Mới đây, bài viết là một bức thư xúc động đầy ý nghĩa dành cho con gái với tựa đề "Cho con ngày...nguyệt san" nhân dịp con hỏi: "Bố ơi, tình dục là gì?" của Hoàng Anh Tú đã nhận được đồng cảm của nhiều người, nhất là những bậc làm cha, làm mẹ.
Anh viết:
"Con gái!
Bố có thể có 1 vạn tám nghìn câu chuyện để nói với con về một kỳ kinh nguyệt của phụ nữ! Không phải vì bố đã từng là chị Mạc Thị Tư Khoa phụ trách Chuyện Riêng Tư trên Hoa Học Trò những năm 1999-2000! Nơi đã đăng tải đến cả trăm bài viết về nguyệt san phụ nữ! Nhưng nói thật, bố cũng chẳng ưa gì cái chuyện này! Bố vẫn đùn đẩy mẹ nếu đến một ngày con bắt đầu dậy thì với kỳ kinh nguyệt đầu tiên!
Có lẽ đó là bởi chính những người phụ nữ bố từng yêu đã "dạy" bố về nỗi kinh dị của nguyệt san! Có những người đau đến muốn chết đi được trong những ngày ấy! Có những người cố xua đuổi bố trong những ngày ấy của họ. Và cả sự giấu diếm, xấu hổ trong suốt thời ấu thơ của bố khi chứng kiến bà nội và cô VA mỗi kỳ nguyệt san của họ! Và bố đã bị sợ hãi!
Nhưng chúng ta luôn có vô vàn những câu chuyện khác tích cực hơn về chuyện này. Cho con đọc. Cho con nghe. Cho con hiểu. Như đó là dấu hiệu của Trưởng Thành về thể chất. Như lời chúc mừng con lên level mới: Trở thành Thiếu Nữ và sẵn sàng công việc thiêng liêng mai này: Làm Mẹ! Bố muốn chính mẹ sẽ nói cho con nghe về những điều đó thay vì là bố! Chỉ mẹ mới có thể nói cho con chính xác việc đang xảy ra và việc con cần làm là gì?
Bố chỉ nói cho con về sự trân trọng bản thân. Và nói cho cả anh trai con về điều khác biệt này! Rằng chúng ta không thể được sinh ra nếu không có những giọt máu ấy! Trân trọng và chào đón nó như một lẽ tự nhiên phải tới trong đời! Cái mà ta gọi là "bẩn" chỉ là thứ cần ta vệ sinh sạch sẽ chứ không phải là xấu hổ hay sợ hãi! Không phải ghê tởm hay xua đuổi! Bố muốn con hiểu điều này như một việc hiển nhiên của cuộc đời!
Chúng ta cứ nói với nhau về bình đẳng giới nhưng không phải bằng việc đàn ông đi mua băng vệ sinh cho phụ nữ đâu! Bình đẳng giới thực sự đôi khi chỉ là "những ngày này em mệt và hay cáu gắt, hãy để anh làm giúp em việc nhà và không đổ dầu vào lửa, tranh cãi với em". Là sự HIỂU chứ không cần phải CHỨNG MINH! Là CẢM THÔNG chứ không cần THỂ HIỆN!
Nhân ngày con hỏi bố: Bố ơi, Tình Dục là gì? Nhất thời, và vô thức bố đã nhăn mặt xua tay! Mà quên rằng mình cần phải nói cho con hiểu rằng Tình Dục là món quà tặng cho người con muốn lấy làm chồng! Là dành cho người biết trân trọng giá trị của con! Khi con bước qua tuổi 18, món quà này sẽ dành cho người đàn ông nào yêu con hơn cả bố yêu con!"
Cũng như tâm lý chung của nhiều người làm cha, Hoàng Anh Tú cũng có cái ngần ngại, sửng sốt và "chạy trốn" khi bị con gái nhỏ hỏi một câu hóc búa: "Bố ơi, tình dục là gì?". Anh nhất thời nhăn mặt, xua tay như thể muốn nói: "Con còn nhỏ lắm, quan tâm đến chuyện đó làm gì" hay "Đó là chuyện của người lớn".
Nhưng rồi, bản năng của một người cha trong thời hiện đại - cái thời mà trẻ nhỏ cần hơn bao giờ hết sự quan tâm, chú ý của cha mẹ, thời mọi thắc mắc của chúng có thể sẵn sàng được giải đáp chỉ với một vài cú click chuột, và đương nhiên, thông tin chúng tiếp cận được là đa chiều - đã thúc giục anh cho con một câu trả lời con bằng một bức thư xúc động.
Nhẹ nhàng, sâu lắng và tế nhị, Hoàng Anh Tú đã né tránh khía cạnh nhục cảm và trần trụi về tình dục - điều mà có lẽ một cô bé 8 tuổi chưa và chưa cần để biết - trong bức thư xúc động này anh hướng con đến tình yêu, và trong đó, tình dục là một món quà để trao tặng, và kinh nguyệt là dấu hiệu của việc một cơ thể sẵn sàng thực hiện thiên chức thiêng liêng của mình: làm mẹ.
Anh không "tranh giành" việc giải thích những thay đổi sinh lý của cơ thể con với mẹ, bởi đó là việc của vợ anh, khi "đến một ngày con bắt đầu dậy thì với kỳ kinh nguyệt đầu tiên", mà chỉ cho con những điều tốt đẹp, chuẩn bị cho con tâm lý để tự tin đón nhận một điều đương nhiên. Và cũng tự nhiên như vậy, anh gắn kết thắc mắc của con về một vấn đề cụ thể: tình dục với những vấn đề về thiên chức, về kết quả (hoặc là hậu quả) của tình dục, về giới hạn độ tuổi mà con có thể khám phá vấn đề mà hôm nay, chỉ là một câu hỏi trẻ thơ.
Anh Lưu Thanh cũng bình luận: "Hôm trước bị con trai hỏi mấy "thuật ngữ" tế nhị, mình né luôn, còn nổi cáu với con nữa chứ, vì con trai mình mới 12 tuổi thôi. Thằng bé xịu mặt ra bảo: bố không trả lời thì để con search google vậy. Chẳng biết thằng bé có làm thế thật không, nhưng sau đấy không thấy nó hỏi lại nữa. Tự dưng đọc bài này, mình lại thấy có lỗi với con quá!"
Cháu từng kể với mình những chuyện rùng mình như hồi lớp 6, hai bạn học sinh cùng lớp cháu đã rủ nhau vào nhà vệ sinh để hôn nhau, chuyện các bạn cùng giới tính "khám phá" cơ thể nhau, chuyện các bạn dắt nhau âm thầm đi phá thai... Mình nghĩ, bố mẹ nên là người bạn, trao đổi thẳng thắn và nhẹ nhàng, tâm lý với các con về vấn đề giới tính. Thà vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn để chúng chạy loăng quăng ngoài rừng".
Theo Tri Thức Trẻ