Gỗ sưa dân trồng, chính quyền đòi bán: Sẽ kiện Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Thứ tư, 22/04/2015, 17:25
Nếu không trả tiền cho dân, trả gỗ cho thương lái, chúng tôi sẽ kiện ra tòa.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Hoàng Nguyên Hồng (nguyên chuyên viên cấp cao Ủy ban Kiểm tra Trung ương) khẳng định: “Người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) có thể kiện đích danh Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ra tòa án vì đã ký công văn chỉ đạo có dấu hiệu sai quy định, vi phạm quyền và lợi ích của công dân và cộng đồng dân cư đã được luật pháp quy định...”.

UBND TP.Hà Nội “phản bác” cơ quan chuyên môn

Mặc dù bộ NN&PTNT đã có văn bản nói rõ gỗ sưa tại thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) do người dân trồng và được quyền bán theo quy định, thế nhưng chính quyền huyện Chương Mỹ lại can thiệp và giữ gỗ của thương lái cũng như phong tỏa hơn 20 tỉ đồng tiền bán gỗ của dân.

Gỗ sưa dân trồng, chính quyền đòi bán: Sẽ kiện Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ảnh 1

Người dân thôn Phụ Chính làm rào sắt bảo vệ gỗ sưa. (Ảnh An Tân)

Trong khi sự việc vẫn đang gây nhiều tranh cãi thì ngày 31/3/2015, ông Nguyễn Thế Thảo (Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) đã ký công văn số 86 chỉ đạo giao toàn bộ số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá và số tiền thu được nộp vào ngân sách huyện.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Hoàng Minh Hiến (Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ) cho hay: “Hiện, thành phố đã giao gỗ về huyện và yêu cầu huyện tổ chức đấu giá trước ngày 25/4/2015. Số tiền từ bán đấu giá sẽ đưa vào ngân sách và đặc biệt ưu tiên để xây dựng công trình phúc lợi tại thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính”.

Theo ghi nhận, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính có trồng nhiều cây sưa trên đường liên thôn trước đền Đức Thánh Nhì vào khoảng năm 1880. Nhiều năm trước, người dân đốn sưa để sửa đình, chùa, một số làm củi và còn chừa lại hai gốc. Ngày 13/9/2010, mưa bão lớn làm một số cành cây sưa bị gãy nên cộng đồng thu gom và tổ chức bán số gỗ tận thu trên để lấy kinh phí xây dựng lại chùa, đền thờ, công trình văn hóa cộng đồng thôn.

Quá trình tận thu, người dân thôn Phụ Chính căn cứ vào văn bản số 3419 ngày 12/12/2007 của Bộ NN&PTNT về việc khai thác, vận chuyển cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A: “Trường hợp tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư cây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác”.

Tiếp đó, ngày 18/10/2010, UBND xã Hòa Chính xác nhận nguồn gốc lâm sản được khai thác tận thu từ cây trồng phân tán. Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ cũng kiểm tra và xác nhận đây là gỗ do cộng đồng thôn quản lý nên làm lý lịch lâm sản để dân bán đấu giá.

Sau khi đầy đủ thủ tục, người dân thôn Phụ Chính xin ý kiến UBND xã Hòa Chính, đồng thời thông báo rộng rãi để bán đấu giá trong thời gian kéo dài một tháng. Nhiều lái gỗ đã tham gia đấu giá và ông Dương Văn Thái (ngụ Thanh Bình, Đồng Kị, Từ Sơn, Bắc Ninh) trúng đấu giá 2,506m3 với số tiền 20,5 tỉ đồng. Sau đó ông Thái thanh toán, cộng đồng dân cư gửi tiền vào 10 cuốn sổ tiết kiệm, còn ông Thái thì nhận gỗ chở về. Khi ông Thái đang vận chuyển gỗ thì Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra xe.

Dù ông xuất trình đầy đủ giấy tờ nhưng công an vẫn tạm giữ phương tiện và gỗ đồng thời phong tỏa toàn bộ số tiền bán gỗ mà cộng đồng thôn Phụ Chính đang đứng tên để tiến hành điều tra xác minh làm rõ vụ việc mua bán vận chuyển gỗ sưa.

Ngày 5/5/2011, Công an Hà Nội có công văn 2065/PC46-Đ9 gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin ý kiến xử lý số gỗ. Ngày 25/5/2011, ông Hà Công Tuấn (Phó Tổng cục trưởng) có văn bản khẳng định, số gỗ sưa này là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng do cộng đồng thôn tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra xác nhận (theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT).

Dù Tổng cục Lâm nghiệp đã trả lời cụ thể số gỗ này do dân tự quyết nhưng mãi đến ngày 26/3/2013, cơ quan công an mới ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 78/03/2013 vì không có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cả gỗ lẫn tiền vẫn bị phong tỏa.

Cần khởi kiện ra tòa án

Trước những bức xúc chưa được giải quyết, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính liên tục khiếu nại yêu cầu UBND TP.Hà Nội trả lại gỗ và tiền cho dân. Tuy nhiên, sự việc không được giải quyết dứt điểm thì vừa qua ông Nguyễn Thế Thảo (Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) ký công văn số 86 chỉ đạo giao toàn bộ số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá và số tiền thu được nộp vào ngân sách huyện.

Ông Vũ Viết Binh - nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tây (cũ), người tham gia khiếu nại đòi gỗ bức xúc: “Chúng tôi quyết liệt khiếu nại vì theo quy định của pháp luật, số gỗ này thuộc quyền định đoạt của dân, không liên quan gì đến UBND TP.Hà Nội. Nếu không trả tiền cho dân, trả gỗ cho thương lái, chúng tôi sẽ kiện ra tòa”.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin liên quan đến sự việc trên, luật sư Hoàng Nguyên Hồng (nguyên chuyên viên cấp cao Ủy ban Kiểm tra Trung ương) bày tỏ sự bức xúc trước việc chỉ đạo vội vàng và sai quy định pháp luật về quản lý gỗ cây trồng phân tán của UBND TP.Hà Nội.

“Công văn yêu cầu giao toàn bộ số gỗ sưa tại thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính để bán đấu giá và số tiền thu được nộp vào ngân sách huyện là sai. Đây là việc làm hết sức nực cười, bất chấp luật pháp và vi phạm quyền công dân”, LS.Hoàng Nguyên Hồng nói.

Gỗ sưa dân trồng, chính quyền đòi bán: Sẽ kiện Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ảnh 2

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên chuyên viên cấp cao Ủy ban Kiểm tra TƯ: “Đây là việc làm hết sức nực cười, bất chấp luật pháp và vi phạm quyền công dân”. (Ảnh Nhật Tân)

Lý giải điều trên, luật sư Hoàng Nguyên Hồng cho hay: “Tổng cục Lâm nghiệp, cơ quan Kiểm lâm và các cơ quan chuyên môn cũng đã có văn bản xác nhận đây là những cây do cộng đồng người dân địa phương trồng ở đường và trước đền Đức Thánh Nhì từ những năm 1880. Như vậy, nếu Nhà nước cho rằng, cây của Nhà nước và đề nghị thu hồi, bán đầu giá thu vào ngân sách là không có căn cứ và không đúng quy định của pháp luật”.

Luật sư Hồng nói thêm: “Hơn nữa, các cụ phụ lão coi đền Đức Thánh Nhì và người dân trước khi bán đấu giá đã có sự họp bàn thống nhất để bán số gỗ sưa nói trên lấy kinh phí tu sửa đình chùa và không xin ngân sách của Nhà nước thì chính quyền phải ủng hộ họ chứ. Sao bỗng dưng lại thu giữ rồi yêu cầu bán đấu giá số gỗ trên để nộp ngân sách”.

“Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã dựa trên cơ sở nào, quy định nào để yêu cầu giao toàn bộ số gỗ sưa cho UBND huyện Chương Mỹ bán đấu giá và thu về ngân sách? Xét cả về lý và về tình đều sai. Theo tôi, người dân thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính phải làm đơn khởi kiện vụ việc này ra tòa án. Cụ thể, người dân phải kiện đích danh ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, người đã ký công văn thiếu căn cứ và bất hợp lý trên”, LS.Hoàng Nguyên Hồng nói.

Việc bán gỗ sưa để xây, tu tạo đền chùa không sai

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Phùng Quang Chính - Ủy viên ban chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khẳng định: “Việc UBND TP.Hà Nội ra công văn yêu cầu giao toàn bộ số gỗ sưa tại thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá và số tiền thu được nộp vào ngân sách huyện là sai”.

Gỗ sưa dân trồng, chính quyền đòi bán: Sẽ kiện Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ảnh 3

Ông Phùng Quang Chính - Ủy viên Ban chấp hành hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường VN: “Cây sưa nói trên không thuộc cây di sản nên việc họ bán đi cũng không vi phạm các quy định”. (Ảnh Nhật Tân)

“Đây là cây cộng đồng từ đời cha ông họ trồng, chăm sóc đến bây giờ và đã được cơ quan chuyên môn xác nhận. Việc người dân sau khi đã có họp bàn thống nhất thu gom những cành cây sưa bị gãy và tổ chức bán số gỗ tận thu trên để lấy kinh phí xây dựng lại chùa, đền thờ, công trình văn hóa cộng đồng thôn là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, cây sưa nói trên không thuộc cây di sản nên việc họ bán đi cũng không vi phạm các quy định”, ông Phùng Quang Chính nói thêm.

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích