Thay vì mọc trên ngọn, giống vải này lại trổ ra từ thân với trọng lượng lên tới 3kg mỗi chùm và được giá hơn loại thông thường 5.000-7.000 đồng mỗi kg.
Là một trong số ít người đầu tiên có vườn vải mọc từ thân, ông Trần Văn Hành thôn Chão Cũ (Giáp Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết cách đây 3 năm, trong quá trình chăm sóc, ông phát hiện một số cây có mầm mọc từ thân đã ra hoa, trổ quả thành từng chùm.
Sau quá trình sinh trưởng, phát triển, nhận thấy quả vải ra từ thân cây, mọng to, mã đẹp, năng suất cao hơn hẳn quả ra từ đầu ngọn cây, ông đã duy trì những cây này, áp dụng phương pháp trồng cho những vụ tiếp đó.
Từ một vài cây thử nghiệm, đến nay, gia đình ông có 2,5ha. So với phương pháp cũ, cách trồng này mới giúp tăng 20% sản lượng. "Bình quân mỗi năm gia đình thu hoạch khoảng 30 tấn, giá bán chưa bao giờ dưới 25.000 đồng một kg", ông nói. Đây là mã hàng được hầu hết các thương lái Trung Quốc săn tìm, thu mua bởi đáp ứng yêu cầu của thị trường này.
Mỗi chùm vải nặng trên dưới 1kg, giá thu mua tận vườn 30.000-35.000 đồng mỗi kg. |
Vụ này, gia đình ông Hành đã hái bán được 20 tấn, số còn lại cũng đã được các thương lái đặt cọc để thu mua trong một vài ngày tới. Năm nay được giá, nên vải quả mọc từ thân dao động từ 25.000-30.000 đồng một kg. Dự kiến cả vụ ông có thể thu 600-700 triệu đồng.
Không ít hộ trồng tại các xã lân cận bắt đầu áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới nhằm tăng giá trị cho quả vải thiều cũng như thu nhập.
Ông Ngô Văn Đoạt là một trong hơn 70 hộ tại thôn Kép I (xã Hồng Giang) bắt đầu áp dụng cách trồng mới từ vài năm nay. Vườn vải của ông có hơn 400 cây, được trồng tiêu chuẩn VietGap. Ông cho biết để tạo được vườn vải quả mọc từ thân ngoài các biện pháp kỹ thuật, thổ nhưỡng phù hợp, người trồng cũng cần có kinh nghiệm.
Điểm khác biệt lớn nhất của quả vải mọc từ thân với vải trổ đầu ngọn cây là mọc thành chùm, kích thước quả to, mọng hơn và rất đồng đều. Trung bình mỗi chùm quả có trọng lượng từ 5 lạng cho đến một kg, nếu chăm sóc tốt có cây năng suất đến 3kg mỗi chùm.
Ngoài việc tiết kiệm được 20-30% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, ông Đoạt cho biết giá bán loại vải luôn được các thương lái Trung Quốc ưu tiên ở mức cao nhất. "Giá bán ổn định và luôn cao hơn 5.000-7.000 đồng một kg so với vải thường nên thu nhập của gia đình vài năm gần đây cũng tăng hơn so với những năm trước đó", ông nói.
Lý giải về loại vải này chưa được bán rộng rãi tại thị trường nội địa, theo vị này, ngoài sản lượng hạn chế, hầu hết doanh nghiệp trong nước chỉ thu mua vải xô với giá 10.000-15.000 đồng một kg tại vườn, trong khi giá vải mọc từ thân cao gấp đôi khiến giá bán lẻ quá cao. Không có lãi thì chẳng đơn vị nào dám mạo hiểm để kinh doanh.
Đã có 6 năm thu mua vải thiều tại Lục Ngạn để phân phối cho các tỉnh từ Bắc vào Nam, nhưng năm nay, lần đầu tiên công ty nông sản Đại Việt mới biết và tiếp cận được loại vải mọc từ thân.
"Tôi khá bất ngờ vì vải này không được bất kỳ một doanh nghiệp nội địa nào thu mua mà chỉ để dành xuất đi Trung Quốc", anh Đặng Như Quỳnh-Giám đốc Đại Việt chia sẻ.
Qua khảo sát tại thị trường biên giới, anh cho biết thương lái Trung Quốc thu mua tại vườn giá cao nhất 35.000 đồng một kg, nhưng khi đưa về nước, sản phẩm được đóng thùng gỗ làm quà tặng, có thể bán giá 350.000-400.000 đồng mỗi thùng.
Vị này cho rằng nếu đủ số lượng thì loại vải này vẫn có khả năng tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước. Không chỉ còn là thứ quả tươi, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm tăng giá trị quả vải này bằng nhiều cách. Quan trọng hơn, khi nguồn gốc mặt hàng truy xuất được rõ ràng, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để mua được được thứ quả vừa ngon, lạ như loại vải mọc từ thân.
Đại diện điểm cân cho một doanh nghiệp tại Hà Nội cũng chia sẻ để thu mua được hơn 10 tấn quả vải này, chị và một số nhân công đã rất chật vật để đến tận vườn năn nỉ người trồng để lại. "Do đây là hàng được đối tác đặt mua, nên chúng tôi cũng phải để giá cao hơn thị trường tại thời điểm đó vài giá mới gom đủ hàng", chị cho hay.
Hiện toàn Lục Ngạn có hơn 700ha vải mọc từ thân, chủ yếu tại một số xã như: Giáp Sơn, Thanh Hải, Tân Mộc, Hồng Giang... Theo lãnh đạo địa phương, việc tăng diện tích và năng suất cho phương pháp trồng vải mọc từ thân đang được khuyến khích cho các hộ trồng.
Tuy nhiên, do yêu cầu kỹ thuật trồng khắt khe cũng như điều kiện tự nhiên cần phù hợp, nên thời gian qua, các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và phương pháp chăm sóc cho vải thiều ra hoa, đậu quả trên thân, cành cũng đã được địa phương tổ chức thường xuyên.
Theo VNE