóng cửa, không dành cho khách tham quan”, ông Trần Văn Huỳnh cho biết.
Trong khuôn viên tượng đài có 12 phiến đá đại diện cho 18 địa danh của đất nước, trên đó được khắc 10 đoạn thơ, câu hát nói về mẹ Việt Nam anh hùng nhằm tỏ lòng biết ơn của người dân cả nước dành cho các mẹ. Tuy nhiên, có nhiều lỗi chính tả cùng sai sót khi trích dẫn khiến dư luận xôn xao.
Theo ông Nguyễn Chín, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, quá trình thi công, công nhân đã khắc nhầm và sai sót, như: chữ Trường Sơn được trích dẫn trong thơ không viết hoa; khắc nhầm bài hát Người mẹ Quảng Nam của Doãn Nho thành “bài thơ”. Có một số chỗ thì nhầm dấu hỏi thành dấu ngã… Những sai sót này sẽ được sửa chữa trong thời gian sớm nhất.
Những ngày này, hàng trăm công nhân đang gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Trong đợt kỷ niệm 40 năm giải phóng, tỉnh Quảng Nam còn làm lễ khánh thành các công trình lớn khác, như Quảng trường 24/3, cầu Kỳ Phú 1 và cầu Kỳ Phú 2, nhà khách Quảng Nam.
12 ngôi nhà chờ được xây dựng trong khuôn viên là nơi cho du khách nghỉ ngơi. Quảng Nam là địa phương có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước với 11.234 người.