Đoàn đại biểu Quốc hội về ĐN khảo sát vị trí xây dựng sân bay Long Thành. |
Dự án quá to, thời gian… quá ngắn, làm sao giải tỏa?
Có thể nói, từ trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ có văn bản về lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 và Bộ GTVT có quyết định giao Tổng Cty Cảng hàng không VN làm thủ đầu tư (tất cả các văn bản trên đều ban hành trong năm 2015); thì UBND tỉnh ĐN đã chỉ đạo chính quyền và cơ quan chức năng các cấp nỗ lực hoàn tất công tác quản lý quy hoạch dự án sân bay Long Thành.
Đặc biệt, từ năm 2005, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tỉnh ĐN đã ra các quyết định thực hiện thu hồi đất, quản lý đất đai, xây dựng, hoạt động sản xuất nông nghiệp trong phạm vi quy hoạch dự án v.v… Từ năm 2014, ĐN đã quy hoạch sẵn 282,3ha cho việc xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An và Bình Sơn, nhằm bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng…
Song, theo ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ĐN: “Tôi được biết báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp giữa năm 2017 và tiến hành khởi công xây dựng vào năm 2018 (hoặc đầu năm 2019), đưa giai đoạn 1 của dự án đi vào sử dụng chậm nhất vào năm 2025. Theo tiến độ trên, UBND tỉnh ĐN không thể kịp thời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án vào năm 2018 (hoặc đầu năm 2019), nếu không thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngay từ bây giờ”.
Khoảng 4.730 hộ dân, với 14.994 nhân khẩu và 26 tổ chức đã nằm trong vùng quy hoạch (5.000ha) sân bay quốc tế Long Thành. Giờ, đi đâu cũng dày đặc bảng quảng cáo “bán đất”... ăn theo dự án. |
Thật vậy, ông Huỳnh Minh Thảo - cán bộ UBND huyện Long Thành - nói: “Toàn dự án rộng tới 5.000ha, với 4.730 hộ - 14.994 người dân, cùng 26 tổ chức phải di dời để giao đất cho dự án. Trong đó, có 4.330 hộ dân, với 2.970,2ha bị giải tỏa trắng hoàn toàn. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí cho tái định cư lên tới 18.574 tỉ đồng.
Chỉ tính riêng giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 đã là 2.750ha, với 1.894 hộ dân và 12 tổ chức bị ảnh hưởng, với kinh phí bồi thường khoảng 11.266 tỉ đồng. Có thể thấy, đó là một “đại dự án” chứ không thể coi như một dự án bình thường. Trong khi đó, thời gian đặt ra lại quá ngắn ngủi, vẻn vẹn 3 năm (2015-2018), làm sao thực hiện nổi, nếu không rốt ráo triển khai ngay từ bây giờ? Chúng tôi hiện vắt chân lên cổ, vừa làm vừa chạy, vẫn không hết việc”.
Cần cơ chế đặc thù để sớm ổn định cuộc sống người dân
Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TPHCM) - phân tích: “Vì dự án sân bay Long Thành là dự án quan trọng tầm cỡ quốc gia, nên chịu sự chi phối của các luật: Luật Đầu tư công (2014), Luật Xây dựng (2014), Luật Đất đai và Nghị định số 47 ra ngày 15.5.2014 của Chính phủ. Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cho phép tách tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và bàn giao cho địa phương làm chủ đầu tư.
Điều này có nghĩa, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư chỉ có thể được triển khai thực hiện sau khi Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư, cho phép triển khai thực hiện. Nếu tỉnh ĐN tiến hành thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định là chờ sau khi Báo cáo khả thi giai đoạn 1 của dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến sớm nhất vào giữa năm 2017), thì ĐN sẽ không thể triển khai kịp thời công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư kịp để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án, theo dự kiến vào năm 2018 (hoặc đầu năm 2019)”.
Theo ông Huỳnh Ngọc Hiếu - cư dân xã Suối Trầu, huyện Long Thành: “Đa số người dân 6 xã của huyện Long Thành bị quy hoạch trong dự án, đều đồng thuận 100% di dời nhà cửa, chấp nhận tái định cư, giao đất cho xây dựng sân bay Long Thành. Nhưng chúng tôi muốn bồi thường nhanh để còn ổn định đời sống, việc làm tại nơi ở mới. Không ai muốn kéo dài cuộc sống hiện nay trong vùng bị quy hoạch, không thể làm gì được, mà có muốn ra đi, lại không có vốn liếng, đất đai, nhà cửa mới”.
Ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh ĐN - cho rằng: “Nếu Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép ĐN áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành, chấp thuận cho tách ngay tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và giao cho UBND tỉnh ĐN làm chủ đầu tư để triển khai ngay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thì đảm bảo trong năm 2018, có thể khởi công xây dựng sân bay quốc tế Long Thành”.
Ông Thái cho biết thêm, trước mắt, UBND tỉnh ĐN đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm ứng vốn (11.266 tỉ đồng), theo tiến độ từ nay đến tháng 9.2018, nhằm thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư, sớm di dời dân để bàn giao mặt bằng triển khai giai đoạn 1 của dự án (2.750ha).
Bằng không, mọi chậm trễ, đóng khung cứng nhắc theo các quy định đặt ra ở trên, thì tiến độ khởi công xây dựng sân bay Long Thành sẽ bị ảnh hưởng là không thể tránh khỏi.
Theo LaoĐộng