Lãnh đạo Đà Nẵng: 'Cực chẳng đã mới kiện nhân tài vi phạm hợp đồng'

Thứ năm, 01/10/2015, 11:51
Thắng kiện 7 nhân tài vi phạm hợp đồng theo chính sách "chiêu hiền đãi sĩ", nhưng ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng buồn bã thừa nhận "đã mất mát nhiều thứ".

- Quan điểm của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng khi khởi kiện những học viên vi phạm hợp đồng sau quá trình đào tạo ở nước ngoài là gì?

- Chúng tôi không muốn khởi kiện mà chỉ mong những học viên tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922) đạt được kết quả học tập tốt, tuân thủ luật pháp và về làm việc cho thành phố như đúng cam kết. Họ không đồng hành cùng thành phố là điều chúng tôi không mong muốn và việc khởi kiện là việc cực chẳng đã.

IMG-5460-5736-1443669134.jpg

Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Mặc dù còn rất nhiều việc cấp thiết phải làm, nhưng hàng năm thành phố vẫn dành một khoản tiền không nhỏ để cho các em đi học, đồng thời gửi gắm niềm tin và hy vọng các em sẽ tiếp thu trình độ, kỹ năng ở các nước tiên tiến rồi quay về phục vụ lại cho thành phố và nhân dân.

Tiền thành phố chi cho các học viên đều từ ngân sách. Mà ngân sách là tiền thuế của dân, là mồ hôi của công nhân trong xưởng máy, của nông dân ngoài đồng và cả lệ phí của những chị em buôn thúng bán bưng. Để thất thoát số tiền từ mồ hôi và công sức của nhân dân là không thể được.

Những học viên vi phạm hợp đồng nhẽ ra chúng tôi đã có thể khởi kiện sớm hơn. Nhiều học viên và gia đình khi không đồng hành cùng đề án của thành phố đã ý thức về điều đó, nên đã mạnh dạn cầm cố cả nhà cửa để trả lại tiền cho ngân sách. Trái lại nhiều học viên dù có điều kiện về kinh tế vẫn chây ỳ. Việc khởi kiện các học viên và gia đình vi phạm hợp đồng cũng là đảm bảo sự công bằng cho những học viên có ý thức và tuân thủ pháp luật.

Kiện học viên vi phạm không chỉ để truy thu ngân sách, đảm bảo tính nghiêm minh của đề án và pháp luật, mà còn nhắc nhở các học viên luôn ý thức về nghĩa vụ của mình.

- Theo đúng quy định, số tiền truy thu ngân sách từ 7 vụ thắng kiện còn có thể cao hơn con số 10 tỷ đồng. Tại sao thành phố lại giảm bớt khoản tiền này?

- Chúng tôi hoàn toàn có thể truy thu số tiền gấp 5 lần đối với các học viên tham gia đề án trước ngày 10/12/2013. Nhưng việc này nếu thực hiện cũng không dễ vì học viên sẽ khó trả được, đặc biệt là những người mà chương trình học của họ đã tốn kém tiền tỷ.

Thêm vào đó, để phù hợp với Nghị định 143/2013 về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đối với người được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước, UBND thành phố đã có chủ trương trường hợp học viên vi phạm sẽ phải hoàn lại số tiền gấp 2 và sau đó là một lần. Ví dụ, trường hợp của chị Huỳnh Thị Thanh Trà nhận hơn 1,5 tỷ đồng đi học ở Mỹ, khi vi phạm hợp đồng, phải bồi thường gấp 5 lần với số tiền hơn 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo chủ trương mới chị Trà chỉ phải hoàn trả số tiền gấp 2 lần là gần 3,1 tỷ đồng. Như vậy, mức đòi bồi thường của thành phố là hợp tình hợp lý và có tính khả thi.

hc-4509-1443669134.jpg

Đà Nẵng khẳng định việc khởi kiện nhân tài là thượng tôn pháp luật và đảm bảo sự công bằng. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông.

- Trước khi thực hiện đề án, thành phố có lường trước những rủi ro này?

- Kiện ra tòa là việc phải làm nhưng không phải là việc lớn của cả một đề án về nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi vẫn khẳng định đề án thành công. Đến nay đã có hơn một nửa trong số 630 học viên tham gia về làm việc cho thành phố. Hầu hết đó là những người có năng lực thực sự, có phẩm chất đạo đức tốt và được sắp xếp những vị trí phù hợp với ngành học. Đặc biệt, nhiều người đã phấn đấu và được bổ nhiệm giữ cương vị phó giám đốc sở ban ngành khi tuổi còn rất trẻ.

Đề án, dự án nào cũng có tính rủi ro. Với đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, tỷ lệ trên dưới 10% học viên ra khỏi và không hoàn thành đề án không phải là cao. Tuy nhiên, con số này cũng tạo ấn tượng không tốt đối với một đề án mà những người tham gia nhằm tạo nguồn cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi cho thành phố. Còn các em sau này có phấn đấu, rèn luyện để trở thành nhân tài giúp ích cho đời thực sự hay không còn tùy thuộc vào thời gian.

- Ngoài 7 trường hợp đã khởi kiện, hiện còn nhiều nhân tài vi phạm hợp đồng, thành phố sẽ xử lý thế nào?

- 17 trường hợp còn lại nếu không thực hiện nghĩa vụ thì chúng tôi tiếp tục khởi kiện để đảm bảo công bằng. Số tiền học viên phải trả người ít nhất là hơn 400 triệu, còn nhiều là hàng tỷ đồng. Họ không trả lại cho thành phố thì chỉ có kiện mới có thể truy thu ngân sách theo bản án tòa tuyên.

Trung tâm tin sẽ được xử thắng kiện bởi mượn tiền thì phải trả, không ai bắt bẻ được cả về lý và tình.

- "Chảy máu chất xám" không còn là câu chuyện của riêng đề án 922, mà là mối lo chung của cả nước. Ông có đề xuất gì để giữ chân người tài?

- Với kinh nghiệm của cơ quan quản lý học viên đi học, chúng tôi cho rằng khi tuyển đầu vào phải chọn được ứng viên thực sự có tâm huyết với thành phố, có ý thức tuân thủ pháp luật và quy định của đề án. Về phía ứng viên cũng cần được giải thích rõ ràng những quyền lợi, nghĩa vụ một khi tham gia đề án. Các em cũng phải được xác định trước vị trí cụ thể sẽ làm việc sau khi hoàn thành việc học để tự chuẩn bị cho mình về tâm lý, kiến thức và kỹ năng cần thiết đảm bảo thích nghi với công việc.

Thực tế đã có nhiều học viên của đề án sau khi học xong được nhiều đơn vị kinh tế, giáo dục ở nước ngoài mời làm việc với những chính sách về thu nhập và môi trường làm việc tốt hơn hẳn Đà Nẵng, nhưng họ vẫn về làm việc cho thành phố. Đó là điều đáng quý và luôn được thành phố trân trọng. Chúng tôi luôn tin tưởng thành phố Đà Nẵng sẽ luôn là mảnh đất lành để người hiền tài chọn làm nơi khởi nghiệp, chung tay góp sức giúp thành phố phát triển.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích