Đề thi Văn bằng hình vẽ được phụ huynh khen nức nở

Thứ sáu, 22/05/2015, 06:50
Chỉ bằng 2 hình vẽ, đề thi Văn đầy ấn tượng này lại dễ dàng chọn ra những bài viết tốt về cách nhìn nhận vô cùng sáng tạo, tư duy.

Khác hẳn với những đề thi khác, đề thi Văn này lại vô cùng ngắn gọn, súc tích. Thay vì sử dụng nhiều câu chữ diễn giải, thì câu hỏi chỉ đơn giản là sử dụng những hình vẽ mang tính Toán học giữa thắc mắc “số 6 hay số 9”, “số 4 hay 3”.

Từ đó đặt ra yêu cầu “Từ những suy nghĩ được gợi ra từ hai hình vẽ trên, em hãy viết bài văn với nhan đề “Góc nhìn khác - suy nghĩ khác”.

Đề thi Văn độc lạ nhận được nhiều lời khen ngợi.

Đây là đề thi Ngữ Văn 9, thời gian làm bài 45 phút trong kỳ thi chung kết Giải Lê Quý Đôn diễn ra ngày 17/5 ở TP.HCM.

Đề thi này được chia sẻ trên mạng và nhận được nhiều lời khen ngợi như: đề quá hay, tăng khả năng tư duy, rất ý nghĩa, thú vị...

Một thành viên bày tỏ: "Bài văn quá hay, cảm nhận của mỗi học sinh, sẽ có 2 suy nghĩ khác nhau, thật phong phú để học sinh cảm nhận, không bị dập khuôn mẫu theo bài văn mẫu. Cảm nhận nào cũng đúng chỉ có điều xem lập luận của học sinh có chặt chẽ hay không thôi".

"Đề văn chỉ sự trái ngược về suy nghĩ của con người. Chỉ về cái " tôi " của con người. Đòi hỏi mỗi người phải biết xem xét ý kiến của chính mình nếu không biết nhìn nhận ở nhiều góc độ khác thì sẽ luôn gây ra mâu thuẫn" hay ý kiến của một bạn khác là đề văn thú vị nên cũng cần người chấm có một thế giới quan đủ lớn để đưa ra đánh giá đúng đắn.

Không ít người dành lời khen ngợi tới đề thi.

Chia sẻ về đề thi, diễn giả Huỳnh Minh Thuận thấy được gợi nhớ tới một chương trong tác phẩm "Đắc nhân tâm" nổi tiếng đó là: Hãy đặt mình vào vị trí của người khác. Trong mọi việc, nếu biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ thì mình sẽ thông cảm được tại sao họ lại suy nghĩ như vậy, hành động như vậy.

Diễn giả Thuận cho rằng, đây là một đề thi hay nhưng không dễ để một học sinh lớp 9 có thể hiểu và phân tích được. Tuy nhiên, nhìn vào cách ra đề này, diễn giả trẻ này thấy... mừng vì nó giống như dấu hiệu cho thấy tư tưởng của nền giáo dục chúng ta đang chuyển từ giáo dục truyền thống sang hình thức cởi mở, từ việc sùng bái một cái đúng sang tôn trọng và đề cao sự khác biệt".

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn