Báo chí viết về trọng án: Đừng tự cho mình quyền "suy đoán...có tội"

Thứ bảy, 22/08/2015, 21:04
Nhà báo Đà Trang – Trưởng đại diện Báo Tuổi trẻ TP.HCM tại Hà Nội cho rằng, nhiều phóng viên, tòa soạn khi viết về các vụ án đã vi phạm nguyên tắc tối thượng của pháp luật là "suy đoán vô tội".

Nhiều vấn đề đáng lo ngại khi đưa tin về vụ án

Vừa qua, có rất nhiều vụ trọng án xảy ra, việc đưa tin về các vụ trọng án cũng đã lộ rõ nhiều bất cập.

Ngày 19/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chính thức gửi công văn yêu cầu các cơ quan báo chí chấp hành các quy định của pháp luật về báo chí khi đưa thông tin về các vụ trọng án.

Nhà báo Đà Trang (bên trái) đại diện Báo Tuổi trẻ tại Miền Bắc

Khi được hỏi về suy nghĩ của mình trước “rừng” thông tin về các vụ trọng án trên báo chí gần đây, Nhà báo Đà Trang – Trưởng đại diện Báo Tuổi trẻ TP.HCM tại Hà Nội cho biết: “Thông tin báo chí về các vụ án đang bộc lộ rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Viết về pháp luật nhưng nhiều phóng viên lại vi phạm nguyên tắc tối thượng của pháp luật là "suy đoán vô tội".

Khâu xử lý biên tập cũng không kỹ càng nên những lỗi sơ đẳng vẫn gặp hàng ngày trên mặt báo. Phổ biến nhất là tự ý kết tội hoặc theo hướng “suy đoán…có tội” đối với nghi phạm, bị can, bị cáo. Chẳng hạn miệt thị gọi họ là y, thị, hắn, kẻ, hung thủ, thủ phạm, tên giết người…

Việc sử dụng hình ảnh nghi can, hình ảnh và thông tin người thân của họ cũng rất tuỳ tiện hoặc mô tả chi tiết cách thức gây án, giết người một cách rất…vô tư.”

Nhà báo Đà Trang kể rằng có lần một số độc giả gửi email, bình luận phê bình báo Tuổi trẻ vì đưa hơi quá liều lượng về một vụ án. Lập tức những ý kiến đó được gửi tới tất cả đội ngũ lãnh đạo khối nội dung để rút kinh nghiệm và điều chỉnh.

Là trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội của một tờ báo có lượng phát hành lớn, Nhà báo Đà Trang cho hay: “Cá nhân tôi từ lâu rất sốt ruột về thực tế đưa tin các vụ án nên đã nhiều lần có ý kiến bởi báo Tuổi trẻ của chúng tôi vẫn xuất hiện những bản tin lệch chuẩn. Năm 2010, TBT giao tôi cùng tham gia chấp bút viết bản quy định mang tính nội bộ về đưa tin pháp luật. Tất nhiên việc có quy định không quan trọng bằng ý thức của mỗi người trong guồng máy...”

Một trong những lỗi điển hình của báo chí gần đây nhất là việc sử dụng hình ảnh của chị Nguyễn Thị Hán trong vụ thảm sát ở Yên Bái. “Là một nhà báo, tôi cảm thấy áy náy và có lỗi với việc sử dụng hình ảnh như thế. Các báo đã đăng tải hình ảnh chị Hán khi bị bắt đều nợ chị một lời xin lỗi và có lẽ một lời xin lỗi cũng không đủ lấy lại những gì chị ấy đã phải chịu.”- Nhà báo Đà Trang chia sẻ.

Có thể không giỏi nhưng phải... tử tế

Nhiều người cho rằng, làm báo ở Việt Nam vừa khổ, vừa sướng. Khổ vì áp lực công việc (đó là đặc thù nghề nghiệp ở đâu cũng vậy), thu nhập không cao. Nghề báo là nghề nguy hiểm và …"độc hại" khi hằng ngày phải chứng kiến những vụ trọng án, cũng như phải tiếp xúc với mặt trái của xã hội (nhất là đối với phóng viên mảng Pháp luật). Nhưng “sướng” ở chỗ nhiều khi sai, xâm phạm đời tư của người khác nhưng ít khi bị kiện.

Theo Nhà báo Đà Trang, phóng viên mảng Pháp luật cần phải am hiểu về lĩnh vực này, ít nhất là những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Bởi vì họ thường xuyên phải đưa tin bài về các vụ án, đụng đến những vụ việc liên quan sinh mệnh chính trị của một con người thì không thể đùa được. Những nạn nhân của báo chí cần biết kiện ra tòa vì đây chính là con đường văn minh nhất nhưng lâu nay vì nhiều lý do, ít người sử dụng cách này.

Nhà báo Đà Trang cho rằng: “Cũng giống như cầu thủ đá bóng trên sân. Khi phạm lỗi không bị thổi còi, không bị thẻ gì, không bị đuổi ra sân thì họ cứ phạm lỗi thôi, cứ chơi xấu để ghi được bàn và không để thủng lưới. Nếu không cẩn trọng trong tác nghiệp các vụ án thì bị phạt hành chính vẫn còn là nhẹ. Thực tế đã có đồng nghiệp phải trả giá bằng án tù”.

Ngày 18/8 vừa qua Bộ TTTT đã có công văn chính thức gửi các báo, đây là một biện pháp để các báo tự chấn chỉnh lại cách đưa tin về các vụ trọng án. Nhưng theo nhà báo Đà Trang, hình phạt lớn nhất của người làm báo chính là bị bạn đọc quay lưng, họ không thèm chửi mà họ không còn tin báo chí, họ tẩy chay, không mua, không đọc báo nữa.

“Mỗi khi có dịp, tôi vẫn thường nói với các bạn sinh viên báo chí, rằng chúng ta hãy chịu khó kiếm tìm những tiếng reo vui trong đời vốn nhiều chuyện mang gam màu xám. Chúng ta có thể không trở thành một nhà báo giỏi nhưng chúng ta phải trở thành một nhà báo tử tế.”- Nhà báo Đà Trang cho biết.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn