Chủ trương chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh đang nhận được nhiều ý kiến từ phía dư luận (Ảnh: VNN) |
Chiều 17/3, Phó trưởng Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long trao đổi với phóng viên về bức thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn vừa gửi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo xoay quanh chuyện chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh.
Một vấn đề được dư luận quan tâm là vì sao Hà Nội phải thay thế toàn bộ 6.700 cây xanh. Hà Nội sẽ lấy nguồn kinh phí ở đâu để thực hiện? Việc “thay máu” gần như toàn bộ cây xanh đô thị theo kế hoạch có cần xin ý kiến người dân và các nhà khoa học?...
Theo khảo sát của PV Infonet, đến thời điểm này, trên nhiều tuyến phố như Phố Huế, Hàng Bài, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy…các cây xanh hai bên đường đã dần được chặt hạ, thay thế. Cây không còn "đảm bảo tiêu chuẩn", gây mất an toàn và cây phải chặt hạ để phục vụ cho việc triển khai các tuyến đường sắt đô thị là những lý do để Hà Nội thực hiện chủ trương chặt hạ, thay thế trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên về nguồn kinh phí thực hiện để chặt hạ, thay thế cây xanh, Sở Xây dựng – đơn vị trực tiếp nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện cho biết, Sở đề xuất xin nguồn kinh phí từ ngân sách 73 tỷ đồng để thay thế 6.700 cây. Còn lại chủ yếu được huy động bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Về việc này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục dẫn dụ trên đường Nguyễn Chí Thanh, việc thay thế gần 400 cây vàng tâm sẽ được thực hiện xã hội hóa, bằng việc giao cho Công an thành phố và ngân hàng VP Bank triển khai. Chủ trương này đã được thành phố chấp thuận. Hay việc thay thế cây xanh trên tuyến phố Huế, Hàng Bài mới đây cũng được thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Tại nhiều tuyến phố khác tới đây cũng được thực hiện chủ yếu bằng nguồn kinh phí từ phía doanh nghiệp.
Sở Xây dựng cũng khẳng định, việc trồng thay thế lại toàn bộ cây xanh nhằm làm cho các tuyến phố đẹp hơn. Bên cạnh đó, tại mỗi tuyến phố trồng thay thế cây gì, chủng loại ra sao đều có sự tư vấn, khảo sát nghiên cứu kỹ càng trước khi triển khai…
Chiều 17/3, cùng trao đổi với phóng viên về vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm này, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết, vấn đề này đã được đề cập đến nhiều lần trước đây.
Trước một tâm lý băn khoăn chung của người dân khi các cây cổ thụ bị đốn hạ, ông Long lý giải: "Bây giờ chúng ta đang xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Muốn vậy việc trồng cây hai bên đường cũng cần phải theo quy hoạch. Chúng ta phải hy sinh bước đầu, chấp nhận chặt hạ một số cây ở một số tuyến phố. Chuyện này cũng không lạ đối với các nước đô thị phát triển".
Trao đổi với phóng viên về bức thư ngỏ gửi Chủ tịch TP Hà Nội của nhà báo Trần Đăng Tuấn vừa được nhiều tờ báo đăng tải xoay quanh việc chặt hạ 6.700 cây xanh, ông Long cho rằng, có thể những cây cổ thụ dù chưa bị sâu mọt, nhưng vẫn phải thay thế vì các loại cây đó không phù hợp khi trồng ở đô thị.
“Ông Trần Đăng Tuấn cũng là một người dân. Thành phố có cả kế hoạch tổng thể và rất nhiều ban ngành tham gia. Còn cảm nhận của người dân rất có thể có ý kiến đúng sai, nhưng thành phố đã rất công khai minh bạch chuyện đó. Anh cũng chỉ là một người dân. Có thể anh không đồng tình, nhưng bên cạnh đó còn biết bao nhiêu người dân đồng tình thì sao?” – ông Long nêu.
Trao đổi về việc Hà Nội có nên lấy ý kiến người dân về việc này, ông Phan Đăng Long nói: “Chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân? Vậy tôi xin hỏi, đất nước bây giờ động đến cái gì cũng đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì? Bầu ra Chủ tịch, chúng ta phải phải giao trách nhiệm cho ông ấy chứ? Nếu có hỏi thì người này nói một đằng, người kia nói một nẻo thì ông sẽ nghe ai? Ông Tuấn bảo như thế, nhưng khi sang ông khác lại bảo ừ. Vậy bây giờ Chủ tịch nghe ai?”.
Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội lý giải và khẳng định, việc thay thế cây xanh không cần phải hỏi ý kiến người dân, mà đó là trách nhiệm của chính quyền, và việc này vẫn đang được thực hiện rất công khai, minh bạch.
Theo infonet