Cục đăng kiểm Việt Nam: Cản trở công nghệ đóng tàu bằng vật liệu mới

Thứ sáu, 26/06/2015, 08:34
Năm 2012 sản phẩm tàu, canô đóng bằng công nghệ vật liệu PPC (Polypropylen Copolyme) của Cty CP công nghệ Việt - Séc được Bộ KHCN tặng Cúp vàng Techmart. Hàng chục khách hàng đã quan tâm và đặt hàng, tuy nhiên khi Cty tiến hành sản xuất thì khách hàng từ chối nhận sản phẩm với lý do Cục Đăng kiểm VN không cho phép đăng kiểm.
Tàu đóng bằng vật liệu PPC của Cty Việt - Séc được hải quân sử dụng tốt trong làm nhiệm vụ

Từ cản trở công nghệ mới…

Ông Lê Văn Học - Phó Giám đốc Cty CP Việt-Séc - cho PV Báo LĐ biết: “Công nghệ sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu mới PPC tuy là mới ở VN nhưng nó đã được các nước Châu Âu chấp nhận”.

Ông Học cũng khẳng định: “Sản xuất ra sản phẩm mới khó, việc đăng kiểm không thể không làm vì không có tiêu chuẩn và quy phạm, không ai có thể chấp nhận kiểu tư duy như vậy của Cục Đăng kiểm VN, đó chỉ là vì sợ trách nhiệm, quan liêu, thiếu trách nhiệm với doanh nghiệp. Với cách nghĩ như Cục Đăng kiểm thì không thể phát triển khoa học và công nghệ được”.

Để cứu vãn sản xuất, cứu vãn việc làm của người LĐ, Cty Việt-Séc đã đề nghị Cục Đăng kiểm VN chọn một cơ quan đăng kiểm quốc tế và Cục Đăng kiểm sẽ công nhận kết quả đăng kiểm của cơ quan này và Cục Đăng kiểm đã đồng ý.

Theo bản tin hiện vẫn còn treo trên trang web của Cục Đăng kiểm VN, “Ngày 25.9.2012, tại trụ sở chính của Cục Đăng kiểm VN đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận giữa Đăng kiểm Việt Nam (VR) và Đăng kiểm Séc (Ceskoslovensky Lloyd - CS Lloyd) về hợp tác trong lĩnh vực kiểm tra và chứng nhận tàu cỡ nhỏ bằng vật liệu tổng hợp PPC - Copolymer Polypropylene”.

Bản tin còn cho biết dự lễ ký kết, phía CS Lloyd có ông Jiri Dynybyl - Giám đốc điều hành và Cty đối tác của CS Lloyd là Cty CP công nghệ Việt-Séc; phía VR có ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng, ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục trưởng và đại diện các phòng ban nghiệp vụ của VR.

Điều bất ngờ là sau khi sản phẩm tàu, thuyền, canô đóng bằng PPC của Cty Việt-Séc được Cơ quan đăng kiểm CS Lloyd (Cộng hòa Séc) đăng kiểm và cấp chứng nhận CE thì Cục Đăng kiểm VN lại bất ngờ không công nhận kết quả này. Tại CV số 1378/ĐKVN-TB ngày 1.7.2013 do Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN lúc đó là ông Trịnh Ngọc Giao ký, gửi Cty CP Việt-Séc đã nêu lý do:

“Việc Quý Cty tổ chức đóng mới tàu không có hồ sơ thiết kế được thẩm định, không có tiêu chuẩn về vật liệu và kết cấu thân tàu chứng minh sự phù hợp của vật liệu PPC dùng để đóng tàu và không có sự giám sát kỹ thuật của Cục Đăng kiểm VN là không tuân thủ các quy định của Bộ luật Hàng hải VN, Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; việc Tổ chức CS Lloyd tự ý tổ chức việc giám sát kỹ thuật trong quá trình đóng tàu và cung cấp các tài liệu liên quan mà không thông báo cho Cục Đăng kiểm VN là vi phạm các quy định của pháp luật VN về công tác đăng kiểm…”.

Do không có cách nào đăng kiểm dân sự, Cty Việt-Séc đã chuyển hướng tìm hiểu nhu cầu của hải quân, bộ đội biên phòng và tiến hành sản xuất cung cấp cho quân đội được 10 chiếc tàu. Số tàu, thuyền này đều được Đăng kiểm Hải quân đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.

Sau khi Giám đốc Cty Việt - Séc bị khởi tố, nhà máy đã phải đóng cửa, công nhân mất việc làm.

… đến án oan

Sự việc đến đây thì xảy ra sự kiện chìm tàu (BP 12-04-02 đóng bằng công nghệ vật liệu PPC) ngày 2.8.2013 tại biển Cần Giờ (TPHCM) làm 9 người chết. Cơ quan điều tra đã xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là chở quá số người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động… Hành vi của người lái tàu được xác định “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Người lái tàu đã chết trong tai nạn nên Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã không khởi tố về hành vi này.

Điều nghịch lý là ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Cty CP công nghệ Việt-Séc, đơn vị đóng tàu - lại bị khởi tố, truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” (?!). Qua nghiên cứu kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT CA TPHCM và cáo trạng của Viện KSND TPHCM, điều dễ nhận thấy một trong những căn cứ cốt lõi để các cơ quan này điều tra, truy tố ông Vũ Văn Đảo là CV 1378/ĐKVN-TB ngày 1.7.2013 của Cục Đăng kiểm VN.

Thế nhưng liệu những lý do từ chối đăng kiểm của Đăng kiểm VN có phù hợp với pháp luật hiện hành? Và việc Cty Việt-Séc tiến hành đóng mới tàu thuyền bằng công nghệ vật liệu mới PPC tại VN có vi phạm pháp luật?

Vấn đề của Cty Việt-Séc cũng như của các DN đóng mới tàu bằng PPC bất ngờ được đại biểu Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa ra trước Quốc hội trong phiên chất vấn sáng 12.6.2015. Theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội, đông đảo CBCN của Cty Việt-Séc đã vui mừng khôn tả. Ông Lê Văn Học - Phó Giám đốc Cty - cho biết: “Điều bất ngờ là vấn đề đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng quan tâm và tháo gỡ nhanh chóng”.

Ngay sáng 17.6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã triệu tập và chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc đối với việc đăng kiểm tàu, thuyền bằng công nghệ vật liệu mới PPC. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nghiêm khắc phê bình các đơn vị, cá nhân liên quan gây nên sự chậm trễ, thiệt hại cho DN.

Tiếp đó, ngày 18.6 Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký CV số 7783/BGTVT-KHCN về việc ứng dụng vật liệu PPC trong đóng phương tiện thủy nội địa gửi Cục Đăng kiểm VN. Tại CV này, Bộ GTVT khẳng định: “Hiện nay, pháp luật không cấm việc đóng tàu bằng vật liệu mới nói chung và vật liệu PPC nói riêng với điều kiện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện...

Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm VN công nhận kết quả đăng kiểm CS Lloyd hoặc Đăng kiểm Hải quân hoặc bất cứ một tổ chức đăng kiểm nào khác thực hiện, trên cơ sở đó cấp các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các phương tiện thủy nội địa vỏ PPC trong giai đoạn chưa ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ PPC”.

Điều không bất ngờ với các luật sư, chuyên gia pháp lý theo dõi vụ án nhưng hoàn toàn bất ngờ với Cơ quan CSĐT CA TPHCM, Viện KSND TPHCM là với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng “cơ sở pháp lý”, “xương sống” buộc tội ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Cty Việt-Séc và Đinh Văn Quyết - Giám đốc Cty CP Vũng Tàu Marina trong vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” đã sụp đổ hoàn toàn.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích