Năm lớp 10 mê nhạc ngoại, tôi bắn lỗ tai. Chả phải theo đạo nhưng tôi vẫn đeo cái thánh giá tòng teng bên tai trái. Tranh ảnh treo trên tường nhà tôi nguệch ngoạc những ông bà sao tóc vàng. Nhiều bức là bản photo đen trắng, nom to và rõ hơn mặt các cụ trên bàn thờ.
Căn gác gỗ của tôi là một thế giới đầy màu sắc nhảy nhót trong vô vàn âm thanh hỗn độn. Ngay cả khi tốt nghiệp đại học, đi làm, tôi vẫn có thói quen mời bạn bè, đồng nghiệp về nhà tôi ngủ, nghe nhạc suốt đêm.
Nói thế để các cụ thấy, bố mẹ tôi phải chịu đựng cái sự dị hợm của thằng con út thế nào! Tôi nhớ duy có một lần, bố tôi mắng xối xả, mắng cả việc tôi bắn lỗ tai, vẽ vời tranh ảnh lòe loẹt trên cặp nhựa. Tuổi trẻ bồng bột - hỗn hào, tôi cầm chiếc cặp màu đen xé từng mảnh và ném ra ngoài cửa. Sau tôi thấy ân hận lắm, nhưng tôi chả bỏ sở thích của mình.
Sang năm lớp 12, tôi muốn chuyển trường. Mẹ tôi dắt tôi đi gặp ông Hiệu trưởng trường Tây Sơn ở Ngã Tư Sở để xin học. Ông giáo già chỉ tôi và nói: "Chị xem con chị kìa, sao nó lại bắn khuyên tai và để cái đầu trọc lốc thế kia". Mẹ tôi lủi thủi dắt con về nhưng vẫn ồn tồn: "Nhìn mày thế này thì ai dám nhận vào học?".
Đó là câu chuyện của tôi thuở thơ bé. Còn mấy hôm nay, chiều nào đi học về, con gái tôi lại ôm iPad ông ổng hát "Em của ngày hôm qua". Nhìn nó "không phải dạng vừa đâu" trên ghế, tôi bật cười vì nhận ra hình ảnh của mình ngày trước. Đam mê và đôi lúc dị hợm ngay trong mắt phụ huynh.
Ảnh minh họa. |
Hôm nay đọc báo, thấy các cháu trẻ trâu bị đám đồng nghiệp "trẩu tre" đua nhau quại gạch đá vì cái tội khóc lóc đi đón sao Hàn. Thật nực cười. Bởi tôi liên tưởng đến hình ảnh ông già bà cả đi xem hầu đồng. Đến lúc nhập đồng cũng múa may, nước mắt dàn dụa. Vậy hà cớ gì bọn trẻ không được khóc khi gặp thần tượng của chúng?
Miễn nói đến chuyện khóc lóc, tôi thấy phần lớn đám trẻ mê sao Hàn đều trong sáng và mơ mộng. Chúng sống như trong giấc mơ cổ tích. Mà đời này cần lắm những giấc mơ. Cái tôi sợ là con cái tôi đánh mất đi cảm xúc, chứ không phải cách nó mơ đến hoàng tử, công chúa xứ Hàn đẹp băng thanh ngọc khiết.
Tôi cũng không thấy sự dung tục trong cuộc xâm lăng K-pop ra thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu chỉ là để gây phản cảm như các ông bà nhà báo nghĩ, chắc chắn văn hóa K-pop không được đón nhận như vậy. Phụ huynh những đứa trẻ kia sẽ ra tận sân bay xách tai chúng lôi về.
Mau mau dẹp cái kiểu đạo đức và độc quyền thẩm mỹ, sở thích đi. Đến tuổi này, tôi vẫn nhận thấy cái khó nhất trong ứng xử là học cách tôn trọng sở thích và cảm xúc của người khác. Giống như bố mẹ từng tôn trọng hay chấp nhận sở thích của tôi. Quên các cô chú nhà báo đi, các cháu! Các cháu yêu sao Hàn cứ thoải mái lăn ra đất gào khóc như cái tuổi các cháu vốn thế. Miễn là các cháu đừng lăn ra đường kẻo xe nó cán. Và nhớ là đừng liếm láp ghế thằng sao Hàn nào bởi như thế hết sức mất vệ sinh!
Theo Ngoisao.Net