TS. Lê Đăng Doanh: “Doanh nghiệp làm ra 1 đồng, phải bôi trơn 1 đồng”

Thứ ba, 21/04/2015, 13:29
Thực tế này được TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra để minh chứng cho tình trạng tham nhũng đang làm méo mó nguyên tắc cạnh tranh của DN.

Bài tham luận của TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng CIEM tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân khai mạc sáng 21/4 thực sự gây chú ý, trong bối cảnh chi phí bôi trơn đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp (DN).

Dẫn số liệu, báo cáo đã được đưa ra trước đó từ Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổ chức Minh bạch Quốc tế... TS. Lê Đăng Doanh cho biết, những yếu kém về quản lý và tham nhũng đã làm môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi. Trong đó, đáng chú ý là xếp hạng về đút lót trong xuất - nhập khẩu xếp thứ 121/144, thấp hơn nhiều so với xếp hạng thể chế chung. Xếp hạng về sự công khai trong xây dựng chính sách của Chính phủ chỉ xếp thứ 116.

TS. Lê Đăng Doanh: Tham nhũng, chi phí lót tay đang làm méo mó cạnh tranh thị trường

Nhắc tới những vụ án đưa hối lộ lần lượt được “khui” ra như vụ đút lót của công ty JTC, vụ Đại lộ Đông-Tây, rồi đến các phát hiện mới đây của phía Hàn Quốc về tham nhũng, đút lót của tập đoàn POSCO trong quá trình tham gia đấu thầu ở Việt Nam… hay gần nhất là Ngân Hàng Thế Giới đã ra quyết định cấm không cho tập đoàn Louis Berger Group (LBG) của Mỹ tham gia đấu thầu 1 năm do có tham nhũng ở hai dự án ở Việt Nam, là dự án Đường Giao thông Nông thôn thứ ba và dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng, ông Doanh nhấn mạnh, đây là những hồi chuông cảnh báo, báo động về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.

“Không nghi ngờ gì nữa, yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm giảm năng lực cạnh tranh và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”- ông Doanh nhận định.

Đối với các DN, việc chi trả các khoản không chính thức cũng làm gia tăng đáng kể chi phí của DN. Theo TS. Doanh, tham nhũng sẽ làm méo mó nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị trường, cạnh tranh không còn phản ánh chính xác hiệu quả của các DN vì đút lót nhiều hơn sẽ được nhiều ưu đãi hơn và có thể thành đạt hơn DN có hiệu quả, nhưng đút lót ít hơn.

Cũng theo số liệu phân tích của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc chi trả các khoản không chính thức làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp (DN). Từ năm 2009 – 2011, DN muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận thì cần phải trả 0,7 – 1 đồng tiền chi phí không chính thức.

Ngoài ra, nếu các khoản chi phí không chính thức ít hơn và DN giảm số tiền chi trả cho các khoản không chính thức, thì nguồn lực này sẽ có thể được chuyển hướng vào đầu tư và tạo việc làm. Cụ thể, nếu giảm 1% đơn vị tần suất tham nhũng, đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,7%, việc làm tư nhân sẽ tăng 1%, và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5%.

Nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng, đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8%, và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%. Đồng thời, nếu tăng 1% đơn vị tính dự báo của tham nhũng đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,6%, việc làm tư nhân sẽ tăng 1% và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 1,9%.

"Như vậy, gánh nặng tham nhũng làm giảm đáng kể động lực đầu tư tư nhân, tạo việc làm và thu nhập của doanh nghiệp", ông Doanh nhận định.

Tuy nhiên trên thực tế, các khoản chi phí không chính thức không phải lúc nào cũng giúp giảm thời gian phải làm việc với cán bộ chức trách như nhiều DN đã lầm tưởng. Thay vào đó, chi phí không chính thức làm gia tăng số lần và thời lượng của mỗi lần thanh kiểm tra.

“ Nhưng, dù vậy rất nhiều DN có xu hướng tham gia vào tham nhũng do họ coi đó là một phần của luật chơi”- ông Doanh nhận định.  Chính vì vậy,  việc phá vỡ vòng luẩn quẩn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các DN, lĩnh vực kinh doanh và nền kinh tế.

Ông Doanh tiếp lời, nếu không hạn chế và kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ khó có thể được cải thiện một cách cơ bản. Song, để làm được việc này đòi hỏi phải có sự chung sức từ cả phía doanh nghiệp và chính quyền để có thể tạo ra được những khích lệ và hình phạt đúng đắn nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.

Trong báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 vừa được VCCI công bố tuần trước cũng nêu lên thực tế buồn về "loạn" chi phí không chính thức tại Việt Nam. Theo kết quả này, chỉ riêng với khối DN FDI năm 2014 đã phải chi trả chi phí không chính thức cao hơn nhiều so với năm 2013. Nếu năm 2013, khoảng 32% DN cho biết tổng chi phí không chính thức của họ chiếm hơn 1% thu nhập mỗi năm, thì năm 2014 con số này đã tăng lên 38%. Quy mô chi trả chi phí không chính thức trung bình ở Việt Nam được điều tra PCI ghi nhận là cao nhất kể từ năm 2011.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn