Tuyên bố của ông Abe được đưa ra chỉ vài giờ trước khi ông đã gửi lễ vật tượng trưng đến đền thờ Yasukuni, nơi tưởng niệm 2,4 triệu binh sĩ Nhật Bản, trong đó có cả những tội phạm chiến tranh đã chết trong cuộc chiến.
Phát ngôn này của ông Abe nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc, Hàn Quốc hay Triều Tiên phải tức giận.
Một người dân Nhật chắp tay trước đền thờ Yasukuni. |
Dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản đã không đích thân đến thăm ngôi đền này. Với việc chỉ dâng lễ vật, ông Abe hi vọng sẽ tránh được những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế trước khi có chuyến thăm đến Indonesia và Mỹ.
Đã có những lời đồn đoán cho rằng bài diễn văn kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 sẽ không có lời xin lỗi và sẽ giảm nhẹ trách nhiệm của Nhật khi đã “xâm lược và chiếm thuộc địa” ở châu Á vào nửa đầu thế kỷ 20.
Cả hai chi tiết trên đều khác hẳn với những diễn văn trong quá khứ của người tiền nhiệm của ông Abe nhằm đánh dấu 50 năm và 60 năm Thế chiến II kết thúc với việc Nhật Bản thua trận.
Trong một buổi phỏng vấn vào tối 20/4, ông Abe có ý nói rằng ông sẽ không xin lỗi trực tiếp đối với những nạn nhân trước đây của Nhật Bản. “Tôi tán thành những gì đã nói trong những lời xin lỗi trước đây, điều đó có nghĩa là việc nhắc lại chúng sẽ không thực sự cần thiết”, ông trả lời trên kênh truyền hình Fuji TV.
Bằng việc bỏ đi lời xin lỗi và bớt thừa nhận những hành động mà Nhật đã làm trong thời chiến, ông Abe có nguy cơ nhận được những ý kiến phản đối từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc khi ông đang nỗ lực sắp xếp một cuộc họp thượng đỉnh với hai nước này.
Dự kiến ông sẽ nói về lập trường của mình về Nhật Bản thời chiến tại một hội nghị Á – Phi diễn ra tại Jakarta vào ngày 22/4 và có thể sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị này.
Thủ tướng Shinzo Abe tại đền thờ Yasukuni năm 2013. |
Lãnh đạo cấp cao hai nước đã gặp nhau vào tháng 11 năm ngoái, đánh dấu cuộc gặp mặt chính thức đầu tiên kể từ năm 2012, bên lề một cuộc họp APEC tại Bắc Kinh, tuy nhiên ông Abe vẫn chưa có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Hàn Quốc Park Geun-hye.
Sau đó, ông Abe sẽ đến thăm Mỹ, nơi ông sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên được phát biểu tại một cuộc họp tại Quốc hội Mỹ.
“Thành bại của chuyến thăm này phụ thuộc vào việc liệu ông Abe có đối mặt với lịch sử Nhật Bản một cách trung thực hay không. Đó là lịch sử gồm có quyết định khơi mào cuộc chiến, xâm lược Trung Quốc và Hàn Quốc, những tội ác chiến tranh và việc bắt hàng ngàn phụ nữ trở thành nô lệ tình dục trong các nhà thổ thời chiến”, báo New York Times bình luận.
Bắc Kinh và Seoul đã yêu cầu ông Abe tôn trọng tuyên bố được đưa ra vào năm 1995 bởi cựu Thủ tướng Tomiichi Murayama, nhằm xin lỗi những hành động của Nhật Bản.
Vào thời điểm đó, ông Murayama nói rằng, “Nhật Bản, với hoạt động xâm chiếm thuộc địa của mình, đã gây ra những tổn hại và khổ cực lớn lao cho người dân nhiều nước, cụ thể là những nước châu Á”. 10 năm sau đó, cựu thủ tướng Junichiro Koizumi cũng có lời phát biểu tương tự.
Mặc dù Nhật Bản và Trung Quốc đang có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng, lời bình luận của ông Abe có thể cho thấy rằng rất có thể ông đang muốn giảm nhẹ những sự kiện diễn ra trong thời khắc đen tối nhất của lịch sử Nhật Bản và có thể sẽ thay đổi mối quan hệ giữa hai nước.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.
Theo Infonet